Tổ chức tội phạm "núp bóng" công ty luật: Nhân viên từng dọa cho nổ cả trường tiểu học ở Tiền Giang

Sự kiện: Tin pháp luật

Hà Thị Hiệp (SN 1990), nhân viên Công ty Luật TNHH Pháp Việt được giao việc đòi tiền khách hàng còn thiếu của một ngân hàng, đã gọi cho giáo viên yêu cầu ra nhận bình gas và dọa nếu không sẽ cho nổ cả trường.

Ngày 1/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đang tiếp tục làm rõ hành vi của tổ chức tội phạm do Trần Văn Châu (SN 1980) và Hồ Quốc Hùng (SN 1987, cùng là Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Pháp Việt, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) cầm đầu.

Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 5 bị can, gồm: Châu, Hùng, Nguyễn Thanh Hải (SN 1988, ngụ TP Hồ Chí Minh), Hà Thị Hiệp (SN 1990, ngụ tỉnh Thanh Hóa) và Nguyễn Đình Thành (SN 1990, ngụ tỉnh Quảng Nam) điều tra cùng về hành vi cưỡng đoạt tài sản, đồng thời đang làm rõ hành vi phạm tội của những người khác có liên quan đến tổ chức tội phạm này.

Trần Văn Châu, Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Pháp Việt - cầm đầu tổ chức tội phạm. Ảnh: Trọng Tín.

Trần Văn Châu, Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Pháp Việt - cầm đầu tổ chức tội phạm. Ảnh: Trọng Tín.

Công ty Luật TNHH Pháp Việt do Lê Thị Tuyết (SN 1985, ngụ TP Hồ Chí Minh) làm giám đốc. Châu và Hùng cùng làm Phó giám đốc và giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. Lê Thị Mỹ Duyên (SN 1994, ngụ TP Hồ Chí Minh) làm Trưởng bộ phận dân sự. Về mặt pháp lý, công ty thành lập mục đích kinh doanh trợ giúp pháp lý nhưng chỉ trá hình, nhận đòi nợ thuê cho một số tổ chức ngân hàng, tổ chức tài chính khi có yêu cầu.

Các đối tượng khai nhận tại Công ty Luật TNHH Pháp Việt có 15 nhóm đòi nợ, mỗi nhóm có nhóm trưởng theo dõi, đôn đốc, giám sát nhân viên. Mỗi nhân viên được công ty trả lương 6 triệu đồng/tháng, nếu đòi nợ được nhiều thì sẽ được trả thưởng. Kết quả đòi được nợ sẽ báo lên lãnh đạo, trưởng phòng của công ty để trả lương và trả thưởng.

Vụ việc được Công an Tiền Giang phát hiện, khám phá thành công sau quá trình xác minh tin báo tội phạm có dấu hiệu của hành vi khủng bố, cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại Trường tiểu học Phan Văn Kiêu ở thị xã Cai Lậy.

Theo điều tra, năm 2019, anh N.V.B. (SN 1986, ngụ thị xã Cai Lậy) vay của một ngân hàng số tiền 50 triệu đồng nhưng không có khả năng chi trả. Đến khoảng tháng 7/2022, ngân hàng này chuyển hợp đồng vay của anh B. qua cho Công ty Luật TNHH Pháp Việt để đòi thuê khoản nợ này.

Hải là trưởng nhóm quản lý 14 nhân viên, phụ trách đòi nợ, Hiệp là nhân viên trực tiếp đòi nợ. Hải và Hiệp khai nhận được công ty giao đòi nợ hợp đồng vay tiền của anh B.

Thời gian đầu, Hiệp điện thoại de dọa đòi giết con, người thân của anh B. Lo sợ, anh B. đã trả cho ngân hàng số tiền 10 triệu đồng. Do anh B. không tiếp tục trả nợ, Hiệp sử dụng nhiều số điện thoại nhắn tin, gọi điện đe dọa anh B. và gia đình. Hiệp và Hải sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để truy tìm thông tin người thân của anh B. Sau đó, Hiệp có được thông tin con gái của anh B. sinh năm 2014 và đang học tại Trường tiểu học Phan Văn Kiêu.

Hiệp sử dụng 3 số điện thoại di động gọi điện, nhắn tin cô chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu cho cháu bé nghỉ học để gia đình giải quyết nợ. Hiệp còn đe doạ nếu không chấp nhận yêu cầu trên, sẽ không để yên cho gia đình các giáo viên.

Ngày 27/10/2022, Hiệp tiếp tục gọi cho cửa hàng gas ở thị xã Cai Lậy và yêu cầu giao bình gas đến Trường tiểu học Phan Văn Kiêu và điện thoại cho cô giáo ra nhận nếu không sẽ cho nổ cả trường.

Ban giám hiệu nhà trường đã trình báo cơ quan Công an. Sau khi xác minh, Công an thị xã Cai Lậy đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang, thụ lý theo thẩm quyền.

Hà Thị Hiệp gọi điện thoại cho giáo viên yêu cầu ra nhận bình gas và dọa nếu không sẽ cho nổ cả trường. Ảnh: Thanh Việt. 

Hà Thị Hiệp gọi điện thoại cho giáo viên yêu cầu ra nhận bình gas và dọa nếu không sẽ cho nổ cả trường. Ảnh: Thanh Việt. 

Như Báo CAND đã thông tin, sau khi báo cáo và được Lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự đồng ý, ngày 14/2, dưới sự phối hợp, hỗ trợ của Cục Cảnh sát hình sự và Công an TP Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động hơn 120 cán bộ, chiến sĩ tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt tại TP Hồ Chí Minh.

Cơ quan Công an đã thu giữ: 233 CPU máy tính bàn, 4 laptop, trên 300 điện thoại di động và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động khủng bố, cưỡng đoạt tài sản, đồng thời triệu tập làm việc 133 đối tượng có liên quan, phát hiện có nhiều dữ liệu điện tử, tin nhắn có nội dung liên quan đến việc đòi nợ.

Ngày 20/2, Cơ quan CSĐT đã khởi tố và ra lệnh tạm giam đối với Hải (trưởng nhóm) và Hiệp - là đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khủng bố tại Trường Tiểu học Phan Văn Kiêu để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Cùng ngày, Cơ quan CSĐT đã ra lệnh tạm giữ hình sự khẩn cấp đối với 13 đối tượng khác và đang củng cố chứng cứ truy bắt các đối tượng có liên quan.

Ngày 22/2, Cơ quan CSĐT đã tiếp tục khởi tố và ra lệnh tạm giam đối với Châu, Hùng và Thành (Trưởng phòng kiêm nhóm trưởng). Tại cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng khai nhận đây là tổ chức tội phạm hoạt động “núp bóng” công ty tư vấn luật, có quan hệ hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý, do Châu và cầm đầu.

Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang - Trưởng ban chuyên án chỉ đạo các lực lượng làm nhiệm vụ khám xét tại trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt. Ảnh: Trọng Tín.

Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang - Trưởng ban chuyên án chỉ đạo các lực lượng làm nhiệm vụ khám xét tại trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt. Ảnh: Trọng Tín.

Các đối tượng đều không có văn bằng chuyên ngành luật, mà chỉ thuê một người đứng tên đăng ký pháp nhân công ty. Tổ chức tội phạm này có sự phân công cụ thể từng công việc cho nhân viên công ty thông qua trưởng phòng và các nhóm trưởng. Trung bình mỗi tháng, công ty nhận từ các ngân hàng, công ty tài chính 141.000 đến 241.000 hợp đồng vay tiền của các khách hàng chưa trả được để phân chia cho các nhân viên công ty đòi nợ bằng hình thức đe dọa, khủng bố.

Đến thời điểm bị bắt giữ, tổ chức này đã thu đòi được gần 1.000 tỷ đồng. Công ty được các ngân hàng và công ty tài chính trả cho từ 25% đến 35% trên tổng số tiền thu được. Số tiền này, Ban giám đốc công ty trả lương cho nhân viên và mua các công cụ, phương tiện phục vụ việc đe dọa, khủng bố khách hàng còn nợ tiền.

Với lợi nhuận rất lớn từ hành vi cưỡng đoạt tài sản nêu trên, các đối tượng này không từ một thủ đoạn nào để buộc nạn nhân phải trả tiền. Bước đầu, Cơ quan CSĐT đã xác định được hàng nghìn bị hại trên phạm vi cả nước.

3 triệu người là nạn nhân của nhóm đòi nợ thuê núp bóng công ty Luật

Có khoảng 3 triệu người ở các tỉnh, thành là nạn nhân của tổ chức đòi nợ thuê núp bóng Công ty luật Pháp Việt do Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng cầm đầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Vĩnh ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN