Từ vụ bé 8 tuổi bị bạo hành đến chết: Làm thế nào để nhận biết trẻ bị ngược đãi?
Sau vụ bé 8 tuổi bị “dì ghẻ” bạo hành trong thời gian dài dẫn đến tử vong, nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ về sự thiếu trách nhiệm của ông bố và những người thân trong gia đình cháu bé đồng thời đặt câu hỏi: “Những dấu hiệu nào để nhận biết trẻ đang bị ngược đãi, bạo hành”?
Theo Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú, bạo hành trẻ em không chỉ để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe thể chất, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ kéo theo nhiều hệ lụy tâm lý. Những hành động như đánh đập, vùi dập, làm nhục, đe dọa… đều khiến đứa trẻ thiếu tự tin, rụt rè, luôn trong trạng thái hoảng hốt, lo sợ.
Khi bị bạo hành nhiều lần, trẻ dần dần hình thành nhân cách nhút nhát, tự ti, gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi chấp nhận và vượt qua các thử thách biến cố hay thất bại trong cuộc sống sau này. Trẻ cũng dễ mắc phải các rối loạn stress, lo âu và trầm cảm kéo dài.
Không ít trẻ do bị ngược đãi thường xuyên khi lớn lên sẽ có quan niệm sống lệch lạc, không biết tôn trọng người khác và chính bản thân mình. Thậm chí trẻ trở nên vô cảm, độc ác, hung hãn....
Bé gái 8 tuổi tử vong với nhiều vết bầm tím trên người và đối tượng bạo hành
Về dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành, Tiến sỹ Cẩm Tú cho biết, trẻ có thể có những chấn thương đến hệ thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng vận động, tổn thương nhiều vị trí trên cơ thể, gẫy tay, gãy chân, gãy xương. Những dấu hiệu dễ phát hiện chính là các tổn thương trên cơ thể như bầm tím tay, chân, mặt, tổn thương cơ quan sinh dục, xuất hiện các bệnh lây qua đường tình dục, đau bụng dữ dội, nhiễm khuẩn…
Về tâm lý, nếu bị hành hạ, ngược đãi thường xuyên trẻ có những rối loạn hành vi và ứng xử, thậm chí thay đổi tính nết. Không ít trẻ đang hiền lành, nhút nhát bỗng trở nên hung bạo, hay cáu gắt, khóc lóc, thậm chí có hành vi hung tính như đánh đập người khác hoặc vật nuôi.
Bên cạnh đó, có một số trẻ đang hoạt bát, lanh lợi lại có biểu hiện thu mình lại, luôn trong trạng thái lo lắng, buồn phiền, không thích tiếp xúc với những người xung quanh, thậm chí bị rối loạn tâm thần với các triệu chứng như hoang tưởng, ảo giác.
Khi phát hiện hay cảm thấy nghi ngờ trẻ bị bạo hành cần nhanh chóng tách trẻ ra khỏi tình huống gây khủng hoảng càng sớm càng tốt. Cần kiểm tra xem trẻ có tổn hại gì về sức khỏe, thể chất không, tránh la mắng trẻ hoặc ép trẻ tiếp tục làm những việc mà trẻ sợ hãi, không nên bắt trẻ kể lại sự việc khủng khiếp đã xảy ra.
Điều cần thiết nhất là cần tôn trọng phản ứng của trẻ. Người nhà, bè bạn, thầy cô, xã hội cần tránh nhắc lại về ký ức đau buồn của trẻ, tránh ruồng bỏ, khinh thường trẻ. Người lớn đặc biệt là người trẻ tin yêu cần ở bên trẻ sau khi xảy ra khủng hoảng để giúp trẻ cảm thấy không bơ vơ, đơn độc đối phó với sang chấn, cố gắng giúp trẻ duy trì nề nếp sinh hoạt hàng ngày. Giúp trẻ giảm dần nỗi sợ hãi bằng cách tạo điều kiện đưa trẻ đi du lịch, nghe nhạc hoặc tham gia các hoạt động tập thể khác..
“Khi bị bạo hành, nhiều trẻ nhỏ không có đủ khả năng nói ra sự việc, thậm chí một số trẻ có nói, nhưng bố mẹ, người thân không tin, không để ý. Do vậy, người lớn cần học cách lắng nghe trẻ. Khi phát hiện trẻ đã bị xâm hại, bố mẹ không nên tự giải quyết mà cần đưa trẻ đến gặp các chuyên gia về y tế và tâm lý để được tư vấn, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc” – Tiến sỹ Cẩm Tú khuyến cáo.
Liên quan vụ bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị "dì ghẻ" bạo hành dẫn đến tử vong. Phóng viên Tiền Phong đã trao đổi và...
Nguồn: [Link nguồn]