"Trần ai" lấy lại tiền bị lừa đảo
Nhiều người dù cảnh giác cao nhưng vẫn sập bẫy kẻ gian và việc lấy lại tiền bị lừa đảo qua mạng cũng vô vàn khó khăn, nhiều vụ gần như mất trắng
Vừa qua, một ngân hàng đã phối hợp với Công an TP HCM phong tỏa thành công tài khoản nhận tiền lừa đảo qua mạng. Chỉ trong vòng 12 phút, số tiền gần 60 triệu đồng đã được luân chuyển qua 3 ngân hàng khác nhau.
Ám ảnh cuộc gọi lạ
Nạn nhân của vụ lừa nói trên là cụ bà N.T.K (76 tuổi, ngụ quận 4, TP HCM). Bà K. có 60 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng điện tử. Một ngày cuối tháng 4-2022, bà K. nhận được cuộc gọi lạ xưng là công an đang điều tra vụ án mà bà nằm trong đường dây rửa tiền, yêu cầu bà phải chứng minh tiền sạch. Lo sợ, bà K. đã chuyển khoản để xác minh nhưng sau đó nghi ngờ, bà kể lại con trai nghe. Ngay tức khắc, con trai bà liên hệ ngân hàng phối hợp với công an phong tỏa tài khoản nhận số tiền này.
"Chỉ trong vòng 12 phút, số tiền lừa đảo 60 triệu đồng chuyển xoay vòng qua 3 ngân hàng khác nhau. May mắn trường hợp này chúng tôi nhận được tin báo của khách hàng sớm nên phối hợp với công an phong tỏa tài khoản trước khi bọn lừa đảo rút tiền" - đại diện ngân hàng cho biết.
Không may mắn như bà K., chị K.A (40 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM) cùng chồng đang đặt cọc mua nhà nên gom tiền đưa vào tài khoản hơn 1 tỉ đồng. Khi đang đi khám bệnh, chị nhận được cuộc gọi thông báo công an đã ra lệnh bắt do chị tham gia vận chuyển số lượng lớn ma túy xuyên biên giới. Chị A. phải làm theo yêu cầu chuyển vào tài khoản chỉ định xác minh dòng tiền, nếu chị trong sạch thì tiền sẽ chuyển về tài khoản sau 20 phút. Chị A. làm theo, sau đó chị gọi lại thì số điện thoại gọi cho chị không liên lạc được. Biết bị lừa đảo, chị liên hệ ngân hàng đề nghị hỗ trợ phong tỏa tài khoản. Tuy nhiên, sau khi xác minh, Công an TP HCM xác định số tiền trong tài khoản hơn 1,5 tỉ đồng là dòng tiền lừa đảo của nạn nhân khác, còn tiền do chị A. chuyển thì kẻ lừa đảo đã rút khỏi tài khoản này. Công an thông báo nếu tìm được băng nhóm lừa đảo, tòa án sẽ giải quyết vấn đề dân sự, còn số tiền phong tỏa không thể trả lại cho chị vì nó là của những người khác chuyển vào.
Kể với chúng tôi, bà T.N.K.O (67 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) vẫn còn uất ức. Bà O. thở dài: "Tôi có một căn hộ không ở nên đăng lên mạng cho thuê. Có người gọi điện thỏa thuận giá cả sau đó còn nói chuyển 2 tháng tiền cọc trước khi dọn vào ở. Chúng gửi đường link yêu cầu tôi nhập thông tin. Khi nhập xong thì 2 tỉ đồng trong tài khoản cũng bị chuyển sạch. Băng này sau đó bị bắt, tòa tuyên chúng phải có trách nhiệm trả lại tiền cho tôi nhưng đến nay 4 năm trôi qua, bọn chúng còn đang ở tù lấy tiền đâu mà trả cho tôi. Mất tiền, tôi phải bán căn hộ trang trải cuộc sống và lấy tiền nuôi đứa con bệnh hiểm nghèo".
Bắt giữ nhóm đối tượng lừa mua tiền ảo rồi đánh sập trang web, chiếm đoạt tiền
Bảo mật chặt chẽ
Công an TP HCM rất nhiều lần phát thông báo đề nghị người dân phải cẩn thận với những cuộc gọi lạ, cảnh giác khi giao dịch qua mạng, mua bán hàng online. Tuy nhiên, không ít người dù đề phòng cao độ nhưng chỉ một phút lơ là đã sập bẫy kẻ gian.
Bà Nguyễn Quỳnh Lan, Viện trưởng VKSND quận Gò Vấp, cho biết tội phạm công nghệ cao rất tinh vi, luôn thay đổi hình thức, nội dung, thủ đoạn để người dân mất cảnh giác. Có hai loại lừa đảo phổ biến là giả danh các cơ quan công an, VKSND, ngân hàng gọi điện dọa người dân đang dính đường dây tội phạm để xác minh tài khoản và người dân tự chuyển tiền. Thứ hai là dẫn dắt làm cho nạn nhân rối rắm nhấp vào đường link rồi vô hiệu hóa tài khoản ngân hàng, chuyển tiền sang tài khoản khác rồi rút sạch.
"Một khi tiền đã chuyển sang tài khoản chỉ định thì bọn lừa đảo sẽ rút ngay tức khắc. Dạng này cơ quan chức năng có thể xác định và phong tỏa tài khoản nhưng cũng rất hiếm để có thể lấy lại được cho nạn nhân. Thông thường nếu bắt được băng này thì tiền cũng không còn, những kẻ bắt được chỉ là chân rết còn kẻ chủ mưu lại ở nước ngoài và tiền cũng được chuyển ra nước ngoài nên rất khó thu hồi" - bà Nguyễn Quỳnh Lan cho biết.
Trước những chiêu lừa đảo tinh vi, Công an TP HCM đã phối hợp với VKSND và ngân hàng áp dụng các biện pháp nhằm phát hiện kịp thời các vụ lừa đảo. Cụ thể, Công an TP Thủ Đức đã chủ động phối hợp với tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn để phổ biến cho các nhân viên biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động tội phạm lừa đảo công nghệ cao.
Đồng thời, Công an TP Thủ Đức cũng thành lập nhóm Zalo giữa lực lượng công an với ngân hàng để kịp thời trao đổi thông tin phòng ngừa tội phạm. Niêm yết bảng cảnh báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng này tại các quầy giao dịch, nơi khách hàng, người dân dễ nhìn, dễ đọc để nâng cao cảnh giác.
Công an TP HCM khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không làm theo yêu cầu của người lạ và nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin. Trong trường hợp đã chuyển tiền đến tài khoản có dấu hiệu lừa đảo, nhanh chóng thông báo ngân hàng và trình báo công an phường gần nhất để được hỗ trợ điều tra, xử lý.
Nhân viên ngân hàng chặn đứng lừa đảo Theo bà Nguyễn Quỳnh Lan, nhiều vụ lừa đảo đã bị chặn đứng kịp thời nhờ sự nhanh trí của nhân viên ngân hàng. Khi khách đến chuyển tiền thường có nội dung chuyển tiền, nếu nhân viên tinh ý sẽ nghi ngờ và hỏi lại khách. Nhờ vậy, nhiều vụ việc khách hàng đã không bị mất tiền vì nhân viên đã hỏi rõ nguyên nhân chuyển tiền. Trước đây, anh Trần Duy Trường (nhân viên Phòng Giao dịch Agribank Phước Thắng, TP Vũng Tàu) đã phát hiện vụ việc một người phụ nữ chuyển tiền cho bọn lừa đảo để nhận lại số tiền hơn 3 triệu USD. Thấy vị khách có biểu hiện khác thường và nội dung chuyển khoản cũng lạ, anh Trường nghi ngờ, hỏi cặn kẽ thì khách kể lại sự việc. Nhờ vậy, vị khách này đã không mất 132 triệu đồng chuyển cho kẻ gian. |
Thủy dựng chuyện được thừa kế một khối tài sản khổng lồ của một cặp vợ chồng ở TP HCM rồi lừa hơn 5,5 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]