Thoát tội nhờ không giám định được

Sự kiện: Tin pháp luật

Hoạt động giám định tư pháp hình sự đang gặp nhiều vướng mắc, bất cập, có kẽ hở để tội phạm thoát, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng...

Thoát tội nhờ không giám định được - 1

Theo hồ sơ, NVĐ (ngụ TP Nha Trang, Khánh Hòa) bị phát hiện trộm cắp hàng trăm ngàn kWh điện. Khi công an vào cuộc, Đ. thừa nhận trộm cắp điện và chủ động bồi thường cho công ty điện lực gần 1 tỉ đồng.

Nghi can nhận tội, CQĐT cũng bó tay

CQĐT Công an TP Nha Trang đã khởi tố vụ án trộm cắp tài sản theo Điều 138 BLHS, đồng thời trưng cầu giám định số điện năng mà Đ. đã trộm. Tuy nhiên, Trung tâm Giám định đã không thể cho ra kết quả vì không xác định được thời gian và số lượng điện năng mà Đ. lấy trộm. Điện năng là tài sản vô hình, việc đo đếm cụ thể số lượng không hề dễ dàng. Vì vậy, sau đó CQĐT chỉ có thể xử phạt hành chính Đ. bởi với hành vi trộm cắp, phải định giá tài sản bị trộm thì mới định tội được.

Tương tự, mới đây VKSND huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã không đồng ý khởi tố vụ trộm 116 trứng vích ở Vườn quốc gia Côn Đảo vì khó định giá.

Theo hồ sơ, chiều 17.6, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo tuần tra, phát hiện PVT đang dùng xe máy vận chuyển 116 quả trứng vích (loài vích có tên khoa học là Chelonia mydas, thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ). Làm việc với cơ quan chức năng, T. khai đã lẻn vào Vườn quốc gia Côn Đảo trộm trứng vích.

Công an huyện Côn Đảo đề nghị khởi tố T. về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Điều 190 BLHS. Sau khi tham khảo ý kiến của VKS cấp trên, VKSND huyện Côn Đảo cho rằng trứng vích là sản phẩm của động vật, theo quy định hiện hành muốn xử lý hình sự thì sản phẩm phải trị giá từ 50 triệu đồng trở lên. Trong khi đó, hiện việc giám định rất khó khăn vì trứng vích không phải là sản phẩm tiêu thụ bình thường trên thị trường, không có sản phẩm cùng loại để định giá. Vì vậy, VKS huyện đã không đồng ý xử lý hình sự T.

Thoát tội nhờ không giám định được - 2

Cơ quan tố tụng quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) từng gặp khó khăn vì khâu giám định thịt, xương voọc chà vá chân nâu. Ảnh: T.TÀI

Mỗi lần giám định là một kết quả

Không thể khởi tố người có hành vi phạm tội vì không định giá được tài sản bị chiếm đoạt là một bất cập lớn. Nhưng nhiều vụ giám định được rồi, cơ quan tố tụng lại nhức đầu vì các kết quả giám định quá khác nhau.

Chẳng hạn vụ cố ý gây thương tích của HTAB (ngụ Thừa Thiên-Huế). Theo hồ sơ, trong một lần cãi vã, xô xát, chú ruột B. đã đấm liên tiếp vào mặt NVT rồi bỏ chạy, B. thì dùng dao đâm một nhát vào lưng T. và vung dao trúng mi mắt của T. Nạn nhân được giám định tại Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên-Huế với tỉ lệ thương tật là 32% tạm thời nên CQĐT Công an TP Huế đã khởi tố chú cháu B. về tội cố ý gây thương tích.

Hai tháng sau Trung tâm Pháp y tỉnh giám định lại lần 2 thì ra thương tật của nạn nhân là 37%. Gia đình hai bị can yêu cầu giám định lại. Bốn tháng sau, cũng chính trung tâm pháp y này giám định lại lần 3 thì ra thương tật chỉ còn 3%.

