Tội ác ghê rợn trong đám cháy ở Mỹ Đình: Sự im lặng của lửa
Hoạt động điều tra vụ hoả hoạn tại Mỹ Đình đã được lực lượng Công an Thủ đô triển khai với quyết tâm cao nhất. Không thể đo đếm, tính toán công sức của chừng ấy con người đã bỏ ra trong gần một năm ròng, để tìm câu trả lời trước dân. Bởi thế, khi đám cháy hiện nguyên hình là một tội ác ghê rợn và hoạt động điều tra lâm vào “câu dầm, bế tắc”, nó trở thành nỗi day dứt, canh cánh khôn nguôi của những người làm nghề.
"Dọn" sạch giang hồ
Trong lúc chúng tôi “nghiên cứu” về Hoa “sọ não”, thì các mũi khác cũng đang rầm rập lên đường, truy quét, trấn áp các băng nhóm còn lại. Để dựng lên bức tranh tổng thể hành vi phạm tội của băng nhóm bến xe Mỹ Đình, chúng tôi đã tìm gặp từng bà bán bánh mỳ rong, cánh xe ôm phải nộp “phế” cho chúng, động viên họ khai báo, cung cấp thông tin để củng cố tài liệu, chứng cứ triệt phá băng nhóm này.
Ban đầu người dân sợ hãi, không dám cung cấp thông tin về những tên bảo kê dữ dằn trong thân hình phủ kín hình xăm, mà chúng tôi hay nói vui là “nhiều mực, tranh ảnh đẹp”. Về sau, thấy Công an làm quyết liệt, các đối tượng bị trấn áp thẳng tay, lần lượt “xộ khám”, người dân dần tin vào “bàn tay sắt” của “hình sự số 7”, nên bắt đầu hợp tác, khai báo rõ những khoản “phế” phải đóng theo tháng cho chúng để được bán hàng rong kiếm ăn tại bến xe này. Đi vào đời sống cần lao, mới thấy bao chuyện buồn, nhức nhối mà người dân đã phải chịu đựng trong cuộc vật lộn mưu sinh.
Tại trụ sở Đồn Công an Mỹ Đình, tôi trực tiếp đấu tranh với những tên chủ chốt trong băng nhóm này. Thu thập xong lời khai, chúng tôi đề xuất phát sinh tố tụng, bắt giữ đối tượng rồi đưa vào trại tạm giam số 1 (trại “Hoả Lò”) ngay tắp lự. Sau đó, tiếp tục vào trại đấu tranh làm rõ mọi vấn đề, trong đó nhiệm vụ được ưu tiên số 1 là xác định chúng có liên quan đến vụ cháy hay không.
Nhiều đối tượng giang hồ cộm cán đã bị bắt để phục vụ điều tra vụ án (ảnh minh họa).
Vào chiến dịch, không khí chiến đấu khiến anh em làm “hùng hục như trâu”, quên đi mọi mệt mỏi hay công việc cá nhân, gia đình. Ở đội tôi có anh “lượn qua, lượn lại” trước cửa nhà mình cả tuần, mà không có thời gian tạt về thay bộ quần áo, hay ăn với vợ con bát cơm.
Làm nghề điều tra là vậy, mọi công việc đều đòi hỏi “thời gian tính” - nghĩa là “ngay và luôn”, chứ không thể làm việc theo kiểu “đau đẻ chờ sáng trăng”. Khi đã phát hiện manh mối, là phải lên đường đi “ốp bốc” ngay, không thể trì hoãn. Rồi khi “hàng” đã trong tay, phải tổ chức “đấu nóng” để lấy thông tin, khai đến đâu xác minh tới đó, nhằm khẳng định hay phủ định nội dung lời khai đó. Khai gian dối thì phải tiếp tục đấu tranh quyết liệt cho ra sự thật thì thôi.
Khi đã “đủ tiền đi chợ” - tức là đã có đủ chứng cứ bắt, giam, giữ, thì phải phát sinh tố tụng và thi hành lệnh ngay. Vì những thứ này liên quan đến quy định chặt chẽ trong luật về thời hạn cho mỗi biện pháp tố tụng hình sự, không cho phép “câu giờ”. Thành thử, việc vắng nhà biền biệt đã trở thành quy luật sinh hoạt của lính điều tra hình sự.
Mọi việc từ quán xuyến ông bà nội ngoại, hiếu hỷ tang chay, chăm sóc con cái, đến sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng… đều trông cả vào tay những người vợ chiến sĩ. Đó là những hy sinh lặng thầm trong đời sống riêng tư của họ mà rất ít người biết tới.
Mở rộng điều tra, thêm nhiều nhóm giang hồ, bảo kê khác bị quân số 7 “khênh” cả vào trại. Những ngày ấy, các chuyến xe “đông lạnh” – (xe chở phạm) tấp nập ra vào trại “Hoả Lò”. Ngoài việc bị điều tra về hành vi vi phạm pháp luật hiện hành, những kẻ bị bắt còn phải trình bày rõ lịch trình sử dụng thời gian trong ngày xảy ra vụ cháy, cùng tất cả các mối quan hệ bạn bè, băng đảng trong địa bàn đó.
Đến tháng 4-2008, một bản kết luận giám định vô cùng quan trọng, được Cục Kỹ thuật hình sự (C54) - Bộ Công an chuyển giao cho chúng tôi. Trong đó ghi rõ việc phát hiện dấu vết nhiên liệu (xăng sống) dính bên dưới mẩu giấy ghi thu ở trên đường, cách trước cửa ngôi nhà bị cháy hơn 1 mét. Điều này có ý nghĩa là, nhiên liệu được dẫn từ bên ngoài vào trong nhà. Trong quá trình đổ nhiên liệu vào nhà, xăng đã rớt ra và ngấm xuống đường, dưới những vật thể có sẵn tại đó.
Vì nằm trên đường ngoài phạm vi cháy, mẩu giấy bị ép chặt xuống đất do dính nước mưa bên trên, vô hình chung đã che chắn cho những phần tử xăng bên dưới mẩu giấy giữ được nguyên vẹn tính chất, thành phần hoá học ban đầu.
Như vậy, đã có căn cứ khoa học xác định đây là một vụ án giết người bằng cách đổ xăng đốt nhà. Từ lúc này, chúng tôi bắt đầu dùng cụm từ “giết - đốt Mỹ Đình” để định danh cho vụ cháy ấy. Tội phạm đã xảy ra và hoạt động điều tra, truy lùng hung thủ cần phải tiếp tục ráo riết và quyết liệt hơn nữa.
Câu dầm, bế tắc
Những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng CSHS Thủ đô cùng các đơn vị phối hợp, Công an các địa phương liên quan tưởng đã thu được kết quả như mong muốn. Vậy mà qua “sàng đi, lọc lại”, tất cả số đối tượng đã bắt về các tội danh khác, đều có chứng cứ ngoại phạm đối với với vụ “giết đốt” kể trên.
Thận trọng tối đa trong việc loại một ai đó ra khỏi diện nghi vấn, là cách làm quen thuộc của “dân” điều tra trọng án. Một nguyên tắc không được quên, đó là không dễ tin lời khai hay tài liệu do đối tượng xuất trình. Mọi thứ đều phải được kiểm tra, xác minh tính chân thực một cách tỷ mỷ, kỹ lưỡng để chấp nhận hay bác bỏ, phủ định.
Nghề này không có chỗ cho sự qua loa, đại khái. Bởi nó liên quan trực tiếp đến sinh mạng chính trị của mỗi con người. Hậu quả từ việc làm oan, sai hay bỏ lọt tội phạm đểu nguy hiểm như nhau. Đó là 2 thái cực rất dễ mắc phải trong hoạt động điều tra tội phạm. Tả khuynh, quá tay trấn áp cũng dở mà hữu khuynh né tránh, an phận thủ thường, không quyết liệt trong đấu tranh với tội phạm lại càng không được. Phạm phải những lỗi này, cái giá phải trả với người làm nghề không hề nhỏ. Bởi kết quả công việc gắn với trách nhiệm cá nhân của mỗi điều tra viên trong quá trình làm án.
Trở lại việc đề xuất loại hay không loại khỏi diện nghi vấn đối tượng điều tra trong vụ “giết đốt Mỹ Đình”, những người làm án chịu áp lực rất lớn. Ai cũng hiểu nếu đề xuất sai, chẳng hạn như loại đúng thủ phạm của vụ án ra khỏi diện điều tra, thì cầm chắc án kỷ luật, vì chứng tỏ anh chưa làm việc “hết số”, còn để sai sót trong thu thập và đánh giá chứng cứ.
Cựu trinh sát hình sự Đào Trung Hiếu (Hieubaocand@gmail.com)
Sau 8 tháng, tất cả đều “về mo” - (trở lại con số 0 tròn trĩnh). Vụ án được gia hạn điều tra 2 lần, rồi phải tạm đình chỉ điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Đội điều tra trọng án được giao tiếp tục nắm tình hình có liên quan, khi nào có tin sẽ làm tiếp. Lúc này, mấy chồng hồ sơ dày khự do Đại uý Nguyễn Anh Ngọc - (Điều tra viên) quản lý.
Công việc ở “chảo lửa” số 7 Thiền Quang chưa bao giờ vãn, lính tráng lại quay về với nhiệm vụ thường nhật, hay tập trung vào công tác điều tra, truy xét thủ phạm trong các vụ án mới xảy ra. Sau thời gian “trưng tập” cho tổ phía Bắc, tôi cũng đã trở lại với địa bàn phía Nam của mình, dưới quyền chỉ huy của Đội phó Ngô Văn Đáp.
Thời điểm ấy địa bàn quận Hai Bà Trưng rất phức tạp, với nhiều băng nhóm côn đồ, xã hội đen hành xử manh động, sử dụng súng hoa cải, dao phóng lợn trong các vụ đánh chém nhau náo loạn phố phường để tranh giành địa bàn làm ăn hay giải quyết ân oán giang hồ. Chúng tôi lại cuốn theo những vụ án mới gây ra bởi những Tùng “An ngựa”, Thịnh “Nghê”, Hiếu “mít”, Đức “cụt”, Quân “cối”…
Cùng trong thời gian này, nhiều vụ án giết người, cướp tài sản… được chúng tôi khám phá nhanh chóng. Bởi thế, cũng chẳng còn thời gian để nghĩ về vụ “giết đốt” còn dang dở ấy. Tuy nhiên, mỗi lần có ai nhắc tới chuyện đó, một cảm giác buồn buồn cứ xâm chiếm, bởi ai cũng hiểu còn nợ dân một câu trả lời. Đành tự an ủi thôi thì cũng đã làm hết cách, án không ra là do những khó khăn khách quan. Trong điều tra, yếu tố may mắn quan trọng lắm. Tôi vẫn có niềm tin rằng rồi một ngày sự thật sẽ được phơi bày, chỉ là chưa đến lúc. Thoáng nghĩ thế thôi, vì không phải thuộc địa bàn quản lý của tổ mình, nên đầu óc “nhảy” ngay sang việc khác.
Tuy nhiên, với các vị lãnh đạo Công an thành phố và chỉ huy ở ngôi nhà số 7 Thiền Quang, quyết tâm làm rõ vụ án này chưa bao giờ “hạ nhiệt” trong họ. Bởi chưa có gì để làm tiếp nên phải tạm thời “đóng máy” mà thôi. Nỗi day dứt đi ra từ trách nhiệm công vụ cùng niềm xót thương trước 3 cái chết thương tâm của người dân vô tội, đã được Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - (Giám đốc Công an TP Hà Nội khi đó) ngậm ngùi chia sẻ trong một cuộc giao ban toàn lực lượng Công an thành phố.
Nhiệm vụ nắm tình hình vụ án chưa rõ thủ phạm vẫn tiếp tục được giao cho Phòng CSHS chủ trì.
(Còn nữa)
Hoạt động điều tra, xác định bản chất của một sự việc mang tính chất pháp lý hình sự, giải đáp các vấn đề cần...
Nguồn: [Link nguồn]