Từ vụ giám đốc sát hại nữ kế toán: Người nước ngoài phạm tội bị xử lý thế nào?
Từ vụ giám đốc 47 tuổi người nước ngoài bị bắt giữ vì tình nghi sát hại nữ kế toán ở Bình Dương, nhiều bạn đọc thắc mắc, nếu đối tượng là hung thủ gây án thì bị xử lý thế nào?
Nữ kế toán quỳ gối trước mặt giám đốc trước khi bị sát hại. Ảnh cắt từ camera
Công an tỉnh Bình Dương đang điều tra làm rõ vụ án sát hại chị L.T.M (SN 1993, ngụ Tân Phước Khánh, Tân Uyên, Bình Dương) tại Công ty Vinh Nhuận thuộc địa bàn khu phố Bình Khánh, phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Qua điều tra, cơ quan công an xác định nghi phạm gây ra vụ án mạng là Yang Zhong Wu (SN 1976, quốc tịch Trung Quốc).
Yang Zhong Wu là giám đốc công ty Vinh Nhuận, trong khi chị M là nhân viên kế toán của công ty Vinh Nhuận.
Theo Công an tỉnh Bình Dương, sau khi xảy ra vụ án, Yang Zhong Wu đã trốn khỏi công ty trên chiếc xe bán tải màu trắng, biển số 61C- 450.00. Tuy nhiên, sau 1 ngày bỏ trốn, Yang Zhong Wu đã bị công an tỉnh Gia Lai bắt giữ khi đang lẩn trốn trên địa bàn TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai. Công an tỉnh Bình Dương đã cử lực lượng đến tỉnh Gia lai tiếp nhận và di lý đối tượng về Bình Dương để điều tra, xử lý.
Liên quan tới vụ án trên, nhiều độc giả thắc mắc, trách nhiệm pháp lý của người nước ngoài khi thực hiện hành vi phạm tội tại Việt Nam?
Trao đổi với PV về thắc mắc trên, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Điều 5, Bộ Luật Hình sự có nêu rõ về “Hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam”.
Theo đó, tại khoản 1, điều 5, Bộ luật Hình sự quy định, Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam. Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Tại khoản 2, điều 5, Bộ luật Hình sự quy định, đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
“Như vậy, người có hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không thuộc trường hợp được miễn trừ ngoại giao, giải quyết theo điều ước quốc tế hoặc thông qua con đường ngoại giao như đã nêu cụ thể tại khoản 2, điều 5 thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ Luật Hình sự, bao gồm cả hành vi giết người”, luật sư Kiên nói.
Đồng quan điểm với luật sư Kiên, luật sư Lê Hồng Khanh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết thêm, trong trường hợp quốc gia có công dân phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam có văn bản yêu cầu dẫn độ người nước ngoài về nước để xử lý thì tùy trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền tại Việt Nam có thể đồng ý hoặc không đồng ý dẫn độ.
Về việc xử lý đối tượng có hành vi giết người, luật sư Kiên và luật sư Khanh cho biết, trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người (điều 123, Bộ luật Hình sự) thuộc các trường hợp “giết phụ nữ mà biết là có thai”; “Có tính chất côn đồ”; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; “Vì động cơ đê hèn”… người phạm tội có thể đối mặt với mức án 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Nguồn: [Link nguồn]
Đối tượng Yang Zhong Wu (SN 1976, quốc tịch Trung Quốc) bị Công an TP Pleiku, tỉnh Gia Lai bắt giữ khi đang lẩn trốn trên địa bàn và đối tượng đã có lời khai ban đầu về nguyên...