Từ vụ bí thư xã giết cháu, đốt xác: “Thân tàn” vì trục lợi bảo hiểm
Vì mục đích trục lợi bảo hiểm, nhiều người đã cố tình tạo ra sự kiện bảo hiểm bằng cách giết người, thuê người gây thương tích cho bản thân… kết cục người thì “thân tàn”, người thì vướng vòng lao lý.
Đối tượng Đỗ Văn Minh bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại Bình Phước. Ảnh: Người lao động
“Thân tàn” vì trục lợi bảo hiểm
Ngày 12/5, Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Đỗ Văn Minh – Bí thư đảng ủy xã Liên Hà (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) về hành vi Giết người. Nạn nhân trong vụ án mạng này là anh Trần Nho Vương (SN 1995, trú thôn Đan Hà, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), cháu vợ Minh.
Từ kết quả điều tra và lời khai của Đỗ Văn Minh, cơ quan điều tra xác định, do nợ số tiền lớn nghi phạm đã lên kế hoạch để trục lợi số tiền 18 tỷ đồng từ gói bảo hiểm đã mua trước đó.
Lúc đầu, Minh định trộm thi thể một người dân mới mất ở nghĩa trang tuy nhiên bất thành. Sau đó, ngày 4/5, Minh sát hại cháu vợ mình rồi cho lên ô tô, phóng hỏa đốt để tạo hiện trường một vụ tai nạn. Minh còn để lại chiếc đồng hồ và chùm chìa khóa để mọi người nhầm tưởng người chết là mình chứ không phải là anh Vương.
Tuy nhiên, màn kịch “ve sầu thoát xác” của Minh đã bị cơ quan điều tra vạch trần. Dù đã bỏ trốn nhưng Minh bị cơ quan công an bắt giữ vào ngày 10/5.
Tương tự trường hợp của Đỗ Văn Minh, năm 2016, cũng với mục đích trục lợi bảo hiểm để lấy tiền trả nợ, chị L.T.N (SN 1986, trú xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã thuê Doãn Văn Doanh (SN 1995, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) với giá 50 triệu đồng chặt 1/3 bàn chân và 1/3 bàn tay bên trái của mình rồi tạo hiện trường giả một vụ tai nạn tàu hỏa.
Chị L.T.N tự rước họa vào thân khi tự tạo hiện trường tai nạn.
Theo hợp đồng bảo hiểm đã mua, nếu bị thương tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông, chị N. có thể được thanh toán tổng số tiền khoảng 3,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi cơ quan công an vào cuộc xác minh thì sự thật đã được phơi bày, thương tích của chị N. là do Doanh gây nên. Do vậy, dù “thân tàn” nhưng chị N. không được hưởng bảo hiểm.
“Rất khó để qua mặt cơ quan bảo hiểm”
Liên quan đến vụ việc Bí thư xã giết cháu và những hành vi trục lợi bảo hiểm nêu trên, ngày 12/5, trao đổi với PV, luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa cho biết, hiện nay, các trường hợp tự gây tai nạn, tự gây tổn hại cho sức khỏe của mình để hưởng bảo hiểm đã không hiếm.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa.
“Rất khó để qua mặt cơ quan bảo hiểm. Cơ quan bảo hiểm, họ có quy trình làm việc chặt chẽ, nghiêm ngặt. Nó qua mặt được thì theo thời gian, hành vi phạm pháp này có thể bị cơ quan công an phát hiện sẽ phải trả giá rất đắt vì đó là hành vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự.” - luật sư Giáp nói.
Đồng quan điểm với người đồng nghiệp, luật sư Hoàng Văn Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa cho hay, hành vi giả chết, giả tai nạn để lấy tiền bảo hiểm từ công ty bảo hiểm bản chất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản rõ ràng, có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của công ty bảo hiểm.
“Hành vi này là phạm pháp vì thế mà đối với những người có ý định thực hiện các hành vi lừa đảo để lấy tiền bảo hiểm thì cần phải dẹp bỏ ngay. Bởi khi đã thực hiện một hành vi khách quan thì chắc chắn sẽ để lại dấu vết khách quan trên thực tế, khi cơ quan chức năng điều tra xác minh sẽ tìm ra được sự thật”, luật sư Tùng nhận định.
Luật sư Hoàng Văn Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa.
Nói rõ hơn về vấn đề này, luật sư Hoàng Văn Tùng cho biết, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm như tai nạn, khách hàng mua bảo hiểm tử vong thì cơ quan bảo hiểm sẽ dựa trên hồ sơ của cơ quan chức năng. Đặc biệt các vụ việc tai nạn, gây thương tích, chết người thì cơ quan bảo hiểm sẽ dựa trên hồ sơ điều tra xác minh của cơ quan công an.
“Việc tạo dựng hiện trường giả tai nạn, giả chết, thậm chí là giết người nhằm tạo sự kiện bảo hiểm sẽ rất khó để qua mặt cơ quan công an. Vì thế, chính người tạo sự kiện bảo hiểm sẽ tự rước họa vào thân. Trường hợp của ông Minh và chị N. là một ví dụ”, luật sư Tùng cảnh báo.
Cũng theo luật sư Tùng, đối với trường hợp người mua bảo hiểm giả chết, giả tai nạn nếu bị cơ quan chức năng phát giác, làm rõ thì phía cơ quan bảo hiểm sẽ không thực hiện chi trả theo quy định của luật bảo hiểm và đã được nêu rõ trong điều khoản của sản phẩm, hợp đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
Người nhà nạn nhân Trần Nho Vương trong vụ án Bí thư xã giết người, đốt xác, dựng hiện trường giả để trục lợi...