Từ vụ Huyền Như: Vì sao ngân hàng mất tiền?
Quy định pháp luật không thiếu nhưng người thực hiện các nguyên tắc này lại chưa đáp ứng, dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng.
Thời gian qua, xảy ra hàng loạt vụ án liên quan đến ngân hàng với thiệt hại ở con số “khủng”. Theo các cơ quan bảo vệ pháp luật, nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này là do sự cẩu thả, thiếu hiểu biết về nghề nghiệp của nhân viên ngân hàng; sự lỏng lẻo của khâu kiểm tra, giám sát khi không thực hiện đủ chức trách và có cảnh báo phù hợp, tương ứng. Ngoài ra, áp lực công việc ngành và bối cảnh xã hội phát triển quá nóng trong những năm trước đây (điển hình là việc mở các van tín dụng rộng rãi) đã tác động đến những người chủ chốt các đơn vị cơ sở trong ngành ngân hàng để ra các quyết định cho vay quá dễ dãi.
Cẩu thả, bỏ qua các thủ tục
Trong nhóm tội về vi phạm quy định ngành, cứ liên quan đến vi phạm trong hoạt động ngân hàng, tội danh “Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” quy định tại điều 179 BLHS lại được… xướng danh.
Kể từ giai đoạn đất nước mở cửa vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước, ngân hàng đóng vai trò là dòng máu của nền kinh tế. Hàng loạt quy định ngành được ban hành, ấn định trách nhiệm, nghĩa vụ cụ thể, rõ ràng để các bộ phận, cá nhân trong quá trình làm việc phải tuân thủ. Các quy định pháp luật cũng chi tiết và ngày càng hoàn thiện. Thế nhưng cùng với sự phát triển xã hội, các quan hệ chồng chéo, phức tạp và sự khôn ngoan, lọc lõi của một bộ phận khách hàng có lúc làm cho cán bộ ngân hàng không thể thấu rõ mọi ngóc ngách hoặc lường hết sự nguy hiểm. Kiểu suy nghĩ giản đơn, cẩu thả, bỏ qua các thủ tục của cán bộ tín dụng đã tích lũy nguy cơ tiềm ẩn.
Bị cáo Lý Chí Nguyên “rút ruột” của ngân hàng 3,9 tỉ đồng, bị tuyên phạt 19 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”.
Khi vụ án xảy ra, đối chiếu lại các quy định ngành cho thấy nhiều lỗ hổng trong trách nhiệm, nghĩa vụ đã gây thiệt hại lớn cho ngân hàng. |
Bên cạnh đó, do đặc thù của ngành ngân hàng, việc kiểm tra từ cơ quan chuyên trách trong ngành được quy định khá chặt chẽ. Ngân hàng Nhà nước và từng ngân hàng có những quy định về các ban thanh tra, kiểm tra nội bộ. Với chức trách được giao, bộ phận này sẽ đảm nhiệm việc đối chiếu các quy định ngành, kiểm tra mọi hoạt động của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, do trình độ hạn chế hoặc góc nhìn thiếu sâu sắc, họ đã không phát hiện hoặc bỏ qua những lỗi vi phạm, không điều chỉnh kịp thời hoạt động cho vay, xem xét tài sản thế chấp hay chấn chỉnh sự ưu đãi bất thường trong quá trình thẩm định. Từ đó không có sự cảnh báo tương ứng để chấn chỉnh. Vi phạm cứ thế được “nuôi dưỡng” và phát triển cho đến khi bùng nổ.
Vụ án gây thiệt hại 120 tỉ đồng cho Agribank Chi nhánh Tân Bình là đặc trưng cho vi phạm này. Do không có cảnh báo tương ứng nên không phát hiện vi phạm ở các khoản vay ban đầu trị giá 27 tỉ đồng bằng tín chấp không đúng quy định; hoặc khoảng 40 tỉ đồng sau thế chấp bằng cổ phiếu giả nhưng lần tái thẩm tra đã không có cảnh báo để ngừng giao dịch đối với số cổ phiếu đang thế chấp.
Tội phạm tinh vi, xảo quyệt
Thủ đoạn, âm mưu lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng mà các đối tượng thực hiện ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Đặc biệt, nhiều đối tượng có những hiểu biết nhất định về ngành ngân hàng, thấu hiểu được áp lực trong công việc của cán bộ lãnh đạo, nhân viên ngân hàng, vì thế “chiếc bẫy” khi được giăng ra càng thêm hoàn hảo. Chỉ cần tắc trách, vô ý hay suy nghĩ giản đơn khi thực hiện nguyên tắc nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng, thủ đoạn của các đối tượng sẽ được triển khai thành công.
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như nổi lên với thủ đoạn gian dối được tính toán rất kỹ lưỡng và được thực hiện bởi một người trong ngành. Huyền Như đánh vào lòng tham của người bị hại về mức lãi cao ngoài hợp đồng cũng như việc chạy đua huy động vốn bằng mọi giá, dù sai quy định của các ngân hàng. Cũng vì vậy, khi Huyền Như triển khai việc hút vốn đã không bị bất cứ nghi ngờ nào từ các đồng nghiệp. Thậm chí có hẳn chủ trương thông suốt từ những nhân vật là bậc thầy của ngành ngân hàng hay những người quản lý lão luyện, tầm cỡ như trường hợp Ngân hàng Á Châu (ACB) ủy quyền cho nhân viên gửi.
Sau mỗi vụ án, ngành ngân hàng không chỉ mất mát hàng ngàn tỉ đồng mà còn thiệt hại về đội ngũ nhân sự ngành. Chỉ 1 vụ đại án Huỳnh Thị Huyền Như, ACB mất gần như toàn bộ dàn lãnh đạo chủ chốt. Một số sai phạm nghiêm trọng ở vài đơn vị cơ sở của Agribank, mất đi vài chục cán bộ đứng đầu, kéo theo hàng trăm cán bộ lãnh đạo, nhân viên các cấp. Nhưng mất mát lớn nhất là niềm tin đối với con người nói chung và ngành ngân hàng nói riêng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chung của xã hội.
Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM)