Thuê ô tô và những thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt

Các đối tượng thuê ô tô thường sử dụng những thủ đoạn tinh vi để làm giả giấy tờ rồi cầm cố, bán; chủ xe bao giờ cũng bị thiệt dù kẻ lừa đảo đã sa lưới.

Ngày 19/11, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM thông báo truy tìm Đỗ Thị Yến Nhi (SN 1987; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM), Hứa ViNa (SN 1982; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM), Đoàn Văn Hớn (SN 1969, quê Đồng Tháp) và một người tên Nhứt (chưa rõ lai lịch) để làm rõ về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Liên quan đến vụ việc, 3 đối tượng khác trong băng lừa đảo này đã bị bắt giữ gồm: Trần Thị Dung (SN 1964, quê Long An), Trần Thị Bạch Tuyết (SN 1960, quê Sóc Trăng) và Võ Công Văn (SN 1988, ngụ quận Bình Thạnh).

Thuê xe đi chùa rồi đem cầm cố

Sau khi bàn bạc và phân công kế hoạch cụ thể, ngày 5/5, Hứa ViNa kêu Tuyết dán hình của mình vào một giấy CMND rồi đưa thêm cho Tuyết một bản chính sổ hộ khẩu mang tên Nguyễn Thị Nguyễn Nở (SN 1961; ngụ quận 6, TP HCM).

Sau đó, ViNa gọi điện thoại cho anh Nguyễn Văn Tèo (SN 1970; ngụ quận 8, TP HCM) hỏi thuê ô tô tự lái đi chùa ở Châu Đốc, An Giang. Anh Tèo cho biết giá thuê là 800.000 đồng/ngày và thế chân bằng CMND, hộ khẩu, giấy phép lái ô tô cùng 1 chiếc xe máy trị giá 20 triệu đồng trở lên.

Thuê ô tô và những thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt - 1

 Một số đối tượng trong băng nhóm chiếm đoạt ô tô của anh Nguyễn Văn Tèo
(Ảnh do cơ quan điều tra cung cấp)

Khuya 6/5, anh Tèo lái ô tô Innova đến điểm hẹn ở giao lộ Lò Siêu - 3 Tháng 2 (quận 10) để giao xe cho ViNa. Khi thấy các giấy tờ cần thiết đã đủ, anh Tèo lập hợp đồng và giao ô tô cho nhóm Tuyết. Khi anh Tèo vừa đi khỏi, nhóm Tuyết lái xe đến giao lộ Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng bàn bạc kế hoạch đem bán.

Do biết trên xe có định vị nên ViNa mướn tài xế lái đi Châu Đốc rồi vòng về TP HCM. Sau đó, băng này mang xe lên Lâm Đồng cầm cố được 170 triệu đồng chia nhau tiêu xài.

Tối 7/5, qua theo dõi định vị, anh Tèo vẫn còn thấy xe lưu thông theo hướng từ Lâm Đồng xuống Nha Trang (Khánh Hòa) nhưng đến khoảng 23 giờ thì mất tín hiệu. Biết có chuyện chẳng lành, anh Tèo đến địa chỉ trong sổ hộ khẩu thì gia đình này cho biết đã bị mất sổ hộ khẩu từ lâu. Liên lạc với nhóm thuê xe không được, anh Tèo liền đến công an trình báo.

Cần ký hợp đồng tại cơ quan công chứng

Từng bị lừa 2 chiếc ô tô trị giá gần 1 tỉ đồng, chị Nguyễn Thanh Thảo (SN 1970; ngụ quận 7, TP HCM) rơi vào cảnh khó khăn. Chị chia sẻ: “Nhà tôi có 2 ô tô cho thuê, do mất cảnh giác nên bị một băng lừa đảo đem giấy tờ giả đến ký hợp đồng. Sau khi mất định vị, tôi không liên lạc được thì biết đã bị lừa lấy xe”.

Khi chiếc xe đầu tiên bị mất, chị Thảo đã rất cẩn thận và dặn dò kỹ tài xế lúc ký hợp đồng chothuê xe. Tuy nhiên, do một phút lơ là, chiếc xe thứ hai cũng bị mất theo như kịch bản cũ. “Sau khi mất 2 chiếc ô tô trong một thời gian ngắn, tôi giải nghệ luôn. Khi băng nhóm lừa đảo sa lưới, tòa tuyên bồi thường nhưng tôi đi tới đi lui yêu cầu thi hành án cũng trầy trật mà đến nay vẫn chưa thu hồi được đồng nào” - chị Thảo nói.

Cũng rơi vào cảnh tương tự, sau khi bị H. (một người quen) thuê ô tô giá 12 triệu đồng/tháng rồi chiếm đoạt, anh Nguyễn Văn Ngọc (SN 1979, ngụ quận Bình Thạnh) phải nhờ luật sư tư vấn để đòi xe. Được biết, sau khi thuê xe của anh Ngọc, H. đem bán cho một người khác lấy số tiền không nhỏ. May mắn, một buổi sáng, anh Ngọc đang đi làm thì thấy chiếc xe của mình đậu ven đường nên dùng chìa khóa dự phòng mở khóa rồi lái về nhà.

Cùng với đơn tố cáo bị chiếm đoạt xe, sau khi lấy lại được tài sản, anh Ngọc đã trình báo sự việc vớicơ quan công an.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM), người cho thuê thường bị thiệt hại nhiều nhất khi người đi thuê có chủ ý chiếm đoạt từ trước như làm giả các giấy tờ… Vì vậy, cần phải có sự xác minh về nơi ở, nhân thân trước khi cho thuê các tài sản lớn đối với người lạ.

“Kỹ càng hơn, cần ký kết hợp đồng thuê tại cơ quan công chứng, nơi có nghiệp vụ kiểm tra giấy tờ nhân thân cũng như thể hiện sự xác nhận hai bên một cách rõ ràng trong nội dung hợp đồng” - luật sư Công khuyến cáo.

Gây khó cho công tác điều tra

Theo VKSND TP HCM, dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo về phương thức, thủ đoạn cũng như nhiều vụ án được đưa ra xét xử nhưng các chủ xe vẫn bị nhiều đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn. VKSND TP HCM cho biết phương thức và thủ đoạn của các nhóm lừa đảo rất tinh vi, hoạt động có dự mưu, có tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể và sử dụng giấy tờ nhân thân giả, sau khi chiếm đoạt được tài sản thì bỏ trốn khắp nơi gây khó khăn cho công tác điều tra.

Theo một điều tra viên Công an quận 10, TP HCM, trên địa bàn quận cũng xảy ra 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm 6 ô tô trị giá gần 6 tỉ đồng.

Vụ thứ nhất, đối tượng Nguyễn Thị Thanh Tâm (SN 1971, ngụ quận 11) đã cấu kết với Lê Thị Ngọc Hạnh (SN 1962, chị của Tâm) và Nguyễn Văn Thành chiếm đoạt 5 ô tô trị giá 5,48 tỉ đồng đem đến An Giang cầm cố lấy tiền tiêu xài. Hiện các xe này đã được thu hồi nhưng Tâm thì bỏ trốn.

Vụ thứ hai, Bùi Thị Diễm (SN 1983, ngụ quận Thủ Đức) và Lê Hồng Vương (SN 1982, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã cấu kết với nhau thuê ô tô của bà Huỳnh Hạnh (SN 1965, ngụ quận Bình Thạnh) rồi bỏ trốn.

Cơ quan CSĐT TP HCM đang truy nã Nguyễn Thị Thanh Tâm và Công an quận 10 đang truy nã Bùi Thị Diễm, Lê Hồng Vương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Dũng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN