Trò “thoát xác”của đối tượng và bài học phòng ngừa trộm nơi công sở

Chúng vơ tiền cho vào túi hoặc bao tải, rút ra theo đường đột nhập, chơi trò “thoát xác”, trút bỏ hết quần áo, mũ nón, dụng cụ gây án trên đường ra xe ôtô. Nhận được điện thoại của nhóm đột nhập, đồng bọn trên xe ôtô đỗ cách đó khoảng 3 cây số sẽ vòng lại đón ngay.

Thực ra, băng siêu trộm này còn có thêm 2 đối tượng nữa là Nong Hong Te, 33 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, trú tại Đồng Đức, thành phố Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và Hoàng Quốc Huấn, 25 tuổi, trú tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (con trai Hoàng Minh Long, bị bắt giữ trong nhóm 7 đối tượng trên). 

Nhưng chỉ đạo và thực hiện chính trong các vụ việc là nhóm người Trung Quốc. Chúng đã chuẩn bị sẵn các dụng cụ chuyên dụng gây án tại Quảng Tây để đưa sang Việt Nam, sang đến Cao Bằng thì mua thêm quần áo, mũ, khẩu trang.

Do cư trú gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc và thường sang Trùng Khánh (Cao Bằng) nên băng siêu trộm này quen biết với nhóm người Việt Nam gồm: bố con Long (trước đây sống tại Cao Bằng, mới chuyển vào Bình Dương); Nguyễn Văn Thảo, Lương Văn Hải. Chúng đã bàn bạc, nhưng riêng lẻ từng vụ một với từng đối tượng người Việt Nam khác nhau để cùng thực hiện hành vi trộm cắp. 

Đối tượng người Việt Nam có nhiệm vụ thuê xe tự lái chở cả nhóm đi, đặt phòng khách sạn, mua một số dụng cụ gây án đơn giản như xà cầy, kìm cộng lực, tuốc nơ  vít, quần áo, mũ, khẩu trang…. Bởi sau mỗi vụ trộm, các đối tượng lại sử dụng biện pháp thoát xác, vứt lại tất quần áo, dụng cụ gây án. Chúng không muốn di chuyển trên đường cùng các dụng cụ này vì sợ Cảnh sát giao thông kiểm tra xe, phát hiện. Duy chỉ có chiếc thang nhôm rất hiện đại, gập nhỏ lại được thì chúng giữ lại để trên ôtô vì có lẽ là vật dụng… đắt tiền và khó sắm lại.

Trò “thoát xác”của đối tượng và bài học phòng ngừa trộm nơi công sở - 1

Camera ghi lại cảnh đột nhập, phá két của các đối tượng.

Bọn chúng thường nhập cảnh vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch, ban ngày cùng đối tượng Việt Nam thuê xe, lái dọc theo các tuyến giao thông cả Nam lẫn Bắc để tìm kiếm, phát hiện các cơ quan, doanh nghiệp có sơ hở trong công tác bảo vệ. 

Chúng thường dùng Google map để định vị địa điểm các doanh nghiệp trên đường đi qua, sau đó dạo quanh khu vực đó để quan sát. Khi chọn được mục tiêu, chờ đến đêm khuya, thường chúng chọn vào những đêm cuối tuần, hoặc ngày lễ, trời mưa gió để thực hiện việc đột nhập trộm cắp.

Nhóm đối tượng người Việt Nam tham gia có nhiệm vụ lái xe, cảnh giới bên ngoài. Trên xe bao giờ cũng có một đối tượng cầm đầu người Trung Quốc sử dụng điện thoại di động làm tổng chỉ huy, 3-4 đối tượng người Trung Quốc còn lại làm nhiệm vụ đột nhập vào trộm cắp. Do đã quan sát kỹ nên các đối tượng thực hiện việc đột nhập rất nhanh, rất trúng địa điểm cần đến. 

Thông thường, chúng trèo tường, cắt hàng rào vào, còn có vụ như ở Đông Hưng (Thái Bình), chúng khoét tường vào đúng luôn phòng kế toán. Chúng thường đột nhập vào phòng kế toán và giám đốc, nơi chúng biết thường để két sắt đựng tiền. Và chúng chỉ lấy tiền, không tham bất cứ đồ dùng gì vì muốn đánh nhanh, rút gọn.

Tính toán kỹ lưỡng thế mà vẫn có một trục trặc xảy ra với băng trộm này khi gây án tại Trạm thu phí Chợ Đệm thuộc thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. 

Đó là ngày 25-4, Ma Ting Di, Cen Zhao Ning, Huang Xin Zheng, Nong Hong Te cùng với Hoàng Quốc Huấn đột nhập vào phòng kế toán của Trạm thu phí Chợ Đệm, chúng phá két sắt và được một mớ tiền to: 2,8 tỷ đồng. Do quá nhiều tiền (có cả tiền lẻ) nên chúng phải cho vào một bao tải to, vác ra xe ôtô của đồng bọn chờ sẵn. Nhưng vì bao tải tiền quá to nên chúng không thể chạy nhanh. 

Bị người dân phát hiện tri hô, các đối tượng tiếc không vứt lại bao tiền, cứ ì ạch vừa vác vừa  chạy nên không kịp ra ôtô thoát thân. Hai đối tượng bị bắt giữ cùng bao tiền là Nong Hong Te và Hoàng Quốc Huấn. Sau này, khi bị Cục Cảnh sát hình sự bắt giữ, khai báo ra vụ việc này, các đối tượng vẫn tỏ ra rất tiếc, cho thấy bản chất lì lợm của nhóm trộm này.

Sau vụ đồng bọn bị tóm tại TP Hồ Chí Minh, 3 đối tượng còn lại chạy thoát về Trung Quốc. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, ham tiền, tháng 8-2018, chúng lại quay sang Việt Nam, Lần này, chúng rủ Nguyễn Văn Thảo tham gia cùng 2 vụ trộm ở Thái Bình và Hải Dương nêu trên. Trộm trót lọt, chúng quay về Cao Bằng và chia nhau tiền, Thảo được chia 140 triệu đồng, số còn lại 4 đối tượng Trung Quốc trừ chi phí và chia đều nhau.

Đến đầu tháng 9-2018, 4 đối tượng Trung Quốc lại nhập cảnh vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Lần này, chúng không gọi Thảo nữa mà gọi điện yêu cầu Long bay từ TP Hồ Chí Minh ra và gọi Hải từ Cao Bằng xuống Thái Nguyên tập hợp, bàn bạc kế hoạch. 

Từ 17h ngày 5-9, các đối tượng thuê xe ôtô tự lái 7 chỗ từ Thái Nguyên đi dọc các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định để khảo sát và chọn địa điểm trộm cắp. Chúng đã dừng lại, chọn các công ty ở khu vực Bình Lục (Hà Nam) làm con mồi.Và theo thông lệ, chúng chọn khách sạn trú chân ở tận huyện Mỹ Lộc (Nam Định) cách địa điểm gây án khá xa.

Đối với nhóm người Trung Quốc làm nhiệm vụ đột nhập công sở, chúng rất chuyên nghiệp và cực nhanh trong các thao tác gây án. Do đã khảo sát kỹ địa hình trước nên chúng đột nhập trúng luôn các phòng kế toán, giám đốc. 

Đối tượng chuyên cắt hàng rào lưới B40 thì cũng chỉ tích tắc đã tạo được khoảng trống cho đồng bọn chui vào. Cửa ra vào các phòng hầu như chúng không phá, mà dùng dụng cụ mở được hết các loại khóa. Két sắt cũng vậy, loại hiện đại nào chúng cũng mở được, vấn đề là thời gian lâu hay nhanh tùy thuộc độ khó của két sắt. 

Sau đó, chúng vơ tiền cho vào túi hoặc bao tải, rút ra theo đường đột nhập, chơi trò “thoát xác”, trút bỏ hết quần áo, mũ nón, dụng cụ gây án trên đường ra xe ôtô. Nhận được điện thoại của nhóm đột nhập, đồng bọn  trên xe ôtô đỗ cách đó khoảng 3 cây số sẽ vòng lại đón ngay.

Việc các đối tượng dễ dàng đột nhập và trộm cắp được một lượng tài sản lớn tại các cơ quan, doanh nghiệp nói trên đã đặt ra vấn đề trong công tác phòng ngừa trộm cắp tại các công sở. 

Theo các điều tra viên của Cục Cảnh sát hình sự, mỗi cơ quan, doanh nghiệp phải trang bị hệ thống an ninh, tường rào, cổng cửa an toàn, có hệ thống camera quan sát, có hệ thống chuông báo động ở những khu vực có tài sản. 

Mỗi cơ quan phải có một đội ngũ bảo vệ được tập huấn đầy đủ về công tác nghiệp vụ, trong mỗi ca trực, đặc biệt là ngày nghỉ hay lễ tết, đêm mưa gió, phải tăng cường tuần tra và có trách nhiệm trong công việc, làm công tác bảo vệ không thể nhận lương chỉ để đến ngủ đêm. 

Thực tế các vụ trộm đã xảy ra cho thấy, khi bọn trộm đột nhập vào, chúng phá két sắt thường phải trong vòng 1- 2 tiếng mới xong, camera quay rất rõ nét nhưng rõ ràng, không có bảo vệ nào quan sát camera nên không bắt được quả tang nhóm trộm.

Trong các bài báo trước đây, chúng tôi cũng như các cơ quan chức năng đã khuyến cáo rất nhiều lần, các cơ quan, doanh nghiệp không để lượng tiền mặt lớn tại két sắt ở các phòng làm việc qua đêm. Nhưng thực tế từ vụ trộm này, vẫn có các doanh nghiệp để hàng tỷ đồng trong két sắt. Đó chính là điều kiện cho các băng trộm đột nhập, gây án.

Ngoài 3 vụ mà nhóm siêu trộm khai nhận gây ra với số tiền trộm cắp được gần 4,6 tỷ đồng như kể trên, hiện nay, theo cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận định, bọn chúng còn gây ra nhiều vụ trộm khác trên địa bàn toàn quốc với số tiền rất lớn. Vì vậy, cơ quan, doanh nghiệp nào bị trộm đột nhập với thủ đoạn tương tự, liên hệ với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an.

Cục Cảnh sát hình sự hiện đang tích cực điều tra mở rộng vụ án, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa với loại tội phạm này. Tuy nhiên, ý thức cảnh giác và phòng ngừa của chính các cơ quan, doanh nghiệp rất quan trọng, nếu chúng ta phòng ngừa tốt thì sẽ không tạo cơ hội cho các đối tượng đột nhập, trộm cắp, đồng thời sẽ phối hợp tốt với cơ quan Công an trong phát hiện, bắt giữ tội phạm.

Các chiêu trò lừa đảo khó tin

Nhiều kẻ biết lợi dụng lòng tin để lừa đảo hoặc tự nhận là người quen để né tránh sự chú ý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T. Hòa- M. Hiền ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN