Tội ác man rợ của tên sát nhân quyến rũ: Quá khứ bất ổn
Bạn gái cũ của nghi phạm nhận xét hắn là một kẻ không bình thường, có những suy nghĩ lệch lạc trong vấn đề tình dục. Đó có thể là nguyên nhân khiến hắn ra tay một cách dã man với các cô gái sau này.
Năm 1967-1969, dư luận bang Michigan (Mỹ) từng chấn động trước những tội ác của kẻ giết người hàng loạt có vỏ bọc hoàn hảo tên là John Norman Collins. Điểm chung trong các vụ giết người của Collins là nạn nhân bị lạm dụng, đánh đập dã man trước khi chết. Quần áo của họ bị cởi bỏ và dễ dàng tìm thấy gần hiện trường. Tất cả các nạn nhân đều là nữ với mái tóc màu nâu |
Tuổi thơ phức tạp
John Norman Collins sinh ngày 17/6/1947 ở Canada, trong một gia đình không hạnh phúc khi có người cha đã sớm bỏ rơi vợ con của mình. Collins là con út, trên hắn có một anh trai và một chị gái. Mẹ của Collins tái hôn nhưng lần thứ hai này cũng chỉ kéo dài được một năm.
John Norman Collins (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng anh chị mình năm 13 tuổi
Sau đó, mẹ của Collins mang theo các con rời Canada đến Detroit và vội vàng kết hôn với người chồng thứ 3 là William Collins. Nhưng hóa ra đây lại là một kẻ nghiện rượu, bạo lực và thường xuyên đánh đập vơ con. Hai người chia tay nhau vào năm 1956.
Mới 9 tuổi, John Collins đã trải qua cuộc sống với 3 người cha và chứng kiến nhiều bạo lực gia đình. Trong khi đó, mẹ anh vẫn làm công việc của một cô hầu bàn và tiếp tục mối quan hệ với người đàn ông khác.
Dù sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh phức tạp nhưng John Collins lại được giáo viên nhận xét là một học sinh thông minh và chu đáo. Với dáng người cao ráo, mái tóc màu nâu sẫm, khuôn mặt điển trai và dễ nói chuyện, Collins rất thu hút những cô gái trẻ.
Collins bắt đầu theo học tại Đại học Eastern, Michigan vào năm 1966 và trở thành phó chủ tịch của câu lạc bộ trượt tuyết của trường. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm đầu tiên, điểm số của Collins trượt dốc và cũng bị đuổi khỏi câu lạc bộ vì tội trộm cắp.
Năm 1969, Collins tốt nghiệp. Hắn làm việc bán thời gian và sống cùng một cậu bạn gần trường đại học. Sau này khi bị nghi ngờ có hành vi trộm cắp, hắn đã rời khỏi đó và chuyển đến sống với gia đình cô chú mình. Collins đã từng tham gia vào nhiều vụ trộm cắp, hắn coi đó là một thú vui.
Bạn gái cũ của Collins nhận xét hắn là một kẻ không bình thường, có những suy nghĩ lệch lạc trong vấn đề tình dục. Đó có thể là nguyên nhân khiến hắn ra tay một cách dã man với các cô gái sau này. John Norman Collins gây án lúc 22 tuổi, khi còn đang là sinh viện đại học Eastern.
Phán quyết cuối cùng
Phiên tòa xét xử Collins được bắt đầu ngày 30/6/1970. Có tất cả 57 nhân chứng tại phiên tòa này. Trong vụ án giết hại Mary Fleszar, theo thông tin cảnh sát có được, Fleszar đã liên hệ với một trung tâm y tế vì nghi ngờ mình có thai. Cô nói với nhân viên tư vấn rằng mình bị một cậu bạn cùng trường hãm hiếp khi đi cùng xe với cậu ta. Không lâu sau khi bỏ cái thai, Fleszar bất ngờ mất tích. Bạn của Fleszar cho biết, Fleszar có một chiếc vòng đeo cổ mặt hình đồng bạc Canada. Sau này, chiếc vòng đã được tìm thấy trong tủ quần áo của Collins.
Collins có vẻ ngoài rất thu hút những cô gái trẻ.
Ngoài ra, Arnold Davis, một người bạn của Collins cũng nhớ tới một sự việc khác. Arnold là một trong ba người đàn ông có trong xe khi nạn nhân Joan Schell được Collins đón, mặc dù anh không biết cô là ai vào lúc đó. Arnold và một người bạn khác sau đó đã rời đi chỉ còn Collins cùng Joan Schell. Collins sau đó nói lại với các bạn của mình là đã bỏ Joan Schell ở một bãi đậu xe khi gạ gẫm cô mây mưa nhưng không thành. Và đó cũng là ngày mà cô mất tích.
Các bằng chứng được sử dụng tại phiên tòa đã được thu thập lại trong suốt hai tuần trước đó. Tuy nhiên công tố viên chỉ tập trung vào vụ giết hại nạn nhân Karen Beineman bởi những bằng chứng tìm được tại nơi hắn sinh sống là ở nhà người chú Leik của mình hầu hết liên quan đến vụ án này.
Tại nhà Leik, cảnh sát phát hiện vết chân bị kéo lê trong bếp, vết máu của Beineman trong tầng hầm. Sợi dây dùng để thắt cổ nạn nhân cũng được tìm thấy. Beinemen đã bị giết hại tại nhà Leik, sau đó được mang đi nơi khác phi tang.
Nhân chứng quan trọng trong vụ án của Beineman chính là chủ cửa hiệu làm tóc gần đại học Michigan, người này khẳng định Beineman đã lên xe của Collins vào ngày cô biến mất.
Mặc dù liên tục khẳng định không quen biết Sue Beinemen và liên quan đến cái chết của cô nhưng Collins không thể đưa ra chứng cứ ngoại phạm cho mình.
Ngày 19/8/1970, sau hơn ba ngày thảo luận, bàn bạc, đoàn bồi thẩm đưa ra phán quyết cuối cùng. Collins chỉ bị buộc tội giết Karen Beineman vì không thể thu thập đủ bằng chứng buộc tội hắn ở các vụ án khác. Collins bị kết án chung thân không khả năng phóng thích tại nhà tù tiểu bang miền Nam Michigan. Hắn đã kháng cáo 3 lần nhưng đều không có kết quả.
(Hết)
----------------------
Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo Kỳ án thế giới vào 4h00 ngày 22/5/2020 trên mục Pháp luật.
Nguồn: [Link nguồn]
Viên cảnh sát ban đầu bị sốc khi đối mặt với vô số bằng chứng cho thấy có quá nhiều khả năng hung thủ giết người...