Thấy cùng một trung tâm giám định nhưng ba lần giám định cho ra ba kết quả khác nhau, CQĐT đã trưng cầu Viện Pháp y Quốc gia giám định lại lần 4 và cơ quan này kết luận nạn nhân bị thương tật 4%. Từ kết quả này, cộng với việc nạn nhân có đơn xin rút yêu cầu khởi tố, CQĐT đã đình chỉ điều tra đối với chú cháu B.

Tuy nhiên, VKSND tỉnh Thừa Thiên-Huế không đồng ý, cho rằng phải lấy kết quả giám định đầu tiên (tỉ lệ thương tật 32%) mới đúng nên hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can. Tháng 3-2014, vụ án này được phục hồi điều tra. Sau đó, TAND TP Huế đã xét xử, phạt chú cháu B. mỗi người 30 tháng tù.

Cần sửa luật

Theo nhiều chuyên gia, nước ta đã có Luật Giám định tư pháp 2012 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2013). Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động giám định vẫn còn nhiều bất cập như trên, chưa kể kết quả giám định thường có rất chậm, có khi vài tháng hoặc cả năm, gây ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng. Do vậy, đã đến lúc cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật nhằm tháo gỡ các vướng mắc.

Để khắc phục chuyện một vụ án có nhiều kết quả giám định khác nhau (chủ yếu là án xâm hại sức khỏe), ông Phan Văn Sơn (Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng) đề nghị bổ sung quy định theo hướng cơ quan tố tụng phải căn cứ vào kết quả của cơ quan giám định cấp cao nhất. Mặt khác, nếu có thắc mắc trong giám định thì cơ quan tố tụng yêu cầu giám định viên giải thích rõ...

Trong khi đó, Thẩm phán Đặng Ánh (Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng) lại đề nghị bổ sung quy định theo hướng phải căn cứ vào kết quả giám định đầu tiên bởi nó thể hiện đúng bản chất nhất về thương tật của nạn nhân. “Tuy nhiên, nếu kết quả giám định sau chênh lệch quá nhiều với kết quả giám định ban đầu thì cần phải triệu tập giám định viên để giải thích và phân tích làm rõ” - ông Ánh nói.

Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì đề xuất: “Luật cần bổ sung quy định chặt chẽ hơn về vấn đề giám định lại, giám định bổ sung”. Theo ông, trong nhiều vụ án ông thấy cơ quan tố tụng chấp nhận cho giám định lại nhưng khi có kết quả giám định mới thì vẫn sử dụng kết quả giám định cũ. Như vậy, việc trưng cầu giám định lại chỉ mang tính hình thức, vừa lãng phí vừa làm chậm tiến độ giải quyết án, vừa không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên.

Chờ “gỡ rào” mới khởi tố được

Tháng 3.2015, Vi Văn Sơn, Vi Văn Hoàng vào Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Đà Nẵng) dựng lán trại, đặt bẫy thú, sát hại nhiều con voọc chà vá chân nâu (nhóm IB, nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới) rồi sấy khô thịt, bó xương phơi trên giàn bếp.

CQĐT Công an quận Sơn Trà đã ra quyết định khởi tố Sơn, Hoàng về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Điều 190 BLHS nhưng VKS quận không phê chuẩn. Theo VKS, theo Điều 21 Nghị định 157/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản)thì giá trị của tang vật thu giữ thuộc nhóm IB phải trên 100 triệu đồng mới xử lý hình sự. Do đó, CQĐT phải định giá xem số thịt, xương voọc chà vá chân nâu thu giữ được trị giá bao nhiêu mới có phương án xử lý. Tuy nhiên, khi qua giai đoạn định giá thì CQĐT “bó tay”.

Vụ án bế tắc cho tới khi Chính phủ ban hành Nghị định 40/2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 157/2013). Theo Nghị định 40/2015, việc xử lý hành vi săn, bẫy, giết, vận chuyển, buôn bán… trái phép động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ sẽ không còn áp dụng theo Nghị định 157/2013, tức không phụ thuộc vào giá trị tang vật thu được. Nhờ thế CQĐT Công an quận Sơn Trà mới khởi tố được Sơn và Hoàng (được VKS quận phê chuẩn).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tấn Tài (Pháp luật TP.HCM)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN