Tòa án lên tiếng vụ nữ giám đốc thuê người truyền HIV
Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị chuyển hồ sơ lên cấp tỉnh xử và cân nhắc việc giám định lại bà Đào Thị Thu Thảo, người chủ mưu vụ án.
Hiện trường phía cổng trường mầm non ở phường 8, TP Vũng Tàu, nơi cháu H. bị chích kim tiêm có máu của người bị nhiễm HIV. Ảnh: Song Nguyễn
Chiều 6.12, trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM về vụ án nữ giám đốc thuê người truyền HIV cho con người tình, ông Nguyễn Văn Hiến, Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết trong chiều cùng ngày, TAND tỉnh đã có văn bản gửi TAND TP Vũng Tàu. Theo đó, TAND tỉnh đề nghị TAND TP Vũng Tàu ra quyết định trả hồ sơ vụ án này cho VKSND TP Vũng Tàu để VKSND TP chuyển cho VKSND tỉnh truy tố các bị cáo ra xét xử tại TAND tỉnh.
Theo ông Hiến, qua thông tin báo chí về vụ án, liên quan đến việc xác định thẩm quyền xét xử, sau khi nghiên cứu các quy định của BLHS, các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn của TAND Tối cao về áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hai ý kiến.
Thứ nhất, tòa căn cứ Mục 3 Thông tư liên tịch số 02/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA (hướng dẫn thi hành Điều 7 BLHS 1999), Mục 2 Nghị quyết số 32/1999/QH10 của Quốc hội, hướng dẫn tại Công văn số 81/2002/TANDTC về việc giải đáp các vấn đề về nghiệp vụ. Theo đó, việc so sánh tội (điều luật) nặng hơn hay nhẹ hơn phải so sánh bằng các điều luật tương ứng quy định trong hai BLHS chứ không phải bằng các khoản cụ thể trong các điều luật tương ứng.
Do đó, so sánh Điều 118 BLHS 1999 và Điều 149 BLHS 2015 đều quy định về tội cố ý truyền HIV cho người khác thì cả hai điều luật này đều có mức hình phạt cao nhất là tù chung thân… Vì thế, hai điều luật (tội danh) nói trên là được giữ nguyên, bằng nhau.
Ngoài ra, tại Công văn số 327/TANDTC-PC ngày 7-11-2016 của TAND Tối cao về viện dẫn các điều khoản có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015 trong bản án, TAND Tối cao hướng dẫn: “… Kể từ ngày 1-7-2016, khi xét xử các trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo BLHS 1999, nếu có đủ căn cứ để xác định bị cáo có tội nhưng thuộc trường hợp được áp dụng quy định có lợi của BLHS 2015 thì trong phần “Xét thấy” của bản án, tòa án phải phân tích, so sánh, làm rõ các điều khoản tương ứng của hai bộ luật (BLHS 1999 và BLHS 2015); trong phần “Quyết định” của bản án, tòa án viện dẫn điều khoản của BLHS 1999, Nghị quyết số 144 của Quốc hội, khoản 3 Điều 7 và điều khoản có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015 làm căn cứ để quyết định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội”.
Theo hướng dẫn nêu trên thì các tình tiết phạm tội có tổ chức và phạm tội đối với người dưới 18 tuổi được quy định tại khoản 2 Điều 149 BLHS 2015 có khung hình phạt tù 7-15 năm là có lợi cho người phạm tội, so với khoản 2 Điều 118 BLHS 1999 có khung hình phạt tù 10- 20 năm hoặc tù chung thân. Quy định có lợi này sẽ được xem xét viện dẫn, áp dụng để quyết định hình phạt chứ không phải là căn cứ để xác định thẩm quyền xét xử của cấp tòa án.
Thứ hai, đây là vụ án có tính chất phức tạp, rất nghiêm trọng. Sau khi báo chí đăng tải, dư luận đã đặc biệt quan tâm, đòi hỏi phải làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan như xác định thẩm quyền xét xử, giám định lại kết luận giám định pháp y tâm thần…
“Nếu tiếp nhận hồ sơ vụ án, TAND tỉnh sẽ nghiên cứu hồ sơ, xem xét có hay không việc trưng cầu giám định lại kết luận giám định pháp y tâm thần đối với trường hợp bà Đào Thị Thu Thảo” - ông Hiến trao đổi thêm.