Tòa trả hồ sơ vụ bị cáo, nhân chứng khai bị đánh đập
Sau một ngày nghị án, chiều nay (3-2), TAND tỉnh Bình Phước đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án bị cáo Phạm Duy Lăng bị truy tố về tội giết người.
Như báo Pháp Luật TP.HCM nhiều lần phản ánh, theo hồ sơ, tháng 3-2009, khi dự một đám cưới ở xã Phước Sơn, nhóm của Phạm Duy Lăng xô xát với một nhóm thanh niên xã Thống Nhất. Lăng bị Chu Quang Tùng dùng đá đập trúng đuôi mắt phải nên chửi rồi vào nhà người dân tìm hung khí đánh trả.
Lúc đó, Lương Văn Khu thấy anh Trương Thanh Thức (ngụ xã Đức Liễu) đang đứng gần đấy, tưởng nhầm anh Thức thuộc nhóm thanh niên xã Thống Nhất nên đến gây sự, đấm đá khiến anh Thức ngã. Theo nội dung cáo trạng, Lăng là người đã cầm chày inox (dài 20 cm, dùng để giã ớt) đánh anh Thức nhiều cái vào đầu, khiến nạn nhân tử vong.
Tháng 6-2011, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần đầu, phạt Lăng 16 năm tù về tội giết người, đồng thời kiến nghị cấp trên hủy bản án sơ thẩm của mình để điều tra, xét xử lại vì vụ án có dấu hiệu bỏ lọt đồng phạm giết người, gây rối trật tự công cộng.
Trong khi đó, Lăng kháng cáo kêu oan. Tháng 9-2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Sau đó, VKS tỉnh Bình Phước truy tố thêm Khu, Tùng và một người nữa về tội gây rối trật tự công cộng.
Tháng 8-2014, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần hai nhưng sau đó phải tạm hoãn để mời giám định viên. Tháng 7-2015, Tòa mở phiên xử sơ thẩm lần ba nhưng lại hoãn để trưng cầu giám định.
Bị cáo Lăng đứng thứ hai (từ trái qua). Ảnh: Nga Nga
Còn nhiều tình tiết mâu thuẫn cần làm rõ
Ngày 15-1 vừa qua, TAND tỉnh Bình Phước mở lại phiên xử sơ thẩm rồi lại hoãn để triệu tập giám định viên. Theo kết luận giám định mới nhất, tổn thương vùng đầu của nạn nhân là do vật tày tác động tạo ra. Chày bằng inox màu trắng (mẫu vật CQĐT gửi giám định) có thể tạo ra được thương tích này. Tuy nhiên, tại phiên xử ngày 2-2, giám định viên đã không khẳng định cái chày là nguyên nhân gây ra cái chết cho nạn nhân. Bị cáo Lăng cho rằng mình nhận tội vì bị điều tra viên T.N.T. đánh đập, ép cung.
Cùng lúc, các nhân chứng Nguyễn Trường Giang, Phạm Duy Thống cũng tố cáo bị điều tra viên mớm cung, đánh đập, hù dọa nên họ mới khai bất lợi cho Lăng. Thực tế họ không thấy Lăng đánh người.
HĐXX nhận định, theo bản tường trình của nhân chứng Chu Văn Hải Lưu thì người này chỉ nhìn thấy bị cáo Khu và Lương Văn Phòng (em trai của Khu) đánh anh Thức. “Từ khi tôi thấy Khu và Phòng đánh Thức cho đến khi Thức được đưa đi cấp cứu thì không có ai đánh Thức nữa”…, nhân chứng Lưu khai.
HĐXX nhận định ba ngày sau vụ án mạng, bị cáo Lăng đã có bản tường trình đầu tiên thừa nhận việc sử dụng chày inox đánh vào đầu nạn nhân. Trong ngày hôm đó, nạn nhân đã tử vong nghĩa là có dấu hiệu rõ ràng về tội giết người. Tuy nhiên khi đó công an huyện Bù Đăng lại khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích. Gần 6 tháng sau, VKSND huyện Bù Đăng mới chuyển vụ án hình sự này cho công an tỉnh.
Thêm nữa, theo kết luận giám định của công an tỉnh Bình Phước, các vết thương ở vùng thái dương trái và vùng đỉnh chẩm lệch phải của nạn nhân là bị tác động bởi vật tày phẳng. Trong khi đó, kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự thuộc Tổng cục Cảnh sát – Bộ công an chỉ cho biết vết thương bị tác động bởi vật tày, không khẳng định do chày inox gây ra. Tức là hai kết luận mâu thuẫn nhau.
Từ nhiều nghi vấn trên, Tòa yêu cầu phải làm rõ hành vi đánh đập nạn nhân của Khu và Phòng có phải là nguyên nhân chính, trực tiếp gây ra cái chết của bị hại hay không. Đồng thời làm rõ lời khai của bị cáo và các nhân chứng, cho rằng mình đã bị điều tra viên huyện Bù Đăng đánh đập, mớm cung. Vụ án vẫn tiếp tục kéo dài mà chưa có hồi kết.