Trước giờ hành quyết và lời sám hối muộn màng của một tử tù

Sự kiện: Tin pháp luật

Sau hơn 6 năm sống trong phòng biệt giam chờ ngày thi hành án tử hình về tội “Giết người”, sáng sớm ngày 14-8, tử tù Nghiêm Văn Min, sinh 1976, ở khu 12, phường Quang Trung, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã được đưa đi thi hành án tại Trại giam số 1 CATP Hà Nội. Phút cuối cùng của đời người, tử tù Min đã vô cùng ăn năn hối hận, nhưng vẫn bình tĩnh viết 3 bức thư gửi cho bố, vợ và các con nơi quê nhà…

Hợp đồng “giết người” man rợ

Tử tù Nghiêm Văn Min

Tử tù Nghiêm Văn Min

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuần nông xã Văn An, huyện Chí Linh, Hải Dương, Min chỉ học hết lớp 7 rồi thường xuyên sống lang thang, tụ vạ và sau đó là những tháng ngày trong song sắt trại giam.

Theo đó, tháng 8-1996, Min cùng đồng bọn dạt nhà lên Hà Nội cướp tài sản và bị TAND TP Hà Nội phạt 42 tháng tù. Mãn hạn tù về gia đình, Min không tu chí làm ăn mà tiếp tục lấn sâu vào con đường phạm tội. Tháng 5-2000, gã phải lĩnh tiếp 11 năm tù do TAND tỉnh Hải Dương tuyên phạt cùng về tội “Cướp tài sản”. Sau nhiều năm sống cảnh “cơm tù, áo số”, Min ra Uông Bí xin vào làm công nhân ở một xưởng cơ khí và lập gia đình với người vợ kém mình 3 tuổi.

Mặc dù có mái ấm gia đình hạnh phúc đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, nhưng Nghiêm Văn Min vẫn không bỏ tật xấu, ngao du với các phần tử cộm cán trong xã hội.

Rồi cái gì đến phải đến, khi Min nhận “hợp đồng” giết người, với giá 30 triệu đồng, gây ra vụ nổ súng kinh hoàng vào ngày 21-2-2011, tại đường 208, gần cống Sến, thuộc thôn 5, xã Bắc Sơn, huyện An Dương, Hải Phòng cướp đi sinh mạng của ông Nguyễn Đăng Thụy (SN 1956, ở thôn Đại Đồng, xã Đồng Gia, huyện Kim Thành, Hải Dương). Sau khi gây án, Min cùng 3 đồng phạm trong vụ án đã phải ra đứng trước vành móng ngựa của TAND TP Hải Phòng và nhận mức án cao nhất là tử hình.

Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Thị Quyến (SN 1965, ở xã Đồng Gia, huyện Kim Thành, Hải Dương) và ông Thụy là vợ chồng nhưng xảy ra mâu thuẫn từ năm 2006 do Quyến không sinh được “cậu ấm” nối dõi tông đường. Ông Thụy sau đó có quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ khác. Do liên tục bị ép ký đơn ly hôn, Quyến và 3 cô con gái vô cùng bức xúc.

Đầu tháng 1-2011, Lê Văn Quân (SN 1986, ở xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà, Hải Dương) là con rể Quyến đến nhà chơi và được mẹ vợ tâm sự chuyện buồn của gia đình. Quyến bảo con rể phải tìm người đánh chết ông Thụy thì gia đình mới đoàn tụ. Vì thương mẹ vợ nên Quân nhận lời. Ngày 6-2-2011, Quân đến nhà Lê Văn Tưởng, là anh họ, nói về việc trên. Tưởng biết Nghiêm Văn Min có thể làm được việc này nên cho Quân số điện thoại của Min. Sau đó, Quân gọi điện hỏi Min thì Min nói: “Được, giá 50 triệu đồng”.

Quân về nói lại với mẹ vợ và được Quyến đưa cho 30 triệu đồng... Quân và Min gặp nhau ở Uông Bí và thống nhất “hợp đồng” giết ông Thụy là 30 triệu đồng. Để thực hiện tội ác, tên này đã rủ cháu họ là Bùi Thọ Thành (SN 1990, ở xã Văn An, huyện Chí Linh, Hải Dương), đang làm cùng xưởng cơ khí thực hiện “hợp đồng” trên. Sau khi mua súng và hướng dẫn Thành cách bắn, vài ngày sau, Min, Quân và Thành gặp nhau.

Cả 3 đối tượng thuê nhà nghỉ để chờ nạn nhân đi xuống Hải Phòng giao hàng rồi hành sự. Quân đã chỉ xe của ông Thụy cho Min. Min chở Thành đuổi theo và tên này nổ súng bắn nạn nhân chết ngay tại chỗ.

Lời hối hận muộn màng

Ngày ra đứng trước vành móng ngựa, Nghiêm Văn Min đã biết trước được cái giá phải trả cho lỗi lầm mình đã gây ra. Bởi vậy, Min phải nhận mức án cao nhất là tử hình. Hơn 6 năm sống trong phòng biệt giam chờ ngày đưa đi thi hành án, tử tù Nghiêm Văn Min chấp hành tốt nội quy của trại, không hề có biểu hiện chống đối. Hằng tháng, người vợ nghèo vẫn tần tảo lao động nuôi hai đứa con của Min khôn lớn và lo ít tiền chu cấp lưu ký gửi vào cho chồng trong trại giam.

Mỗi lần vội vã được gặp vợ và các con qua khung kính, Min vô cùng hối hận về tội lỗi của mình đã gây ra, thương cha mẹ già nơi quê nhà đã héo hon vì sinh ra kẻ tội đồ như gã. Min thương vợ con, chỉ vì gã mà vợ, con phải chịu thiệt thòi và đau khổ…

Trước giờ phút chuẩn bị lên đường thi hành án tử hình, tử tù Min vẫn tỏ ra khá bình tĩnh nhưng tâm lý lại rất căng thẳng, bởi biết được cái chết đang cận kề. Giờ phút phải trả giá cho tội ác của mình đã đến, Min được vệ sinh cá nhân, cho ăn uống đầy đủ, trước khi bản án được thi hành.

Cán bộ hỏi bị cáo có muốn nhắn nhủ gì cho gia đình trước lúc thi hành án, tử tù Min đã xin cán bộ mấy tờ giấy trắng và một cây bút bi, rồi bình tĩnh ngồi viết 3 lá thư dài gần 5 trang gửi về cho bố, vợ và các con, bằng tất cả sự hối hận từ trong sâu thẳm đáy lòng.

Trong lá thư gửi người bố già, Min xúc động viết: “Bố kính yêu! Đứa con tội lỗi của bố đã gây nên tội với luật pháp, thì con phải đền tội. Hôm nay là ngày con phải ra đi lìa xa cõi trần. Đó là một nỗi đau cho cả gia tộc và đại gia đình. Giây phút cuối của cuộc đời con, con chỉ biết nói lên lời tạ tội với toàn gia tộc họ Nghiêm, hãy cho đứa con tội đồ này, và con xin nguyện vẫn luôn được là đứa con của dòng họ…!”

Bức thư thứ 2, Min gửi cho người vợ yêu thương: “Vợ yêu thương của anh. Anh đã làm nên tội, giờ đây phải đền cho tội lỗi của mình đã gây ra. Anh hiểu được vợ anh là người đau khổ cho một nghịch cảnh này!. Thôi, vợ yêu ơi, số phận anh chỉ được sống và tồn tại đến đây thôi; cho nên dù như thế nào cũng không thể tránh được; cho nên vợ ơi hãy nén khổ đau để vươn lên mà tiếp tục thay anh chăm lo cho gia đình và các con của anh được ngoan ngoãn, khôn lớn và trưởng thành, vợ yêu nhé… Đến giờ khắc này đây, anh chưa lúc nào vơi đi tình yêu thương vợ với các con của anh.

Nhưng đến lúc này đây thì tình duyên của vợ chồng mình đã mãi cách ngăn không còn được nghe lời nói của nhau nữa. Thôi, vợ ơi, em hãy nén đau buồn nhé và phải cố gắng vượt qua nỗi đau này!. Sau lúc này đây, chỉ còn ít thời gian ngắn nữa thôi là anh sẽ phải xa lìa cõi đời. Cho dù anh có đáng tiếc cho số phận mình, nhưng anh cũng đã xác định cho số phận mình nên anh cũng không thấy mình hụt hẫng lắm. Vậy cho nên vợ và các con cùng toàn thể gia đình ông bà ngoại cũng bớt đau thương để vượt qua nỗi đau này...”.

Bức thư thứ 3, tử tù Min viết gửi các con với sự hối hận day dứt muộn màng: “Các con yêu của bố. Thế là bố sẽ phải xa các con mãi mãi rồi. Bố xin lỗi các con vì bố đã không làm tròn bổn phận của một người bố với các con. Trước lúc đi xa, một tâm nguyện cuối cùng của bố, chỉ mong các con của bố cho dù hoàn cảnh thế nào các con cũng phải đùm bọc yêu thương nhau và cùng nhau học tập thật tốt và ngoan ngoãn, biết vâng lời ông bà với mẹ, đó là điều mà bố mong các con!

Như bố đã nói với các con phải thương lấy mẹ vì mẹ của các con quá khổ vì bố con mình rồi, nên các con phải nhớ đấy. Các con yêu, cho dù bố đã không được gần và chăm sóc các con nhiều, nhưng điều hạnh phúc lớn nhất mà bố có được là được làm bố của các con và yêu thương các con vô cùng. Bố đã quá có lỗi với các con, vì sự sai lầm để giờ đây phải đến nông lỗi này. Một lần cuối…bố mong các con của bố hãy cố gắng lên và phải thật chăm chỉ học tốt và các con hãy nghĩ lúc nào bố cũng ở bên cạnh các con!”.

Và bức thư cuối cùng gửi cho các con trước phút cuối của cuộc đời

Và bức thư cuối cùng gửi cho các con trước phút cuối của cuộc đời

Ở cái tuổi đẹp nhất của đời trai trẻ, Nghiêm Văn Min sớm sa vào những cám dỗ của xã hội mà đánh mất cuộc đời, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và phải nhận bản án nghiêm khắc nhất của pháp luật.

Đó cũng là bài học cảnh tỉnh cho xã hội, đừng chạy theo những ham muốn, cám dỗ đời thường mà đánh mất chính mình, để rồi khi ăn năn, hối cải thì cũng đã quá muộn màng. 

Nỗi ân hận muộn màng của nghịch tử mang án giết cha

Hối hận vì sát hại cha, Nguyễn Thành Đồng gửi lời xin lỗi tới những người ở lại. Bị cáo không quên nhắn nhủ nhờ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hải ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN