Thủ đoạn của 2 gã lưu manh chuyên dàn cảnh “săn mồi” phụ nữ đi xe máy trên đường
Có tới 6 tiền án cộng với bản chất lưu manh, Phạm Văn Thắng và Cao Hữu Hùng đã lên kế hoạch trộm cắp tài sản. Các đối tượng gây án giữa ban ngày bằng thủ đoạn dàn cảnh không hề mới, nhưng sự táo tợn thể hiện ở việc mang theo dao bầu để sẵn sàng chống trả khi bị lực lượng chức năng hoặc người dân phát hiện.
Hai đối tượng Phạm Văn Thắng (trái) và Cao Hữu Hùng
Mã tầm mã…
Năm 2003, Phạm Văn Thắng (SN 1960, trú tại phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Cao Hữu Hùng (SN 1968, trú tại phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) cùng thụ án tù tại Trại giam Thanh Cẩm (Bộ Công an). Những câu chuyện về cuộc đời cùng “chiến tích” vào tù ra tội được cả hai chia sẻ khiến mối quan hệ ngày trở nên thân thiết.
Một giao kèo đã được Phạm Văn Thắng và Cao Hữu Hùng bàn bạc, thống nhất và chỉ chờ ngày thực hiện. Khi ra tù, thay vì tu chí làm lại cuộc đời thì cặp bạn tù này lại tìm đến nhau. Với những bàn tính trước đó, các đối tượng lên kế hoạch cùng nhau đi trộm cắp tài sản. Thắng bàn với Hùng vờ dàn cảnh va chạm tại các nút đèn tín hiệu giao thông, sau đó lợi dụng “con mồi” sơ hở thì trộm cắp và được gã bạn tù đồng ý.
“Thực tế, nhiều chị em phụ nữ có thói quen điều khiển xe máy treo túi xách ở giữa. Theo phản xạ, khi bị đụng từ phía sau, người điều khiển sẽ ngoái lại và đây là lúc kẻ trộm ra tay...” - Trung tá Lê Kim Đồng, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm trên tuyến, Phòng Cảnh sát hình sự (CATP Hà Nội) cho biết.
Là những kẻ lưu manh nên cả Phạm Văn Thắng và Cao Hữu Hùng đều rất manh động, liều lĩnh. Bằng chứng là trước khi gây án, cả hai nhất trí mang theo dao bầu ở hốc xe máy để dễ bề hành động. Quá trình gây án, nếu bị phát hiện thì dù là công an, nạn nhân hay người dân, chúng sẽ dùng dao chống trả với suy nghĩ “được ăn cả, ngã về không”.
Tinh vi hơn, để tránh sự theo dõi của công an, Phạm Văn Thắng và Cao Hữu Hùng thường xuyên thay đổi nơi thuê trọ và biển kiểm soát xe máy. Cặp đôi còn mang sẵn quần áo, mũ, khẩu trang trong cốp xe phòng khi cần thiết sẽ hóa trang và “cắt đuôi” nếu bị truy đuổi. Trung tá Lê Kim Đồng đánh giá: “Hành tung của các đối tượng khá tinh vi, không sử dụng thường xuyên một phương tiện hay một trang phục khiến việc trinh sát gặp rất nhiều khó khăn”.
“Con mồi” mà Phạm Văn Thắng và Cao Hữu Hùng nhắm tới đa phần là phụ nữ đi xe máy một mình. Lý do là bởi nhóm người này có khả năng quan sát kém, thậm chí nhiều người mặc quần áo chống nắng rườm rà dẫn tới việc xử lý tình huống không linh hoạt. Địa bàn hoạt động của cặp đôi này tập trung vào các quận lõi của Thủ đô, nhất là vào các khung giờ cao điểm để dễ bề trà trộn mà không bị phát hiện.
“Vì các đối tượng rất manh động nên chỉ cần bị nạn nhân phát hiện hô hoán là chúng sẵn sàng ra tay. Trên thực tế, đã có nhiều vụ án ban đầu chỉ là trộm cắp, nhưng diễn biến cuối cùng lại trở thành giết người cướp của. Chính vì vậy, phương án mà chúng tôi đặt ra là phải hết sức cẩn trọng, vừa đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ vây bắt, vừa không để ảnh hưởng đến người tham gia giao thông cũng như bị hại. Đó cũng là lý do trinh sát được cử theo vụ này cũng phải là những cán bộ giỏi về nghiệp vụ để đối phó trong mọi tình huống” - chỉ huy Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm trên tuyến phân tích.
Những con dao chọc tiết lợn của các đối tượng mang theo để chống trả khi bị phát hiện
Không thoát
Theo Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội, quá trình lần theo dấu vết tội phạm, thu thập tài liệu, chứng cứ về hai đối tượng Phạm Văn Thắng và Cao Hữu Hùng gặp nhiều khó khăn. Bị hại trong các vụ án hầu như không xác định được thời điểm, địa điểm mất trộm. Có người vì tâm lý ngại ngần, có thể do tài sản bị mất không lớn, nên cũng không trình báo. Chính vì thế việc dựng chân dung của tội phạm khá gian nan.
Suốt một thời gian dài, trinh sát phải thay nhau theo dõi và cũng nhiều lần mất dấu đối tượng khi di chuyển trên những tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao. Là lưu manh chuyên nghiệp nên Phạm Văn Thắng và Cao Hữu Hùng chỉ cần nghi ngờ bị trinh sát theo dõi là chúng sẽ rút lui.
“Đối phó với loại tội phạm như Thắng và Hùng không chỉ đòi hỏi sự nhanh nhạy, khéo léo mà còn phải kiên trì. Nhiều lần gây án khiến các đối tượng trở nên tinh quái với các chiêu trò đối phó khiến trinh sát phải mất nhiều thời gian hơn” - Trung tá Lê Kim Đồng kể.
Sáng 7-1-2023, Phạm Văn Thắng điều khiển xe máy mang BKS: 29Y4-85xx xuất phát từ nơi ở tại ngõ 100 phố Kim Ngưu, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng để đón Cao Hữu Hùng cùng đi gây án. Nhận được tin báo từ trinh sát, Phòng Cảnh sát hình sự đã triển khai các mũi công tác theo sát.
Thắng và Hùng phóng xe xuyên qua các tuyến phố Bạch Mai - Lê Thanh Nghị - Giải Phóng - Thanh Nhàn - chùa Quỳnh - Quỳnh Mai - Kim Ngưu (thuộc địa phận quận Hai Bà Trưng) để “săn mồi” mà không ngờ đã bị trinh sát đưa vào tầm ngắm. Đúng lúc này, bọn chúng phát hiện phía trước có một phụ nữ điều khiển xe máy một mình, túi xách treo ở giữa nên lập tức đuổi theo. Phát hiện được ý đồ của hai đối tượng, các mũi trinh sát áp sát, kiên quyết không để Thắng và Hùng có cơ hội gây án.
Nút giao thông Kim Ngưu - Thanh Nhàn thời điểm đó khá đông. Nạn nhân vừa dừng trước đèn đỏ thì bất chợt bị Phạm Văn Thắng húc xe từ phía sau. Theo phản xạ, người phụ nữ ngoái lại nhìn thì Cao Hữu Hùng nhanh tay lấy trộm luôn chiếc túi xách. Khi tên gian chưa kịp tẩu thoát thì các trinh sát đồng loạt lao tới khống chế. Biết bị công an vây bắt, cả Thắng và Hùng đều rút dao chống trả quyết liệt, nhưng không thoát. Và một lần nữa, đôi bạn tù lại trở lại phía sau song sắt.
“Thực tế, nhiều chị em phụ nữ có thói quen điều khiển xe máy treo túi xách ở giữa. Theo phản xạ, khi bị đụng từ phía sau, người điều khiển sẽ ngoái lại và đây là lúc kẻ trộm ra tay...” - Trung tá Lê Kim Đồng, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm trên tuyến, Phòng Cảnh sát hình sự (CATP Hà Nội) cho biết. |
Mỗi lần thực hiện hành vi cướp tài sản, đối tượng Vũ Kỳ Anh thường nhằm vào… “vòng 1” của chị em phụ nữ, khiến bị hại vừa sợ hãi, vừa xấu hổ.
Nguồn: [Link nguồn]