Trả công người lao động bằng ma túy của cai thầu xây dựng
Nhiều lao động phổ thông từ các tỉnh miền núi về TP làm việc để kiếm tiền lo cho gia đình nhưng họ không biết trước mắt là những cạm bẫy...
Lao lực để được “ăn cơm tiên” hàng ngày
Một ngày cuối tháng 9/2022 tại công trường xây dựng ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) Lò Văn Inh cùng các bạn của mình đang mải miết xúc cát, bê gạch. Inh cùng các bạn mình đều là những thanh niên người dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên về Hải Phòng làm thuê.
Cuối giờ chiều, khi các công nhân đã thấm mệt, cai thầu xây dựng Trần Văn Liêm nói lớn: “Làm xong việc đi, nhanh về “ăn cơm tiên”. Lời nói của Liêm như một phép màu, các công nhân như quên đi mệt mỏi, lại hăng hái làm việc.
Chân dung hai đối tượng Trần Mai Liêm và Lò Văn Tý
Tối cùng ngày, tại lán trại công nhân của Liêm, sau khi ăn cơm, các công nhân thấp thỏm chờ đợi cai thầu xây dựng mang “cơm tiên” đến. Một gói ma túy được đưa đến, nhóm công nhân gần 10 người châu đầu vào để cùng nhau hút hít.
Khi cả nhóm công nhân đang “phê pha” thì bị lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy (Công an huyện Thủy Nguyên) ập vào bắt quả tang. Kết quả xét nghiệm, 9/10 công nhân dương tính với ma túy.
Tại cơ quan điều tra, cai thầu Liêm (SN 1989, trú tại thôn Cây Đa, xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) thừa nhận nhiều tháng gần đây đã trả lương cho công nhân bằng… ma túy. Liêm cho biết mình nhận được một số công trình trên địa bàn huyện Thủy Nguyên nên đứng ra tìm công nhân xây dựng.
Để có được các lao động phổ thông, Liêm nhờ Lò Văn Tý (SN 1990, ở bản Vánh 3, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, Điện Biên) về quê dụ dỗ, lôi kéo những thanh niên là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, hiểu biết hạn chế về Hải Phòng làm việc.
Khi các công nhân rời quê tới Hải Phòng, Liêm và Tý dụ dỗ họ sử dụng ma túy nhằm dễ dàng khống chế, làm việc không công cho mình. Để có lợi nhuận lớn hơn, đối tượng này đi mua ma túy về chia nhỏ để trả công cho những người làm thuê thay vì trả bằng tiền mặt.
Khi đã xây dựng được một đội công nhân, các đối tượng thống nhất trả thù lao cho công nhân bằng ma túy, với mức từ 200- 400 nghìn đồng/ngày (đều được quy ra ma túy). Với cách làm này, hai đối tượng vừa khống chế được công nhân, vừa trả lương cho họ rẻ mạt và thu được lợi nhuận từ bán ma túy.
Cũng theo cơ quan công an, vào các buổi sáng, Liêm và Tý chở số công nhân đến công trường làm việc, chiều tối lại đón về lán trại ngay tại nhà để ăn nghỉ và sử dụng ma túy. Mọi di biến động của nhóm công nhân trên đều bị 2 đối tượng theo dõi, khống chế.
Cả Văn Thắng, SN 1996 ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên (một trong những công nhân bị bắt quả tang sử dụng ma túy) cho biết: “Em nghe lời anh em rời quê hương để xuống Hải Phòng làm thuê. Khi đi bố mẹ em dặn dò cố làm ăn kiếm tiền trang trải. Tuy nhiên, khi tới Hải Phòng lại bị dụ dỗ sử dụng ma túy nên làm cả năm trời không tích cóp được đồng nào, giờ lại bị bắt vì sử dụng ma túy”.
Lương không được nhận, trở thành con nghiện
Hồi đầu năm 2020, dư luận phẫn nộ khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) triệt phá ổ nhóm chuyên sử dụng ma túy tại một công trình xây dựng trên địa bàn.
Hai đối tượng Lê Văn Anh (30 tuổi, ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Đặng Quang Huy (27 tuổi, quê Thái Bình) đã bị bắt giữ để điều tra về hành vi tổ chức sử dụng ma túy.
Trong đó, Huy là chủ thầu và là người cung cấp ma túy, còn Anh là bảo vệ công trường, là người phát ma túy cho công nhân và cho tổ chức sử dụng tại công trình.
Thủ đoạn trả công cho người lao động bằng ma túy là hành vi vi phạm pháp luật vô cùng nghiêm trọng, là hành vi vô nhân tính của những đối tượng được coi là ông chủ. Người thực hiện hành vi này có thể phải chịu phạt tù từ 7 - 20 năm, thậm chí tử hình. Đối với những công nhân sử dụng ma túy, cơ quan chức năng sẽ lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc, đó sẽ là cơ hội để họ làm lại cuộc đời. Những vụ án vừa qua cũng là lời cảnh tỉnh đối với những thanh niên, lao động ngoại tỉnh, cần tránh xa những cạm bẫy khi về các thành phố lớn làm việc. Luật sư Nguyễn Thanh Phong (Đoàn Luật sư Hà Nội) |
Các nghi phạm khai nhận, mỗi ngày phát ma túy 2 lần cho các công nhân, mỗi lần một gói tương ứng 100.000 đồng. Số tiền này sẽ được trừ vào lương.
Các công nhận ở đây hầu hết là người dân tộc thiểu số, trong đó có cả em nhỏ chưa đủ 15 tuổi, khi vào công trường lao động thay vì được nhận tiền lương thì lại trở nên nghiện ngập.
Mới đây, TAND TP Hà Nội cũng tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Huỳnh (SN 1971, trú tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội) 22 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.
Theo hồ sơ vụ án, Huỳnh thuê hai thợ cơ khí là Hà và Thành làm dàn hoa lan tại nhà mình.
Do cả chủ nhà và thợ cùng nghiện ma túy nên Huỳnh thường trả công cho Hà và Thành bằng ma túy để cả ba sử dụng.
Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Công an TP Hải Phòng, thời gian gần đây tại Hải Phòng cũng như nhiều thành phố lớn có nhiều công trình xây dựng đòi hỏi lượng lao động lớn.
Đã có nhiều thanh niên từ các tỉnh miền núi phía Bắc về thành phố để làm lao động phổ thông. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các thanh niên này, các đối tượng đã dụ dỗ họ vào con đường sử dụng ma túy để từ đó dễ bề khống chế.
“Đây là hành vi độc ác của những cai thầu khi có những công nhân làm cả năm, thậm chí vài năm nhưng không nhận được một đồng tiền công bởi lương của họ đã quy ra ma túy”, vị này cho hay.
Nguồn: [Link nguồn]
Mặc dù bắt quả tang trong túi có ma túy nhưng khi phân tích diễn biến vụ việc, các điều tra viên phát hiện nhiều mâu thuẫn trong động cơ phạm tội của chị T. Từ đây, các anh...