Trầm Bê và Phạm Công Danh đã lũng đoạn các ngân hàng như thế nào?
46 bị can, phần lớn là nhân viên các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV, bị truy tố trong giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh
Ngày 24-11, VKSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 46 bị can trong giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến 3 Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Trong số này có nhiều bị can là nhân viên các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV; người đại diện pháp nhân của các công ty do Danh lập ra.
Thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng
Theo cáo trạng, từ năm 2013- 2014, Phạm Công Danh - nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) - cần tiền để sử dụng mục đích riêng nhưng không thể vay được trực tiếp tại VNCB.
Bị can Phạm Công Danh (trái), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam và Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank Ảnh: NGUYÊN THẢO
Do vậy, Danh đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 bộ hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại Sacombank, TPBank, BIDV.
Ngoài ra, Danh đã chỉ đạo việc lập khống hồ sơ vay, gửi hơn 6.600 tỉ đồng của VNCB sang 3 ngân hàng này rồi dùng số tiền đó cầm cố, bảo lãnh, trả nợ thay cho các công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân. Do các công ty này chỉ làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ; VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên đến nay không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó. Hậu quả, VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỉ đồng.
Hành vi của Phạm Công Danh đã vi phạm một loạt các luật, nghị định, thông tư quy định về các hoạt động tín dụng.
Tài liệu điều tra chỉ rõ thời điểm Danh là Chủ tịch HĐQT VNCB dù không thuộc đối tượng được vay vốn tại VNCB và cũng không thuộc đối tượng được VNCB cấp tín dụng nhưng đã cố tình chỉ đạo việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết về việc dùng tiền của VNCB gửi liên ngân hàng với Sacombank, TPBank, BIDV; dùng tiền gửi này để cầm cố, bảo lãnh cho chính các công ty của Danh vay vốn.
Cố tình làm trái
Ngoài ra, Phạm Công Danh cũng là người chỉ đạo lãnh đạo VNCB bảo lãnh cho các công ty của Danh vay tiền nhưng không có tài sản bảo đảm là vi phạm các quy định của Nghị định 163 ngày 29-12-2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Thông tư 28 của Ngân hàng Nhà nước về bảo lãnh ngân hàng.
Phạm Công Danh cũng là người tổ chức việc phát hành, ra thông báo và bán trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung (2 công ty do Danh lập ra) khi chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán có lãi năm 2012 và chưa có văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền là trái với quy định tại Nghị định số 90/NĐ-CP ngày 14-10-2011 của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Phạm Công Danh dùng tiền gửi VNCB bảo lãnh cho các công ty vay vốn tại ngân hàng nhưng không hạch toán ghi nợ cho bên được bảo lãnh và không yêu cầu bên được bảo lãnh hoàn trả ngay trong ngày số tiền gửi và VNCB đã phải tất toán trước hạn để trả nợ thay cho các Công ty của Danh. Hành vi đó không phản ánh đúng nghiệp vụ tài chính phát sinh; không phản ánh trung thực hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị nghiệp vụ kế toán; không thực hiện yêu cầu về lưu giữ hồ sơ… Trên đây đều là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Kế toán, Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư 28 của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, bị can này đã giới thiệu Phạm Công Danh với Phan Huy Khang, nguyên Tổng Giám đốc Sacombank, làm các thủ tục hợp pháp hóa để giải ngân cho các công ty của Danh vay 1.800 tỉ đồng bằng các hồ sơ lập khống. Khi cho vay đã tính trước khoản lãi vay của 12 tháng để yêu cầu VNCB dùng tiền gửi bảo lãnh và hết hạn cho vay đã tự thu hồi tiền cho vay thông qua tiền gửi, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.
"Đại án" Ngân hàng Đông Á: Khởi tố thêm 8 người Liên quan đến vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB), Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 7 đối tượng. Bảy đối tượng bị khởi tố gồm: Nguyễn Đỗ Thành Trung, nguyên phụ quỹ DAB sở giao dịch; Trang Tài Tâm, nguyên Phó trưởng Phòng Phát triển kinh doanh - công nghệ DAB Chi nhánh TP HCM; Vũ Thị Thanh Hoa, nguyên cán bộ Phòng Kinh doanh DAB Chi nhánh TP HCM; Nguyễn Chí Công, nguyên Phó Giám đốc Phòng Thẩm định Khối tín dụng DAB hội sở; Quách Thanh Sang, nguyên thủ quỹ Phòng Giao dịch Bình Tây thuộc DAB Chi nhánh quận 5, TP HCM; Trương Hoàng Khải, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Thương mại Sao Việt Nam; Trương Quốc Tân, nguyên Giám đốc Công ty CP Công nghệ Hội Tụ. Cơ quan CSĐT cũng ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Hồng Ánh (56 tuổi, nguyên cán bộ đội nghiệp vụ của Công an TP HCM) cùng về tội danh trên. Bị can Ánh đã ký hợp đồng vay 1.900 lượng vàng SJC của DAB nhưng đến thời hạn không trả, gây thiệt hại cho ngân hàng này số tiền lớn. Ngay sau khi bị bắt, Ánh bị di lý ra Hà Nội để phục vụ quá trình điều tra. Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 17 đối tượng, thu hồi số tài sản trên 2.000 tỉ đồng trong vụ án này. Trong số những người đã bị khởi tố trước đó có ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng Giám đốc DAB; bà Nguyễn Thị Ngọc Vân và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, đều là nguyên phó tổng giám đốc ngân hàng này. M.CHIẾN - S.HƯNG |
VKSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố Phạm Công Danh và Trầm Bê cùng 44 bị can khác về hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt...