TP.HCM: Một số tòa án khai mạc phiên tòa vào... giờ ngọ, vì sao?
Việc khai mạc phiên tòa vào... giờ ngọ (trùng với giờ nghỉ trưa) có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng khác và cả thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.
Việc đảm bảo đúng thời gian xét xử sẽ giúp những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng có thời gian nghỉ ngơi, chủ động được công việc, thời gian. Ngoài ra, việc xét xử đúng tiến độ, đúng kế hoạch cũng sẽ không làm ảnh hưởng sức khỏe cũng như tâm lý của họ, góp phần vào việc đảm bảo chất lượng xét xử.
Trong khi đó, thời gian qua, tại một số tòa quận tại TP.HCM như TAND quận Tân Phú, TAND quận 8... có tình trạng khai mạc phiên tòa hình sự lúc 11, 12 giờ trưa, trễ quá xa so với lịch xét xử thông thường là 8 giờ 30. Các phiên xét xử kéo dài xuyên trưa, gây mệt mỏi cho nhiều người.
Tòa xử án vào giờ nghỉ trưa
Cảnh người dân chờ đợi bên trong, bên ngoài tại một phiên tòa lúc 12 giờ trưa. Ảnh: TRẦN LINH
Nhiều tháng gần đây, TAND quận Tân Phú khai mạc nhiều phiên tòa hình sự (có bị cáo bị tạm giam) lúc 11 giờ 45, 12 giờ trưa và xử liên tục nhiều vụ đến khoảng 15 giờ.
11 giờ 20 ngày 9-4, xe chở phạm nhân chạy vào cổng trụ sở TAND quận Tân Phú. Tòa chuẩn bị xét xử nhiều bị cáo về tội cố ý gây thương tích. Phòng xử án đã được mở cửa từ lâu. Thư ký phiên tòa đã bật đèn, mở quạt trong phòng xử. Bị hại, người liên quan đã ngồi chờ sẵn, nóng lòng mong phiên tòa bắt đầu.
Cổng tòa đóng im lìm sau khi xe chở can phạm đến; có lẽ đã đến giờ nghỉ trưa. Người nhà của bị cáo Nguyễn Đức Lộc đã đến từ sớm theo lịch xử mà họ biết. Họ ngồi ở quán trước cổng tòa để chờ vào phiên tòa gặp mặt Lộc. Bị cáo này đã bị bắt hơn hai năm, trong đó có một năm phải đi chữa bệnh bắt buộc.
Bao hy vọng gặp mặt người thân dường như tắt ngúm theo nhịp độ khép lại của cánh cổng tòa. Họ đi tới đi lui, mắt ngóng về phía phòng xử án phía xa xa, ngay mặt tiền trụ sở tòa. Nắng tháng 4 đổ lửa trên đầu.
Chia sẻ với phóng viên, họ nói rằng dù đã rất mệt mỏi cho một buổi sáng chờ đợi, họ quyết định đợi tiếp để được nhìn thấy Lộc. Rồi may thay, vài chục phút sau, cổng tòa lại mở. Công phu chờ đợi của họ đã được đền đáp bằng một chỗ ngồi dự tòa.
Tương tự, TAND quận 8 cũng có những phiên xử mở lúc giữa trưa. Tại những phiên xử này, người tham dự, người nhà bị cáo, như thường lệ, đến tòa từ sớm. Họ đợi tới trưa thì mới thấy xe chở phạm đến, rồi vui mừng vào phòng xử ngồi chờ toà tiến hành thủ tục để bắt đầu phiên xử. Khi đó đã hơn 11 giờ trưa.
Vì sao tòa bắt đầu phiên xử trễ?
Theo tìm hiểu của phóng viên hiện việc trích xuất bị cáo từ trại tạm giam về đến tòa để xét xử trễ là thực trạng khó khăn chung của một số tòa án hiện nay.
Việc các tòa xử giữa trưa có nguyên nhân từ việc "trích xuất phạm rất chậm" do những nhà tạm giữ đang sửa chữa hoặc quá tải, phải gửi phạm ở Trại tạm giam Chí Hòa (cơ sở tại huyện Củ Chi). Điều đáng mừng là việc đảm bảo cho các bị cáo bữa ăn trưa vẫn được thực hiện tốt.
PV đã đăng ký gặp chánh án TAND quận Tân Phú để tìm hiểu lý do của việc "tòa bắt đầu xét xử vào giữa trưa". Tuy nhiên, đến nay phía TAND quận Tân Phú vẫn chưa có phản hồi.
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Trần Trọng Trúc, Phó Chánh án TAND quận 8, cho biết: Từ đầu tháng 3-2023 đến nay, nhà tạm giữ Công an quận 8 phải tạm dừng hoạt động để xây dựng mới; nên việc tạm giữ, tạm giam bị can, bị cáo phải thực hiện tại Trại tạm giam Chí Hòa (cơ sở T30 tại huyện Củ Chi).
Khi trích xuất được bị cáo đến trụ sở tòa án thì thời gian đều rơi vào khung giờ từ 10 giờ đến 11 giờ các ngày.
Ông Trúc nhìn nhận việc mở các phiên tòa hình sự vào khung giờ trưa thì ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến công tác của tòa án (tòa khó chủ động trong việc sắp xếp các công tác khác trong thời gian trước khi diễn ra phiên tòa, trong lúc diễn ra phiên tòa và sau khi kết thúc phiên tòa), ảnh hưởng đến việc quản lý chung của lãnh đạo, của văn phòng...
"Việc xét xử như trên đa số sẽ kéo dài xuyên giờ trưa đến giờ chiều, ảnh hưởng đến sức khỏe, tạo tâm lý mệt mỏi cho người tiến hành tố tụng, bị cáo, cũng như người tham gia tố tụng khác và các cán bộ cảnh sát chịu trách nhiệm bảo vệ phiên tòa, quản lý, giám sát các bị cáo bị tạm giam" - ông Trúc cho biết thêm.
Tăng cường xét xử trực tuyến
Ông Trần Trọng Trúc - Phó Chánh án TAND quận 8 . Ảnh: TRẦN LINH Hiện TAND quận 8 triển khai lựa chọn các vụ án hình sự có nội dung đơn giản, có ít người tham gia tố tụng để mở phiên tòa theo hình thức trực tuyến (theo quy định của TAND Tối cao và Nghị quyết của Quốc hội). Đồng thời, TAND quận 8 chủ động tăng cường sự phối giữa các cơ quan tố tụng, tăng cường sự phối hợp với Nhà tạm giữ Công an quận 8, Trại tạm giam Chí Hòa (T30). Thời gian qua, TAND quận 8 đã cố gắng khắc phục và vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ để đạt chỉ tiêu thi đua như Kế hoạch đã đề ra. Ông TRẦN TRỌNG TRÚC, Phó Chánh án TAND quận 8 |
Công an TP.HCM sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà tạm giữ
Trả lời phản ánh của Pháp Luật TP.HCM, tại cuộc họp báo mới đây, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu (PV01) Công an TP.HCM, cho biết về vấn đề này, Công an Thành phố ghi nhận và đã có trao đổi chỉ đạo.
Thông thường thì theo Thông báo thời gian xét xử của tòa, lực lượng công an sẽ tính toán thời gian di chuyển để dẫn giải can, phạm nhân phục vụ công tác xét xử. Tuy nhiên hiện nay, đa số can, phạm nhân đưa ra xét xử bị tạm giam tại Trại tạm giam T30 nên việc dẫn giải đường xa có lúc không đảm bảo thời gian chính xác. Trong một số trường hợp, trích xuất phạm buổi tối thì không đảm bảo an ninh, an toàn. Do vậy, việc trích xuất phải có thời gian cụ thể theo quy định.
Hiện Công an TP.HCM có 7 nhà tạm giữ cấp quận, huyện đang được xây dựng nên các quận, huyện này gửi can, phạm nhân tại trại giam T30. Cạnh đó, một số nhà tạm giữ của các quận khác, dù không phải xây mới nhưng bị quá tải nên cũng phải chuyển can phạm gửi ở T30.
Công an TP.HCM sẽ có giải pháp, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành nhà tạm giữ quận, huyện; phục vụ việc giam giữ đúng quy định; đồng thời đảm bảo việc xét xử được thuận lợi hơn, sớm hơn.
Công an, VKS, tòa án tăng cường phối hợp Tại quận 7, công tác phối hợp giữa các ba cơ quan là công an, tòa án, VKS được thực hiện rất tốt. Từ sau đợt dịch đến nay, tòa chúng tôi cũng đã tăng cường triển khai việc xét xử trực tuyến.
Ông Lê Thuần Phong, Chánh án TAND quận 7. Ảnh: TRẦN LINH Trước thực trạng khó khăn, ba cơ quan thống nhất là hỗ trợ tối đa, cử ra các đầu mối để liên hệ. Bên Nhà tạm giữ Công an quận 7, họ đi từ sáng sớm, xuống tới T30 là vô làm thủ tục nhanh, nếu không kịp thì họ sẽ báo về liền. TAND quận 7 cũng có những phiên xử do trích xuất phạm trễ, nhưng không nhiều. Chậm nhất là 10 giờ, tòa bắt đầu xử; vẫn kịp để cho phạm về không quá trễ, không bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Ở những phiên tòa xử trễ, hay dời phiên tòa thì với chúng tôi đó là vấn đề bình thường vì trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ. Tuy nhiên, với người dân, người tham gia tố tụng khác thì cũng rất khó vì mất thời gian, công sức, ảnh hưởng công việc của họ. Ông LÊ THUẦN PHONG, Chánh án TAND quận 7 |
Sáng nay, một cụ ông 82 tuổi trú tại TP Bắc Giang, Bắc Giang đem xăng, bật lửa đến TAND tỉnh Bắc Giang châm lửa đốt dẫn đến bản thân nguy kịch.
Nguồn: [Link nguồn]