Tinh vi thủ đoạn lừa đảo trên internet

Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, các thủ đoạn lừa đảo trên mạng cũng ngày càng trở lên tinh vi, khó lường. Điểm chung của loại tội phạm này là có kiến thức nhất định về khoa học kỹ thuật, thông tin. Chúng cấu kết với nhau tổ chức lừa đảo có tính chất xuyên quốc gia.

Tràn lan lừa đảo qua mạng

Một trong những thủ đoạn kiếm tiền phổ biến nhất của tội phạm công nghệ cao, đó là lừa đảo trên mạng bằng thẻ tín dụng. Theo đánh giá của đại diện Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (CSPCTP) sử dụng công nghệ cao, trong năm 2012 các hoạt động lừa đảo này diễn biến vô cùng phức tạp. Hàng loạt vụ án lớn đã được lực lượng công an phát hiện, bắt giữ. Có thể kể tới thủ đoạn làm giả thẻ tín dụng để đánh cắp tài khoản ngân hàng rồi từ đó chuyển tiền vào tài khoản của bản thân. Nhiều đối tượng còn cao tay hơn khi mua hàng từ nước ngoài rồi chuyển về Việt Nam qua tài khoản của người khác mà chủ nhân của tài khoản không hề hay biết. Điển hình như đối tượng Nguyễn Đình Thuần ở Hà Nội. Có hiểu biết về công nghệ thông tin, Thuần đã cùng với 14 đối tượng đột nhập tài khoản thẻ tín dụng của những người nước ngoài và từ đó đặt mua hàng chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Chỉ trong một thời gian ngắn, đối tượng đã chuyển được 600 đơn hàng khác nhau, với số tài sản chiếm đoạt lên tới hàng tỷ đồng.

Con số hàng chục nghìn nạn nhân khắp cả nước với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng chục triệu USD đã phần nào nói lên được tính chất phức tạp, lừa đảo đặc biệt nghiêm trọng của Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á gây ra. Lợi dụng sự cả tin của người dân, nhóm đối tượng chủ chốt của Diamond Holiday đã tổ chức bán hàng đa cấp, “du lịch được thêm tiền” qua mạng, lôi kéo, dụ dỗ với những lời hứa lợi nhuận để bỏ túi hơn 70 tỷ đồng. Cho đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ít nhất 5 đối tượng và tiếp tục điều tra mở rộng ra nhiều tỉnh thành, thu hồi tài sản cho bị hại. Tinh vi hơn Diamond Holiday là hình thức bán hàng đa cấp dưới vỏ bọc sàn thương mại điện tử của Công ty cổ phần trực tuyến MB24. Hoạt động tinh vi, kín kẽ, có phân cấp cụ thể và “trói” quyền lợi, nghĩa vụ của từng thành viên tham gia nên chỉ trong một thời gian ngắn, chiếc vòi bạch tuộc của MB24 đã vươn ra khắp cả nước. Hàng trăm tỷ đồng của người dân đã chảy vào túi những kẻ lừa đảo.

Đến tội phạm xuyên quốc gia

Cũng theo Tổng cục CSPCTP, không dừng lại ở những “sàn giao dịch điện tử” và bán hàng đa cấp, tội phạm công nghệ cao còn lan sang tất cả các lĩnh vực khác trong đó có đánh bạc, cá độ trực tuyến. Ngoài những trang web đánh bạc do người Việt Nam lập ra, các đối tượng phạm tội người nước ngoài còn liên tục tạo ra các trang mạng cá cược trực tuyến, lôi kéo người chơi. Chúng cấu kết với nhau tạo thành những đường dây đánh bạc lớn, xuyên quốc gia. Số con bạc bị lôi kéo và tham gia vào hoạt động này lên tới hàng trăm nghìn người và đi cùng với đó là một số lượng lớn ngoại tệ chảy ra nước ngoài. Chỉ trong mùa Euro 2012, Cục CSPCTP sử dụng công nghệ cao đã ngăn chặn hàng trăm trang web đánh bạc nước ngoài; phối hợp với công an các địa phương khám phá nhiều vụ đánh bạc lớn.

Do tính chất “mở” của mạng internet, công nghệ thông tin, hệ thống truyền dẫn nên các đối tượng chỉ cần ngồi một chỗ cũng có thể gây án ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều đối tượng tội phạm công nghệ cao người nước ngoài đã xâm nhập vào Việt Nam, tiến hành các hoạt động lừa đảo, gây án. Bị hại không chỉ là người dân mà còn là doanh nghiệp, ngân hàng lớn.

Vào cuối tháng 12/2012 vừa qua, sau khi nhận được thông tin yêu cầu hỗ trợ, phối hợp từ phía công an Trung Quốc điều tra về một ổ nhóm lừa đảo hàng chục doanh nghiệp, cá nhân ở Trung Quốc, Tổng cục CSPCTP đã giao cho Cục CSPCTP sử dụng công nghệ cao cùng với Công an TP Hồ Chí Minh… bắt giữ 12 đối tượng vi phạm. Băng nhóm này đều là người Trung Quốc, Đài Loan, xâm nhập vào Việt Nam dưới con đường du lịch rồi thuê một căn biệt thự trên đường 30 phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân để hoạt động. Thông qua mạng Internet, bọn chúng đánh cắp thông tin của các cá nhân, doanh nghiệp rồi dùng điện thoại VoiIP gọi sang Trung Quốc, Đài Loan để lừa đảo. Không chỉ vậy, nhóm này còn phân công thành viên giả danh công an, kiểm sát hoặc cán bộ tòa án của phía Trung Quốc để gọi điện đe dọa nạn nhân bắt phải nộp tiền vào tài khoản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phong (An Ninh Thủ Đô)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN