Tòa "nương tay" với tài xế nhiều lần trộm cắp
Mặc dù đã hai lần lãnh án tội trộm cắp tài sản nhưng cựu tài xế hãng taxi VinaSun đã cố tình trộm cắp tài sản giá trị cao.
Ngày 8/8, TAND TP HCM xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo, chuyển 1 năm tù giam thành 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo Đỗ Tấn Đạt (SN 1981, ngụ huyện Bình Chánh) về tội trộm cắp tài sản.
Tòa nhận định mặc dù bị cáo Đạt có 2 tiền án tội trộm cắp nhưng đã được xóa án, mặt khác đã ra tự thú, khắc phục hậu quả,… nên phải cho bị cáo có cơ hội sửa sai, án treo cũng đã đủ tác dụng giáo dục.
Tại phiên tòa, đại diện VKSND TP HCM nhận định việc Đạt đột nhập vào nhà nạn nhân trộm nhiều tài sản là có động cơ, có kế hoạch rõ ràng nên đề nghị tuyên y án 1 năm tù, tuy nhiên HĐXX đã bác đề nghị này.
Đạt là tài xế taxi hãng Vinasun và đã hai lần bị tòa tuyên án tù về tội trộm cắp. Chiều 27/8/2012, Đạt lái xe chở gia đình anh Nguyễn Thành Sơn (ngụ phường Tân Quý, quận Tân Phú) đi dạo công viên. Trên đường đi, Đạt tình cờ nghe con gái anh Sơn nói rạng sáng mai sẽ lên máy bay đi du học nước ngoài. Từ đây, Đạt cố tình đậu xe taxi gần nhà anh Sơn để đợi con gái anh Sơn gọi xe Đạt chở ra sân bay.
Rạng sáng 28/8/2012, anh Sơn gọi taxi hãng Vinasun thì Đạt đã đậu sẵn trước cửa. Gia đình anh Sơn kêu Đạt chở ra sân bay Tân Sơn Nhất và chờ anh Tiễn con rồi chở về. Tuy nhiên Đạt từ chối và nói rằng có khách đang gọi.
Đạt lái xe đến nhà anh Sơn và dùng kềm cộng lực bẻ khóa, cuỗm đi một số tài sản như điện thoại Iphone, ipad, laptop, CPU, trang sức… với tổng trị giá được giám định 18 triệu đồng.
Sau đó, Đạt đem số tài sản vừa trộm được ra trung tâm quận 1 bán được 11 triệu đồng. Tuy nhiên, toàn bộ hành vi của gã tài xế gian manh đã được camera nhà bên cạnh ghi lại. Anh Sơn đã mang đoạn ghi hình kẻ trộm đột nhập vào nhà trình báo công an. Biết không thể thoát được nên Đạt ra trình diện công an.
Hành vi ra trình báo này được tòa cấp phúc thẩm là tự thú chứ không phải là đầu thú. Bản án được nhiều người dự khán đặt câu hỏi liệu cho một kẻ nhiều lần trộm cắp hưởng án treo có phải là một cách giáo dục tốt và thể hiện tính răn đe của pháp luật?