Tòa Tối cao bác kháng nghị, giữ nguyên án tử hình Hồ Duy Hải
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, giữ nguyên bản án đã có hiệu lực pháp luật với Hồ Duy Hải.
Chiều 8-5, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, tuyên bản án hình sự phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải đã có hiệu lực pháp luật từ 8-4-2009.
16h55: Hội đồng Thẩm phán cho rằng ở những thời điểm quan trọng, Hồ Duy Hải luôn nhận tội. Lời nhận tội của bị cáo đã được các cơ quan tiến hành tố tụng từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm và các đoàn liên ngành thẩm định, đánh giá.
Toà án cấp sơ thẩm, phúc thẩm kết án Hồ Duy Hải về tội cướp tài sản, giết người là có căn cứ, không oan. Xử phạt Hồ Duy Hải tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản là đúng pháp luật.
Dù quá trình điều tra, xét xử có một số thiếu sót nhưng việc này không làm thay đổi bản chất vụ án. Do vậy không cần thiết phải huỷ các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND Tối cao.
Cũng theo Hội đồng thẩm phán, sau khi xét xử phúc thẩm, Hồ Duy Hải không có đơn đề nghị xem xét giảm bản án hình sự phúc thẩm theo trình tự giám đốc thẩm, chỉ có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không gửi đơn xin ân giảm gửi Chủ tịch nước.
Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.
Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao đã có quyết định không kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải và có tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt án tử hình. Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.
Văn phòng Chủ tịch nước sau đó có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải.
Pháp luật TTHS quy định các quyết định TTHS chỉ được thay thế, huỷ bỏ bằng một quyết định TTHS khác của cấp có thẩm quyền chứ không thể thay thế bằng một văn bản hành chính.
Trong khi quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực pháp luật, Viện trưởng VKSND Tối cao lại có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm là vi phạm pháp luật TTHS, không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung thông báo của Văn phòng Chủ tịch nước là bảo đảm đúng quy định của pháp luật tại công văn nói trên.
Cũng theo Hội đồng thẩm phán, BLTTHS không quy định thủ tục tố tụng trong trường hợp Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt án tử hình thì các cơ quan tố tụng không được phép thực hiện các hành vi tố tụng khác trừ quy định về thi hành án.
Do đó, không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao. Bản án hình sự phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải đã có hiệu lực pháp luật từ 8-4-2009.
Vì các lẽ trên, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, giữ nguyên bản án đã có hiệu lực pháp luật.
16h36: Hội đồng Thẩm phán cho rằng, việc toà án cấp sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải về tội cướp tài sản, giết người là đúng tội, không oan.
Dù quá trình điều tra có một số thiếu sót, sai phạm nhưng việc này không làm thay đổi bản chất vụ án.
Hội đồng Thẩm phán cũng cho rằng quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao là không đúng pháp luật. “Không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao”, Hội đồng Thẩm phán nêu rõ.
16h30: Liên quan đến hai vật chứng quan trọng được cơ quan điều tra yêu cầu nhân chứng trong vụ án mua, rồi đưa vào hồ sơ vụ án, Hội đồng Thẩm phán cho rằng việc mua dao, thớt là để nhận dạng, phục vụ điều tra, không phải là công cụ gây án.
16h20: Kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng có mâu thuẫn trong lời khai của Hải về việc tiêu thụ số tài sản đã chiếm đoạt.
Hội đồng Thẩm phán cho rằng cơ quan điều tra đã xác minh tại các cửa hàng nơi Hải khai bán tài sản, chỉ có người bán tài sản mới biết cụ thể địa chỉ nơi bán, do vậy không cần thiết phải điều tra lại.
Đáng chú ý, kháng nghị của VKSND Tối cao cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Ví dụ, khám nghiệm hiện trường nhưng không thu giữ vật chứng của vụ án. Cái thớt, chiếc ghế là vật chứng quan trọng và là vật mang dấu vết của tội phạm. Khám nghiệm hiện trường đã ghi nhận, chụp ảnh nhưng không thu giữ để truy nguyên là thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Không giám định để xác định thời điểm chết của nạn nhân. Không trưng cầu giám định ngay dấu vết máu thu được khi khám nghiệm hiện trường mà để 4 tháng sau mới kết luận “mẫu dấu vết ghi thu ở ngoài cửa nhà sau và trong nhà vệ sinh Bưu điện Cầu Voi là máu người, không xác định được nhóm máu do đã bị phân huỷ”.
Ngoài ra, lời khai đầu tiên ngày 30-3-2008 của bị cáo không nhận tội, nhưng lời khai này và một số lời khai của nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án…
Hội đồng thẩm phán cho rằng, những kiến nghị trên của VKSND Tối cao là đúng, nhưng những sai sót này không làm thay đổi bản chất vụ án. Đề nghị cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An kiểm điểm, làm rõ việc này.
15h57: Hội đồng Thẩm phán cho rằng dù Hải có lời khai mâu thuẫn nhưng những mâu thuẫn này đã được cơ quan điều tra làm rõ, nên không cần huỷ án để điều tra lại.
Hồ Duy Hải và bưu điện Cầu Voi. Ảnh tư liệu
15h35: Đại diện Hội đồng giám đốc thẩm đọc tóm tắt nội dung bản án.
Theo kháng nghị của VKS, CQĐT đã kiểm tra thời gian, quãng đường từ nơi ở của Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi nhưng chưa giải quyết được triệt để những mâu thuẫn về việc tiêu thụ thời gian vào các hoạt động của bị cáo và thời điểm bị cáo xuất hiện tại bưu điện.
Kháng nghị của VKS cho rằng không có nhân chứng nào khẳng định được Hồ Duy Hải có mặt ở hiện trường vụ án. Tuy nhiên, kết luận của Hội đồng Thẩm phán cho rằng kháng nghị trên là không đúng.
Cũng theo kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, lời khai của Hải có nhiều mâu thuẫn, đặc biệt là các lời khai của Hải liên quan đến hành vi hiếp dâm chị Hồng.
Ban đầu, Hải khai định quan hệ tình dục nhưng chị Hồng phản ứng, bỏ xuống nhà vệ sinh.
Hội đồng đang công bố bản án. Ảnh chụp qua màn hình
Nhiều lời khai sau, Hải khai khống chế chị Hồng, dùng hai tay bóp cổ, cởi hết quần áo, giao cấu với nạn nhân xong Hải xuất tinh vào vạt áo của mình, cả hai mặc lại quần áo.
Sau đó, Hải lại khai khống chế chị Hồng chưa làm được gì thì bị nạn nhân đạp vào bụng bật ra, Hồng bật dậy chạy ra ngoài.
15h30: Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ thay mặt Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao công bố phán quyết giám đốc thẩm về vụ án Hồ Duy Hải.
Trước đó, trưa 8-5, chủ tọa phiên giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã lấy biểu quyết về từng vấn đề cụ thể.
Theo đó, 17/17 thành viên Hội đồng thẩm phán đã biểu quyết không chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao.
Hội đồng thẩm phán thống nhất quan điểm rằng Hồ Duy Hải không bị ép cung, mớm cung, lời khai tổng cung phù hợp với chứng cứ khác như lời khai của các nhân chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nên xác định Hải phạm tội giết người, cướp tài sản là đúng.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục giữ nguyên quan điểm đã nêu trong kháng nghị đề nghị hủy án điều tra lại.
Chủ tọa phiên giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã lấy biểu quyết về từng vấn đề cụ thể.
1. Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không?
Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không thay đổi bản chất vụ án”.
2. Bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không?
Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Đúng người, đúng tội, đúng mức án”.
3. Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 của VKSNDTC có đúng pháp luật hay không?
Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không đúng pháp luật”.
4. Chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị ?
Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không chấp nhận kháng nghị”.
17/17 thành viên Hội đồng thẩm phán biểu quyết "Không chấp nhận kháng nghị" của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao...
Nguồn: [Link nguồn]