Tranh luận về thời hiệu trong kỳ án giết người 41 năm trước
Trong vụ án này, xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo thì phải áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS năm 1985.
Vụ án giết người, cướp của xảy ra tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận) từ 41 năm trước, nên việc áp dụng văn bản nào để xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) phải căn cứ vào thời điểm xảy ra vụ án.
Phải áp dụng BLHS năm 1985 khi xác định thời hiệu
Vụ án xảy ra ngày 31-7-1980 và từ đó đến nay đã trải qua các BLHS năm 1985, năm 1999 và hiện nay là năm 2015.
Điều 45 BLHS năm 1985 quy định thời hiệu truy cứu TNHS dài nhất là 15 năm, Điều 23 BLHS năm 1999 quy định thời hiệu truy cứu TNHS dài nhất là 20 năm, Điều 27 BLHS năm 2015 quy định thời hiệu truy cứu TNHS dài nhất là 20 năm.
Từ trái sang: Di ảnh ông Võ Tê (người bị bắt oan), ông Võ Ngọc (con trai ông Tê) và anh Đỗ Thanh An (con trai nạn nhân). Ảnh: PHƯƠNG NAM
Do đó, xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo thì phải áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS theo quy định của BLHS năm 1985 (15 năm), đây là quy định có lợi nhất cho người phạm tội. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, nếu người phạm tội phạm hai tội: Giết người và cướp tài sản thì thời hiệu của cả hai tội này chạy song song với nhau.
Thông báo truy tìm không phải lệnh truy nã
Ngày 4-4-1999, Công an tỉnh Bình Thuận ban hành Thông báo truy tìm số 206 kèm ảnh của Lê Minh Sơn (tức Trương Đình Chi sau khi đã đổi tên).
Theo Điều 136 BLTTHS năm 1988, lệnh truy nã chỉ áp dụng đối với bị can - là người đã bị khởi tố hình sự. Trong khi đó, kể từ thời điểm vụ án xảy ra đến nay, các cơ quan chức năng chưa có quyết định khởi tố bị can đối với Trương Đình Chi. Vì vậy, Thông báo truy tìm số 206 nêu trên không phải là lệnh truy nã.
Do đó, khi xem xét quy định về thời hiệu truy cứu TNHS đối với vụ án cũng có hai nội dung đáng chú ý.
Thứ nhất, theo Điều 45 BLHS năm 1985 về thời hiệu truy cứu TNHS: “Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính; thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ”. Tuy nhiên, do các cơ quan chức năng chưa có lệnh truy nã đối với Trương Đình Chi nên không thể áp dụng quy định này.
Thứ hai, cũng tại Điều 45 nêu trên quy định “Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội lại phạm tội mới mà bộ luật quy định hình phạt từ một năm tù trở lên thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ tính lại kể từ ngày phạm tội mới”.
Trên số báo ngày 22-8, liên quan đến kỳ án giết người, cướp của xảy ra 41 năm trước tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, Pháp Luật TP.HCM có đăng tải ý kiến của luật sư (LS) Phan Trung Hoài (là người hỗ trợ pháp lý miễn phí cho con nạn nhân và người bị bắt oan trong vụ án trên). LS Hoài phân tích: Công an tỉnh Bình Thuận ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án với lý do hết thời hiệu truy cứu TNHS và Trương Đình Chi không có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình lẩn trốn sau khi gây án là không bảo đảm căn cứ pháp lý. Bởi Trương Đình Chi sau khi gây án đã cố tình trốn tránh, có quyết định truy nã và trong thời gian bỏ trốn đã phạm tội mới. Do đó, LS cho rằng cần phải tiếp tục khởi tố bị can, tiến hành điều tra, truy tố, xét xử đối với người phạm tội. Trong số báo này, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục đăng tải quan điểm của TS Phan Anh Tuấn, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM và nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế về vụ việc này. |
Trong bản kiến nghị gửi Chủ tịch nước có nêu: “Việc cơ quan điều tra (CQĐT) cho rằng Trương Đình Chi trong khi bỏ trốn không vi phạm pháp luật là không đúng thực tế bởi sau khi bị điều tra viên thu CMND thì Chi đã giả mạo giấy tờ để làm CMND mới mang tên Lê Minh Sơn. Chính CMND này đã giúp Chi tránh được sự truy lùng của pháp luật”.
Tuy nhiên, kiến nghị có một số điểm cần lưu ý: (i) Có cơ sở nào kết luận Chi giả mạo giấy tờ, hồ sơ để làm CMND, bởi vì tại thời điểm sau ngày 30-4-1975 thì việc làm CMND cho người dân rất đơn giản, có thể chỉ cần cam kết, khai báo… Mà đây không phải là hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan nhà nước.
(ii) Trong trường hợp chứng minh được Trương Đình Chi có làm giả giấy tờ, tài liệu thì cũng phải tính lại thời hiệu từ ngày phạm tội mới. Trương Đình Chi sau khi bỏ trốn đã thay đổi họ tên thành Lê Minh Sơn, thông báo truy tìm Lê Minh Sơn ban hành năm 1999 nên có thể thấy tính đến hiện nay thì thời hiệu cũng đã hơn 15 năm.
Như vậy, dù ở trường hợp nào thì thời hiệu truy cứu TNHS đối với người thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án cũng đã hết.
Có thể thấy mặc dù dư luận xã hội bức xúc vì tội phạm không bị trừng phạt. Tuy nhiên, giữa tình cảm và pháp luật (lý trí) cần phải được phân biệt rạch ròi. Bởi lẽ pháp luật là giá trị công bằng của xã hội, là cơ sở để đánh giá trách nhiệm, giới hạn của cơ quan và những người liên quan, giữa tội phạm và sự trừng phạt, giữa bức xúc dư luận và giới hạn của nó trong nhà nước pháp quyền.
Tôi ủng hộ quan điểm của LS Phan Trung Hoài! Tôi đồng tình với ý kiến của LS Phan Trung Hoài về việc CQĐT cho rằng Trương Đình Chi trong khi bỏ trốn không vi phạm pháp luật là không đúng thực tế. Thực tế thì sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Trương Đình Chi đã bỏ trốn; khi bị điều tra viên thu CMND thì Trương Đình Chi đã giả mạo giấy tờ, hồ sơ để làm cho mình CMND mang họ tên mới là Lê Minh Sơn cho đến khi bị bắt. Hành vi làm giả CMND và sử dụng để lừa dối cơ quan nhà nước là hành vi phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, vì CMND là tài liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho công dân. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là tội phạm kéo dài cho đến khi Trương Đình Chi bị bắt lại mới kết thúc, nên trong suốt thời gian kể từ khi Trương Đình Chi làm giả CMND cho đến ngày bị bắt, Trương Đình Chi luôn luôn ở trong tình trạng phạm tội. Vì vậy, thời hiệu truy cứu TNHS đối với Trương Đình Chi trong vụ án được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, tức là từ ngày Trương Đình Chi bị bắt. Việc CQĐT đình chỉ điều tra với lý do hết thời hiệu truy cứu TNHS là không đúng với quy định tại Điều 27 BLHS năm 2015. Ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao |
Nguồn: [Link nguồn]
Hung thủ thật sự của vụ án giết người, cướp tài sản không bị xử lý hình sự do đã hết thời hiệu.