Tội phạm mua bán người thu lời 32 tỷ USD/năm

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc và tổ chức Lao động quốc tế, hằng năm trên thế giới có khoảng 800.000- 1.000.000 người bị mua bán, lợi nhuận tội phạm thu được khoảng 32 tỷ USD. Trong đó, trên 80% nạn nhân là phụ nữ và các bé gái.

Thông tin trên được đại tá Lê Văn Chương, Phó chánh Văn phòng thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy - Bộ Công an cho biết, tại Hội nghị “Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người” thuộc Chương trình 130/CP diễn ra sáng 2/7.

Nhận định về tình hình tội phạm mua bán người hiện nay, đại tá Lê Văn Chương cho biết đang có những diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng và quốc tế hóa. “Tại Việt Nam, tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu qua tuyến biên giới Việt Nam- Trung Quốc; Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia. Không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em mà cả mua bán đàn ông, trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng…” - ông Chương nói.

Sáu tháng đầu năm 2013, Cảnh sát Nga đột kích, xử lý 3 vụ, giải cứu đưa về nước 500 người Việt Nam bị lao động cưỡng bức, bất hợp pháp; Cảnh sát Malaysia đột nhập vào động Karaoke ở Thủ đô Kua - Lăm - Pơ giải cứu 23 phụ nữ Việt Nam bị bán làm gái mại dâm. Cơ quan chức năng của Việt Nam cũng phối hợp với các lực lượng của Trung Quốc, Lào, Campuchia, xác định được hơn 500 tụ điểm có dấu hiệu tội phạm mua bán người hoặc thu gom phụ nữ Việt hoạt động mại dâm.

Trong khi đó, kết quả khảo sát của Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an xác định, hiện có khoảng 25.000 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày không rõ lý do, không có tin tức, nhiều người nghi bị mua bán.

Qua điều tra, cảnh sát xác định có khoảng 80.000 phụ nữ vượt biên, xuất cảnh lấy chồng nước ngoài, trên 20.000 trẻ em được đưa ra nước ngoài làm con nuôi, hàng vạn người ra nước ngoài lao động dưới mọi hình thức.

Trong đó, có rất nhiều người trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, bị bóc lột tình dục, cưỡng ép lao động… Nhiều trường hợp tử vong tại nước ngoài.

Theo số liệu được đại diện Bộ Công an đưa ra tại Hội nghị, từ năm 2005 đến tháng 6/2013, cả nước xảy ra hơn 3.200 vụ, với gần 7.000 nạn nhân bị lừa bán (riêng giai đoạn 2012 – 6/2013, xảy ra gần 700 vụ, với hơn 1.300 nạn nhân, trong đó 80% nạn nhân bị bán ra nước ngoài).

Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã khám phá gần 3.000 vụ, bắt trên 4.600 đối tượng phạm tội mua bán người, tổ chức tiếp nhận gần 6.000 nạn nhân bị mua bán trở về. Riêng 25 địa phương biên giới đã khám phá hơn 1.400 vụ, bắt hơn 2.100 đối tượng (chiếm 47% tổng số vụ trên cả nước). Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử hơn 1.600 vụ, với 3.000 bị can.

Qua các vụ án cho thấy, thủ đoạn của tội phạm chủ yếu lợi dụng vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết của nạn nhân; hoặc lợi dụng chính sách mở cửa, sơ hở trong quản lý về hôn nhân, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, xuất khẩu lao động, thăm quan, du lịch… để lừa gạt, đưa người ra nước ngoài bán.

Cùng với việc hợp tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, đại tá Lê Văn Chương cũng cho hay, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xây dựng, ký kết điều ước quốc tế song phương về phòng, chống mua bán người với các nước có đông nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán như: Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…Hoặc sửa đổi, bổ sung các điều ước quốc tế hợp tác song, đa phương về phòng chống mua bán người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Dương (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN