Truy bắt sát thủ máu lạnh 15 năm trốn nã

Từng là kẻ có biệt danh “sát thủ máu lạnh” trong giới giang hồ, Nguyễn Văn Sơn đã từng có quãng thời gian làm kinh hồn bạt vía giới giang hồ, gây bao nhiêu sóng to gió lớn với những vụ gây rối, mất trật tự và hành hung người giữa thanh thiên bạch nhật, để rồi phải nhận một cái lệnh truy nã và trốn chạy ngoạn mục trong suốt 15 năm trời, trước khi sa lưới và đền tội trước pháp luật.

Chân dung “sát thủ máu lạnh” của thập niên 90

Nguyễn Văn Sơn, tức Sơn “hai ẩn” sinh và lớn lên ở quận 4, TP HCM, nơi tập trung những tay giang hồ máu mặt của TP HCM. Sơn “hai ẩn” từng bị Công an quận 4 bắt năm 1983, về hành vi trộm cắp tài sản. Sau 3 năm tù giam, Sơn “hai ẩn” được trả tự do và tiếp tục “ngựa quen đường cũ”.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước Sơn “hai ẩn”nổi dần lên trong giới giang hồ và nhanh chóng trở thành một tay anh chị có máu mặt. Những năm đó cũng là những năm băng nhóm của ông trùm giang hồ Năm Cam ngang nhiên tác oai, tác quái, làm mưa làm gió ở đất Sài Gòn. Thấy Sơn “hai ẩn” có vẻ là một tên “dùng được”, trùm Năm Cam đã gọi Sơn “hai ẩn” về dưới trướng của mình và giao cho Sơn “hai ẩn” quản lý, bảo kê các sòng bạc ở quận 4. Sơn “hai ẩn” quả không phụ lòng tin của Năm Cam. Hắn trở thành cánh tay đắc lực dưới trướng ông trùm.

Sơn “hai ẩn” có một đàn em tên là Nguyễn Hữu Sang. Hắn rất cưng tay đàn em này, vì Sang không chỉ là đàn em theo nghĩa giang hồ, mà còn là anh em cọc chèo với Sơn “hai ẩn”. Vợ Sơn “hai ẩn” là Khiếu Thị Lệ và vợ Sang – Khiếu Thị Cầm, vốn là hai chị em và cũng đều thuộc thành phần có máu mặt trong giới giang hồ.

Năm 1994, Nguyễn Hữu Sang và một tay giang hồ có số có má khác là Tâm “cá” tranh giành lãnh địa làm ăn. Trong một lần tranh chấp, Nguyễn Hữu Sang bị thất thế và bị Tâm “cá” chém bị thương ở tay. Việc này khiến Nguyễn Hữu Sang vô cùng ấm ức. Sau khi băng bó vết thương, hắn lập tức nghĩ đến việc tìm “đại ca” Sơn “hai ẩn” để nhờ trả thù.

Tối ngày 3/5/1994, Sơn “hai ẩn” cùng vợ là Khiếu Thị Lệ ngồi nhậu với đám đàn em gồm Hoàng “khùng”, La Tuấn Kiệt, Nguyễn Văn Chót, La Kế Toàn và bạn gái hắn. Vừa bắt đầu cuộc nhậu là lúc vợ chồng Nguyễn Hữu Sang tới. Trong lúc nhậu, Nguyễn Hữu Sang đã kể cho Sơn “hai ẩn” nghe về nỗi nhục của mình.

Ngày đó, Sơn “hai ẩn” nổi tiếng khắp giới giang hồ bởi đi đâu hắn cũng có hàng nóng trong người, sẵn sàng gây thương tích cho người khác. Khi nghe đàn em của mình mách bị một tên giang hồ chưa có số, có má “chơi đẹp” thì sĩ diện trong người Sơn “hai ẩn” lập tức nổi lên. Được đàn em nhờ vả, lại được vợ “khích lệ”, trong người lại có sẵn men say, nên Sơn “hai ẩn” đã hô hào tất cả nhóm kéo đến nhà Tâm “cá” xử tội. Cả đám đàn ông và đàn bà giang hồ cùng hò nhau kéo tới nhà Tâm “cá” ở đường Lê Thần Hiến, phường 18, quận 4, để trả thù cho đàn em của mình. Hắn mang theo một bao mã tấu, còn riêng trong người hắn đã có sẵn một khẩu K54.

Khi đến nhà Tâm “cá”, Sơn “hai ẩn” đã lệnh cho đàn em “chém chết không tha”. Chúng lao vào tấn công hai vợ chồng giang hồ Tâm “cá”. Quá bất ngờ nên chẳng trở tay kịp, Tâm “cá” bị một nhát dao làm đứt lìa bàn tay. Vợ Tâm “cá” cũng bị đánh đến bất tỉnh. Quá sợ hãi trước bọn giang hồ hung ác, những người dân ở khu vực đó vì sợ bị vạ lây, nên đành đứng nhìn mà không ai dám can ngăn. Sau khi gây án xong, Sơn “hai ẩn” còn đưa đàn em đi ăn mừng chiến thắng ở một nhà hàng của tên Hoàng “khùng”, đàn em trong nhóm ở gần đó rồi mới ai về nhà nấy. Vì cậy thế “đàn em” của ông trùm Năm Cam, nên hắn thậm chí còn không hề sợ bị trả thù, ung dung ngủ một giấc ngon lành.

Tuy nhiên hắn đã nhầm. Uy lực của ông trùm Năm Cam khi đó rất lớn, nhưng không có nghĩa sẽ giúp hắn trốn được lưới trời lồng lộng. Ngay sau khi vụ án xảy ra, công an TP HCM đã tìm ra tung tích của các đối tượng và ra lệnh bắt toàn bộ băng nhóm này. Những tên đàn em của Sơn “hai ẩn” tham gia vụ án như Hoàng “khùng”, Trót “pê đê”, La Tuấn Kiệt, Khiếu Thị Cầm và cả vợ Sơn “hai ẩn” đều bị bắt gọn. Nghe tin các đàn em của mình sa lưới, Sơn “hai ẩn” đã nhanh chân trốn sang Campuchia để trốn tránh sự truy lùng của các trinh sát Công an.

Bị truy nã vẫn “đèo bòng” người đẹp

Sau khi trốn sang Campuchia, Sơn “hai ẩn” đã “thay tên đổi họ” để che giấu tung tích. Hắn làm một cái CMND giả mang tên Nguyễn Văn Hải. Hắn còn làm giả thẻ quân báo của Sở chỉ huy quân sự TP HCM để không bị các lực lượng chức năng khu vực biên giới làm khó. Thời gian ở Campuchia, trong nhiều năm trời, Sơn “hai ẩn” mai danh ẩn tích ở một trường đấu gà ở Campuchia và thường xuyên đi lại giữa Campuchia và Việt Nam để buôn gà chọi.

Với vỏ bọc của một thương nhân, Sơn “hai ẩn” dễ dàng đi qua nhiều tỉnh miền Tây để tìm mua gà chọi rồi mang qua Campuchia bán. Mỗi con gà chọi mua với giá vài trăm ngàn, sang Campuchia bán lại với giá 200 USD, mỗi chuyến Sơn “hai ẩn” cũng lãi được cả chục nghìn USD và nhanh chóng trở nên giàu có.

Trong thời gian đi lại buôn bán gà chọi, Sơn “hai ẩn” thường qua lại gia đình ông S. ở huyện Châu Thành, Đồng Tháp, một chủ chuyên nuôi và bán gà chọi chuyên nghiệp. Ông S. có một người con tên là P. kém hắn vài tuổi. Thấy Sơn “hai ẩn” hình thức sáng sủa, lại giàu có, ăn nói dễ nghe, cô P. nhanh chóng siêu lòng và nảy sinh tình cảm với Sơn “hai ẩn”. Ông S. cũng nhanh chóng ưng thuận cậu con rể giàu có và đồng ý tác thành cho hắn với con gái mình. Đám cưới diễn ra linh đình, Sơn “hai ẩn” nghiễm nhiên trở thành chàng rể nhà ông S., nhưng hắn kiên quyết không đi đăng kí kết hôn và vẫn đi đi về về giữa Campuchia và Đồng Tháp chứ nhất định không chịu định cư hẳn ở nhà ông S. với vợ.

Sống với nhau một thời gian dài, có với nhau 1 đứa con gái, chị P. mới nhận ra bản chất giang hồ của Sơn “hai ẩn”. Hắn hung bạo và độc ác, thường xuyên đánh đập vợ con nếu như không vừa ý dù chỉ là một điều nhỏ như móng tay. Tuy nhiên, với vỏ bọc khéo léo của mình, Sơn “hai ẩn” đã ngang nhiên tung hoành suốt hơn 10 năm trời mà không hề bị các cơ quan pháp luật “sờ gáy”.

“Gã buôn gà chọi” lộ mặt giang hồ

Thương cô con gái bị hành hạ và tra tấn bởi tên chồng vũ phu, ông S. đã bí mật đi điều tra về tung tích Sơn “hai ẩn” và biết được hắn là một tên tội phạm đang bị truy nã. Thế là không cần suy nghĩ nhiều, ông lập tức thông báo với lực lượng Công an về hành tung của tên này, với hi vọng nếu Sơn “hai ẩn” sa lưới, con gái ông sẽ được giải thoát khỏi tên chồng giang hồ tàn bạo này.

Ngay khi nhận được tin báo, các trinh sát truy nã tội phạm đã nhanh chóng tiến hành theo dõi nhà ông S. để sẵn sàng đón lõng, phục bắt Sơn “hai ẩn”. Nhưng suốt một thời gian dài, việc phục bắt tên giang hồ này không đem lại kết quả khả quan, vì không hiểu sao suốt quãng thời gian đó, Sơn “hai ẩn” không hề xuất hiện tại gia đình ông S. Tuy nhiên, các trinh sát truy nã vẫn kiên trì chờ đợi, vì tin rằng Sơn “hai ẩn” không dễ gì “dứt áo ra đi”, bởi dù gì thì ở đây hắn vẫn còn vợ và một đứa con gái. Thêm vào đó, việc buôn bán, làm ăn với ông bố vợ cũng khiến công việc của hắn thuận lợi hơn rất nhiều.

Kiên trì chờ đợi, cuối tháng 12/2007, ông S. đã báo tin cho các trinh sát rằng Sơn “hai ẩn” đang ở cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và chuẩn bị ghé qua Châu Thành (Đồng Tháp). Nhưng xui (và cũng là may) cho Sơn “hai ẩn” là hôm đó, tại biên giới, hắn nhảy vào một chiếu bạc và thua sạch. Không còn tiền để đi mua gà, hắn đành quay lại trường đấu gà ở Campuchia, nơi hắn tá túc nhiều năm qua. Lại một lần nữa, hắn thoát khỏi sự truy bắt của lực lượng Công an.

Lại mất một thời gian chờ đợi, cuối cùng thì đầu tháng 2/2008, Sơn “hai ẩn” cũng mò mặt về nhà bố vợ để thăm vợ con ở Đồng Tháp, sau khi quét qua các tỉnh khác để mua gà chọi. Từ nhiều nguồn tin tin cậy, các trinh sát đều biết Sơn “hai ẩn” lúc nào cũng mang vũ khí trong người, dù là ở Việt Nam hay Campuchia. Chính vì thế, khi tiếp cận quanh nhà ông S. để theo dõi hoạt động của Sơn “hai ẩn”, thấy hắn đang mặc quần áo dài, e ngại hắn có thể giấu vũ khí trong người, nên các trinh sát không áp sát ngay mà đợi thời cơ thuận lợi. Đợi một lúc lâu sau, thấy Sơn “hai ẩn” vô trong nhà rồi trở ra ngoài, trên người chỉ còn một bộ quần áo cộc thì việc vây bắt được tiến hành nhanh chóng.

Các trinh sát trong vai người mua gà và bạn của cô P. đã lập tức đến gõ cửa xin vào trong nhà mà không hề bị Sơn “hai ẩn” nghi ngờ chút nào. Trong lúc Sơn “hai ẩn” đang chăm chút mấy con gà, không đề phòng, hai trinh sát đã áp sát hắn và quật ngã hắn. Đến tận lúc đó, dù bất ngờ và bị động, Sơn “hai ẩn” vẫn kiên quyết không nhận mình là Nguyễn Văn Sơn mà một mực chìa cái CMND giả ra và leo lẻo nói: “Tôi là Nguyễn Văn Hải. Các anh bắt nhầm người rồi”. Nhưng cuối cùng, hắn cũng phải cúi đầu thừa nhận tội của mình.

Sau khi bắt được Sơn “hai ẩn”, khám người hắn không thấy vũ khí, các trinh sát đã tiến hành đấu tranh buộc hắn phải khai nhận nơi cất giấu vũ khí. Đúng với bản tính của một giang hồ ngang tàng, hắn đã tìm mọi cách lươn lẹo, quanh co để không khai ra số vũ khí mình đang giữ. Tuy nhiên, cuối cùng, nhờ kiên trì thuyết phục, đồng thời “dọa” Sơn “hai ẩn” với một mức án tù cao ngất ngưởng, các trinh sát đã buộc hắn phải khai ra nơi cất giấu vũ khí trong nhà bố mẹ vợ. Tên tội phạm cáo già cuối cùng cũng bị sa lưới sau gần 15 năm trốn lệnh truy nã, kết thúc 15 năm kiên trì truy tìm tên tội phạm nguy hiểm của các trinh sát truy nã tội phạm.

Khi bị bắt và buộc phải cúi đầu nhận tội vì biết hành tung của mình đã bị các trinh sát nắm rõ, Sơn “hai ẩn” đã cúi đầu xuống và nói: “Em biết thế nào rồi cũng có ngày này”. Tên tội phạm giang hồ cuối cùng đã phải dừng bước và trả giá cho tội lỗi mà mình đã gây ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Hinh (Công An Nhân dân)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN