Trộm bưởi làm chết người, tội gì?

Trong lúc giằng co với kẻ trộm, chủ vườn bưởi bị té ngã ngửa và qua đời. Vậy kẻ trộm bị tội gì mới đúng?

Trộm bưởi làm chết người, tội gì? - 1

Bà Nguyễn Thị Vinh mô tả chồng mình bị Tuấn xô ngã dẫn đến chết tại vị trí này. Ảnh: TUYẾN PHAN

Mới tuần trước, TAND TP Hà Nội đã phải hoãn xử sau khi mở phiên tòa phúc thẩm vụ án trộm bưởi làm chết người. Như vậy, vụ án này đã qua bốn phiên xét xử nhưng vẫn chưa ngã ngũ.

Trộm bưởi khiến chủ vườn tử vong

Theo hồ sơ, khoảng 23 giờ ngày 26-11-2013, Nguyễn Khắc Tuấn (26 tuổi, trú phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) uống rượu, xem bóng đá cùng năm người bạn, trong đó có Nguyễn Khắc Trọng, Nguyễn Trọng Tiến và Nguyễn Văn Hảo.

Đến khoảng 1 giờ sáng ngày hôm sau, Trọng rủ cả nhóm đi trộm bưởi ở vườn nhà ông Nguyễn Hữu Cầu ở cùng phường. Trọng chở Tiến bằng xe máy và mang theo hai bao tải, còn Tuấn và Hảo đi một xe.

Đến khu vườn nhà ông Cầu, Trọng phân công Tuấn ở ngoài trông xe và cảnh giới, còn mình và hai bạn đi cùng phá cổng vườn rồi vào bên trong hái trộm bưởi. Cả ba đang vặt bưởi bỏ vào bao tải thì ông Cầu phát hiện và tri hô. Hoảng sợ, Trọng, Hảo và Tiến cùng nhảy lên một xe bỏ chạy. Ở ngoài, Tuấn cũng vội lên xe để tẩu thoát. Do không thạo đường, Tuấn lái xe chạy được 50 m thì rẽ vào ngõ cụt nên bị ông Cầu đuổi kịp và giữ đuôi xe máy.

Ông Cầu nhặt một viên gạch ở ven đường, rút chìa khóa xe của Tuấn. Tiếp đó, ông thả viên gạch xuống mặt đồng hồ xe máy, cùng lúc nắm cổ áo Tuấn kéo về phía mình khiến chiếc xe máy bị đổ. Tuấn gạt tay ông Cầu ra khỏi cổ áo, làm ông ngã ngửa ra phía sau, đập gáy xuống đường bê tông, bất tỉnh và tử vong ngay sau đó. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, vợ con ông Cầu cũng có mặt chứng kiến và bắt giữ Tuấn.

Giám định pháp y kết luận nguyên nhân tử vong của nạn nhân là do xuất huyết, tụ máu nội sọ gây chèn ép tổ chức não, tụ hạnh nhân tiểu não; thương tích do đầu nạn nhân va đập với vật tày cứng ở diện rộng gây nên.

53 quả bưởi mà các bị cáo ăn trộm được định giá 2,65 triệu đồng.

Xử tội cố ý gây thương tích rồi hủy án

Ngày 29-4-2014, TAND quận Bắc Từ Liêm mở phiên tòa sơ thẩm lần một, tuyên phạt Tuấn 10 năm tù về tội cố ý gây thương tích và chín tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo còn lại bị phạt từ 10 đến 12 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.

Ngay sau đó, Tuấn có đơn kháng cáo.

Ngày 26-8-2014, TAND TP Hà Nội mở phiên phúc thẩm lần một. Tại tòa, Tuấn thay đổi lời khai, không nhận có hành vi hất tay ông Cầu ngã ra đường khiến ông tử vong.

HĐXX nhận định khi bị ông Cầu túm cổ áo, Tuấn đã dùng tay gạt ra với mục đích chạy thoát; bị cáo không đánh nạn nhân, cũng không có mục đích gây thương tích hay mong muốn nạn nhân tử vong. Do đó, Tuấn phải bị truy tố về tội trộm cắp tài sản với tình tiết định khung là hành hung để tẩu thoát gây hậu quả chết người chứ không phải phạm tội cố ý gây thương tích. Từ đó, tòa hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Sau khi điều tra lại, CQĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định đình chỉ bị can đối với Tuấn về tội cố ý gây thương tích.

Ngày 10-11-2015, TAND quận này mở phiên sơ thẩm lần hai. Tại tòa, Tuấn khai ông Cầu cầm viên gạch giơ lên trên mặt bị cáo nhưng lại buông tay khiến viên gạch rơi xuống, rồi cúi khom người rút chìa khóa ra khỏi ổ nên mất thăng bằng và ngã ra. Luật sư bào chữa cho Tuấn cũng cho rằng việc bị cáo hất tay ra khỏi cổ áo không thể khiến ông Cầu ngã, vì ông to lớn hơn...

Sau nghị án, tòa tuyên phạt Tuấn bốn năm sáu tháng tù về tội trộm cắp tài sản, buộc bồi thường 139 triệu đồng và cấp dưỡng 500.000 đồng/tháng cho bà Nguyễn Thị Vinh (vợ ông Cầu) đến khi bà qua đời. Tuấn và gia đình nạn nhân tiếp tục kháng cáo.

Tự té ngã hay bị tấn công?

Ngày 21-4, TAND TP Hà Nội mở phiên phúc thẩm lần hai. Tại tòa, một lần nữa Tuấn không thừa nhận việc hất tay khiến ông Cầu bị ngã. Khai về nguyên nhân khiến nạn nhân tử vong, lúc Tuấn nói do ông tự trượt chân vào ống tre ngã, lúc lại nói do ông lao tới rút chìa khóa xe máy nên bị hụt đà ngã chết.

Ngược lại, gia đình bị hại cho rằng Tuấn đã tác động một lực rất mạnh lên cơ thể ông Cầu khiến ông bị té ngã, dẫn đến tử vong. Phía bị hại đề nghị tòa hủy án để điều tra, xét xử lại.

Bà Vinh, vợ ông Cầu, khẳng định mình là người trực tiếp chứng kiến cảnh Tuấn dùng tay hất ngã ông Cầu. “Nghe thấy chồng hô hoán, tôi và con gái vội chạy ra. Do sự việc quá nhanh, tôi chỉ kịp nhìn thấy Tuấn hất ngã chồng tôi mà không thể chạy đến đỡ. Nếu Tuấn và các đồng phạm không đến trộm bưởi thì sự việc đau lòng chắc chắn không xảy ra, chồng tôi đâu có chết oan như thế! Bị cáo phải bị xét xử về hai tội trộm cắp tài sản và cố ý gây thương tích như bản án sơ thẩm đầu tiên mới đúng” - bà Vinh nói.

Với những diễn biến trên, TAND TP Hà Nội đã quyết định hoãn phiên tòa.

Hậu quả chết người sao gọi là hành hung để tẩu thoát?

Hành vi của bị cáo Tuấn trong trường hợp này không phải là hành hung để tẩu thoát mà có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích. Hành hung tẩu thoát là khi người phạm tội bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì có hành vi dùng vũ lực để chống trả lại nhằm tẩu thoát nhưng gây thương tích cho người bị chống trả chưa đến mức truy cứu hình sự (dưới 11%). Còn trong vụ án này, hậu quả của hành vi do bị cáo gây ra dẫn đến chết người, do đó hành vi này có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích. Bản cáo trạng của VKSND quận Bắc Từ Liêm không tính đến yếu tố hậu quả này mà chỉ đưa thành một tình tiết định khung của tội trộm cắp tài sản là không thỏa đáng.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC TRANG
Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyến Phan (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN