Tội ác tày trời của gã phạm nhân phố núi
Sau khi nhậu tới bến, thay vì đi vào nhà nghỉ ngủ, Doanh mò vào nhà dân và bi kịch xảy ra.
Quá khứ lầm lỡ
Hơn 7 năm thụ án tại trại giam Quyết Tiến (bộ Công an), phạm nhân Nguyễn Quốc Doanh (SN 1983, trú tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) luôn hổ thẹn với chính mình. Bản án dài 18 năm tù về tội Hiếp dâm trẻ em luôn hiện hữu trong đầu chàng trai phố núi này. Tâm sự với PV báo Người Đưa Tin, Doanh cho biết, vẫn nhớ như in đêm gây án.
Theo đó, đêm ngày 1/12/2009, Doanh cùng mấy anh em thợ xây ở lán tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, Hà Giang ăn nhậu tới bến. Sau đó, Doanh mượn được chiếc xe máy Wave của bạn, phóng như bay đến trung tâm huyện Mèo Vạc chơi đêm. Đêm đó, vì say rượu, Doanh vào nhầm nhà chị Nguyễn Thị Th. (tại tổ 3, thị trấn Mèo Vạc). Thấy cháu N.Đ (SN 2004) một mình ngồi chơi ở trong nhà, Doanh hỏi: “Bố mẹ cháu đâu?”. Cháu Đ. đáp: “Mẹ đi làm, bố đang ngủ”. Doanh hỏi tiếp: “Mẹ làm ở đâu?”. Bé Đ. hất đầu ra cửa và nói: “Mẹ làm ở bên kia”. Doanh đi ra trước cửa nhà chị Th. nhìn lại thì nhận ra là mình đã vào nhầm nhà.
Lúc này bé Đ. nói muốn đi tìm mẹ, Doanh đồng ý dẫn cháu Đ. đi. Doanh cho cháu Đ. ngồi lên trước xe máy, đi đến ngã tư sân vận động huyện Mèo Vạc. Lợi dụng đêm tối, trên đường đi lại vắng bóng người qua lại, Doanh dừng xe máy và giở trò đồi bại với bé gái 5 tuổi (lớn hơn con gái hắn 1 tuổi). Gây án xong, Doanh dỗ dành cháu Đ. không được khóc, rồi hai người vào trường mầm non xã Lũng Pù xin ngủ nhờ.
Đêm đó, gia đình chị Th. đi tìm cháu Đ. suốt đêm. Đến sáng ngày hôm sau (2/12), gia đình chị Th. đã tìm thấy cháu Đ. trong tình trạng bị sốc tâm lý… Gia đình bị hại đã làm đơn tố cáo hành vi hiếp dâm trẻ em của Nguyễn Quốc Doanh lên cơ quan công an.
Ngày 15/9/2010, TAND tỉnh Hà Giang tuyên phạt Nguyễn Quốc Doanh 18 năm tù về tội Hiếp dâm trẻ em. Từ đây, chuỗi ngày trả án dài đằng đẵng đã biến gã trai phố núi thành một phạm nhân mòn mỏi đợi chờ ngày ra tù.
Phạm nhân Nguyễn Quốc Doanh
Ân hận muộn màng
8 năm ở tù, lúc đầu Nguyễn Quốc Doanh như vỡ tung ra vì hối hận tội lỗi. Cuộc đời của gã phạm nhân trẻ này thật buồn: Hồi học lớp 2, Doanh theo mấy anh chị trong xóm bỏ học. Đến năm 2006, được gia đình động viên, Nguyễn Quốc Doanh đã tham gia lớp học xóa mù chữ do chính quyền địa phương mở.
“Cùng thời gian đó, phong trào đi xuất khẩu lao động đã khá phổ biến ở phố núi Tuyên Quang. Nhà có 4 anh chị em, kinh tế khó khăn, nên em quyết tâm đi xuất khẩu lao động để đổi đời”, Nguyễn Quốc Doanh trải lòng.
Chỉ vì vợ chồng Doanh xảy ra trục trặc, ly hôn đã làm tan tành giấc mộng đi xuất khẩu lao động. Không học vấn, không nghề nghiệp, Doanh đi làm nghề tự do, ai thuê gì làm nấy, mẹ ở nhà làm ruộng chăm sóc đàn con nhỏ, gánh nặng gia đình vẫn đè nặng lên đôi vai bố Doanh.
Doanh cho biết: “Từ ngày ở tù, đêm nào em cũng trằn trọc ngủ không yên giấc. Hình ảnh con gái nhỏ ở nhà không có bố chăm sóc luôn ám ảnh em”. Nhiều đêm Doanh mơ gặp con gái, mặt mày nhem nhuốc, khóc lóc đòi bố bế. Doanh dang tay ra bế con, nhưng không tài nào làm được. “Sợ quá, em giật mình tỉnh giấc, mồ hôi vã ra như tắm, sau đó không sao ngủ lại được”. Phạm nhân Doanh nói giọng buồn buồn.
Nỗi đau lớn nhất trong lòng Doanh là sinh con ra, nhưng không được ở bên cạnh chăm sóc, nuôi dạy. Hàng ngày đếm ngược thời gian, Doanh chỉ mong được trở về với xã hội sớm ngày nào hay ngày ấy để chăm sóc, bù đắp cho thiên thần bé nhỏ của mình nay đã vào học lớp 5.
Tháng ngày trôi nhanh trong vô vọng, gã phạm nhân trẻ này chỉ ước mong, giá như không có đêm định mệnh đó, thì cuộc đời hắn sẽ tốt biết bao? Thương nhớ con gái bao nhiêu, Doanh lại cảm thấy có lỗi với bố mẹ mình bấy nhiêu. Sinh con mới hiểu lòng cha mẹ, câu nói của người xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Từ lúc sinh ra cho đến nay, Doanh cảm thấy chưa đền đáp được công ơn sinh thành của cha mẹ, trái lại còn làm bố mẹ thêm buồn phiền, lo lắng.
Những tháng ngày trong tù đã đủ để đứa con tội lỗi tự đánh giá bản thân và phục thiện dưới sự dạy dỗ, chỉ bảo của các cán bộ quản giáo.