Thoát án tử nhờ... con: Phút trải lòng
Thoát án "dựa cột" một cách đầy bất ngờ, Thanh vui mừng khôn xiết và quyết tâm cải tạo tốt. Sau 2 lần được giảm án, Thanh đang có cơ hội được trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Buôn ma túy lớn và bị kết án tử hình, nhưng may cho Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1973, trú tại phường Cửa Nam, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) là thời điểm đó, Bộ luật Hình sự có thay đổi khi các nữ phạm nhân đang mang bầu hoặc có con dưới 36 tháng tuổi được hoãn thi hành án, chuyển sang hạn tù chung thân.
Hệ lụy từ "gia đình ma túy"
Không ai bất ngờ khi Nguyễn Thị Thanh bị bắt vì buôn bán ma túy, bởi tìm hiểu lý lịch thì được biết, Thanh là em gái của Nguyễn Chiến Thắng, còn gọi là "Thắng béo" (SN 1965), trú tại phường Cửa Nam, TP.Vinh (Nghệ An), một "trùm" ma túy xuyên quốc gia đã bị kết án tử hình.
Theo lời kể của Thanh: Mặc dù đã từng tốt nghiệp trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội nhưng khi ra trường, Nguyễn Chiến Thắng trở nên lạc lối và chọn con đường làm giàu bằng cách buôn bán ma túy. Bước vào thế giới này không lâu, Thắng cầm đầu đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, chủ yếu là từ Lào về Việt Nam.
Năm 2003, Nguyễn Chiến Thắng bị truy nã về tội buôn bán ma túy. Sau lệnh truy nã của Cục C17, đến lượt Interpol cũng phát lệnh truy nã đỏ. Quá trình điều tra, người ta càng sốc, khi các thành viên trong nhà Chiến, hầu hết đều có liên quan đến "cái chết trắng".
Bà Bùi Thị Hường, mẹ của Thắng "dính" vào ma túy từ khi Thắng còn là cậu học sinh cấp 2. Mẹ Thắng nổi danh khi có một thành tích bất hảo là 5 lần vào ra trại giam vì buôn bán ma túy.
Cậu em trai của Nguyễn Chiến Thắng là Nguyễn Đình Lợi cũng lĩnh án tử hình trong phi vụ vận chuyển 7, 2 kg ma túy do Công an Hà Tĩnh điều tra. Em trai của vợ Thắng có tên là Xỏn Phăn cũng có kết cục tương tự vì ma túy. Cô em gái ruột Nguyễn Thị Tuyết hiện đang lĩnh án 14 năm.
Ngoài ra Thắng còn có cô vợ vốn được mệnh danh là người đẹp xứ Viêng Chăn (Lào) một thời cũng đang thụ án chung thân vì buôn ma túy. Biết kết cục dành cho mình khi bị sa lưới nên Nguyễn Chiến Thắng đã rất "quân tử" khi nhận hết mọi tội lỗi về mình và tự tử ngay tại trại giam, kết thúc 20 năm tung hoành trên con đường ma túy.
Thanh bộc bạch: "Sinh ra và lớn lên trong một môi trường ma túy như thế, nên tôi bị chèo kéo và cuối cùng tôi cũng không bước chân ngoài con đường tội lỗi đó.
Thời điểm ấy, cuộc sống khó khăn do người chồng cờ bạc, cộng với môi trường gia đình đầy rẫy cám dỗ đã khiến tôi không ngần ngại theo chân mẹ và các anh em mình đi buôn hàng trắng như một cách để thay đổi thực tại. Nhưng rồi, cũng giống như mẹ, như những người anh em của mình, tôi bị bắt và bị tòa tuyên án tử hình.
Tuy nhiên, số phận đã mỉm cười với tôi. Tôi như vỡ òa bởi trong lúc chờ đợi ngày ra pháp trường, Bộ Luật Hình sự đã có sự điều chỉnh khi không thi hành án đối với phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Tôi là đối tượng nằm trong diện đó và thoát án tử hình một cách đầy bất ngờ...".
Con nhỏ "cứu sống" mẹ
Như đã nói ở trên, thời điểm Thanh bập vào con đường buôn bán ma túy và bị bắt, Thanh cũng có một gia đình nhưng không mấy êm ấm do người chồng cờ bạc, rượu chè.
Trong một lần mải mê đen đỏ, chồng Thanh bị công an bắt và phải đi cải tạo 6 tháng tại trại giam. Lúc này, Nguyễn Thị Thanh cũng vừa sinh con đầu lòng nên mọi thứ đảo lộn. Vì quá túng quẫn nên dù con đang đỏ hỏn, Thanh vẫn làm liều. Nguyễn Thị Thanh bị bắt cùng chuyến hàng vào một đêm mùa đông năm 1997, đó cũng là thời điểm chồng của Thanh được mãn hạn tù.
Thanh kể: "Buổi tối hôm đó, được sự chỉ đạo từ trước, Thanh đón và chở Nguyễn Thị Thu Hà đi nhận hàng. Hà chính là em gái của Nguyễn Văn Quý (SN 1966) ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Cả Hà và Quý đều là những chân rết quan trọng trong đường dây ma túy xuyên quốc gia do Nguyễn Chiến Thắng, anh trai Thanh cầm đầu.
Trong thời gian thụ án tại trại giam về tội cướp tài sản, Nguyễn Thị Thu Hà đã làm quen với em gái Thắng là Nguyễn Thị Tuyết nên sau khi mãn hạn tù, Hà đã tìm đến Thắng để xin lập đại lý ma túy tại Hà Nội và kéo anh trai mình cùng theo.
Sau này, Nguyễn Văn Quý bị bắt trong khi đang vận chuyển 30 bánh Heroin từ Nghệ An ra Hà Nội và bị kết án tử hình. Trở lại buổi tối mùa đông năm 1997 đó, tôi và Nguyễn Thị Thu Hà đang đèo nhau bằng xe gắn máy đi nhận hàng thì bị bắt quả tang.
Tôi còn nhớ rất rõ, sau khi đón Thu Hà từ Hà Nội vào, tôi đã chở Hà đến khách sạn Năng Lượng (ở địa bàn phường Lê Lợi, TP.Vinh) nhận từ một người đàn ông không quen biết hai bánh heroin để chuyển ra Bắc. Khi cả hai vừa quay xe thì các trinh sát ập vào bắt quả tang. Sau vụ ấy, cả hai đều phải nhận án tử hình".
Nguyễn Thị Thanh nhớ lại phút giây mà có lẽ, suốt đời Thanh không bao giờ quên: "Một buổi sáng nọ, đang thiu thiu ngủ thì tôi bị đánh thức bởi tiếng kêu khóc não nuột của đồng phạm. Tôi bỗng bủn rủn chân tay khi biết đó là ngày cuối cùng của tử tù Nguyễn Thị Thu Hà, người bị bắt cùng với mình.
Tôi tưởng rằng, rồi cũng sẽ đến lượt mình, nhưng ngày này qua tháng khác, không thấy cán bộ đưa tôi đi xử tử. Tôi không hiểu nhưng trong lòng có sự hy vọng xen lẫn vui mừng.
Đầu năm 2000, tôi bất ngờ đón nhận một tin mà với tôi lúc đó, rất khó có thể tin: Bộ luật Hình sự có sự điều chỉnh và tôi chính thức được chuyển sang án chung thân. Quy định trên áp dụng vào trường hợp của tôi thì tại thời điểm bị bắt, con đầu lòng của tôi mới 8 tháng. Vậy là con đường sống được mở ra, tôi được chuyển ra Trại giam số 5, sau đó về trại giam số 6 (Nghệ An) để thụ án".
Khát khao trở lại với cộng đồng
Gặp chúng tôi, Nguyễn Thị Thanh luôn cười. Sau những bị kịch của cuộc đời, giờ trên khuôn mặt nữ phạm nhân này lộ rõ sự lạc quan và hy vọng. Sau những cố gắng cải tạo, Ban giám thị đã tin tưởng giao nhiệm vụ trực buồng, giữ trật tự trong buồng giam cho Thanh.
Nguyễn Thị Thanh phấn khởi cho biết: "Ngoài lần giảm án từ tử hình xuống tù chung thân, tôi còn được một lần giảm án với thời gian là 10 tháng. Trong trại giam nhưng tôi có động lực rất lớn từ đứa con trai duy nhất hiện đang học lớp 9 và hiện đang sống với người em gái út của tôi.
Thi thoảng, hai dì cháu vẫn ngược thành phố Vinh lên trại 6 (huyện Thanh Chương) để thăm tôi. Tôi buồn khi người chồng của mình đã làm đơn ly hôn từ năm 2005 và đã có hạnh phúc mới, nhưng tôi tự an ủi, đó là cái giá mình phải trả, nếu được ra tù, bản thân còn có đứa con là động lực bất tận".
Khi hỏi về người thân, Thanh ngậm ngùi không nói. Chính Thanh cũng không thể ngờ, bi kịch gia đình lớn đến như vậy. Giờ, điều mà Thanh trăn trở là người mẹ đã già lại đau yếu, đang gần đất xa trời.
Thanh mơ ngày về đến thật nhanh như phép nhiệm màu để có thời gian chăm sóc mẹ, đỡ đần em gái trước khi quá muộn. Mười mấy năm sống ở trại giam là khoảng thời gian đủ để thị thấm thía về cái giá phải trả cho những thương vụ làm tiền bất chính. Bây giờ, người em gái, chị dâu thụ án ở đâu, Nguyễn Thị Thanh cũng không nhớ được. Thanh thở dài xót xa.
Một cán bộ Trại giam số 6 cho biết: "Nguyễn Thị Thanh có quyền hy vọng ngày về, bởi mười mấy năm khoác trên mình tấm áo phạm nhân, người đàn bà này rất quyết tâm hoàn lương. Biết mình nay mai sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời, Nguyễn Thị Thanh đã chí thú học nghề tại các phân xưởng".
Trước lúc chào chúng tôi để trở về buồng giam, Thanh tâm sự: "Nhất định tôi phải kiếm một nghề để mưu sinh và nuôi dạy con ăn học trưởng thành. Tôi đã bỏ phí quá nhiều cơ hội ở tuổi trẻ, giờ là lúc hoạch định kế hoạch cho tương lai để chuộc lại một phần lỗi lầm.
Dẫu biết rằng, bắt đầu cuộc đời ở tuổi ngoài 40 đối với một người đàn bà sẽ đầy rẫy những khó khăn, thử thách. Nhưng vì đứa con, vì món nợ đời phải trả nên tôi vẫn khát khao cháy bỏng ngày về, với mong muốn được sống đàng hoàng, trong tư cách của một công dân tự do".