Thợ quay phim, chụp ảnh chiếm đoạt hàng trăm máy ảnh, thiết bị trị giá gần 3 tỷ đồng
Làm nghề quay phim, chụp ảnh sự kiện và làm quảng cáo trên ứng dụng Tiktok nhưng Hải Anh lại lún sâu vào lĩnh vực kinh doanh “tiền ảo” dẫn đến thua lỗ, nợ nần, đã chiếm đoạt hàng trăm máy ảnh, thiết bị của nhiều người.
Ngày 13-6, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Hải Anh (SN 2000, trú ở xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội) 13 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là nhiều cá nhân sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội.
Quá trình xét xử sơ thẩm làm rõ, Hải Anh làm nghề quay phim, chụp ảnh sự kiện, quảng cáo với tư cách cá nhân và làm quảng cáo trên ứng dụng Tiktok cho một công ty ở Hà Nội. Khoảng tháng 4-2022, Hải Anh kinh doanh “tiền ảo” thua lỗ nên đã bán các tài sản trong đó có máy ảnh, thiết bị máy ảnh của người khác để trả nợ.
Bị cáo Hải Anh bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.
Cáo buộc thể hiện, tính đến tháng 1-2023, Hải Anh đã thuê 59 máy ảnh và 76 thiết bị máy ảnh có giá trị hơn 2,9 tỷ đồng của 9 người trên địa bàn Hà Nội. Ban đầu, bị cáo dùng các thiết bị này để sử dụng cho công việc nhưng sau đó lần lượt mang số thiết bị trên đi bán hoặc cầm cố cho các cá nhân và các cửa hàng.
Hết thời hạn thuê, bị cáo nại lý do thiết bị đang được đưa cho người khác để đi làm nhằm xin gia hạn thời gian để các bị hại tin tưởng. Nhưng đến cuối tháng 1-2023, bị cáo mất khả năng thanh toán nên cắt đứt liên lạc với các chủ tài sản cho thuê.
Theo đó, từ tháng 11-2022 đến tháng 1-2023, Hải Anh thuê tổng số 19 máy ảnh, 30 thiết bị máy ảnh các loại của chị Hoàng Thiên N. để sử dụng cho công việc. Hai bên lập hợp đồng thuê tài sản với giá trị 400 triệu đồng. Bị cáo đã thanh toán 200 triệu đồng.
Sau đó vì cần tiền chi tiêu cá nhân nên bị cáo đã cầm cố cho Công ty Nano 6 máy ảnh, 9 thiết bị máy ảnh của chị N. và cá nhân khác để vay tiền. Ngoài ra, bị cáo còn bán và cầm cố một số máy ảnh, thiết bị máy ảnh khác… được 268 triệu đồng.
Theo kết luận định giá, số tài sản của chị N. có giá trị hơn 1,2 tỷ đồng. Quá trình điều tra, chị N. có đơn xin lại tài sản và được trả lại 7 máy ảnh, 10 thiết bị máy ảnh.
Ngoài chị N., bị cáo còn chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại khác rồi cắt đứt mọi liên lạc. Tổng cộng, Hải Anh đã thuê 135 máy ảnh, thiết bị máy ảnh của 9 bị hại. Bị cáo sử dụng các tài sản này một thời gian, rồi mang đi cầm cố để vay tiền.
Ngày 8-2-2023, Hải Anh đến cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đầu thú và khai báo hành vi phạm tội. Các bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường hơn 1,7 tỷ đồng.
Công ty Nano đã nhận cầm cố nhiều tài sản của Hải Anh được xác định là bên có quyền lợi liên quan. Khi nhận cầm cố, hai bên có lập hợp đồng và Hải Anh cam kết đó là tài sản của mình. Việc cầm cố cho vay là đúng quy định về lãi suất.
Đối với các tài sản cơ quan điều tra đã thu giữ, Công ty Nano có yêu cầu bị cáo phải đền bù hơn 776 triệu đồng (gồm tiền vay và lãi suất). Đối với số tài sản bị cáo mang cầm cố hoặc bán cho nhiều người nhưng không biết tên, tuổi, địa chỉ cụ thể, cơ quan điều tra không có cơ sở xác minh.
Một số cá nhân khác, cơ quan công an xác định họ không biết đó là tài sản phạm tội mà có nên công an không xử lý.
Bào chữa tại tòa, luật sư đề nghị xem xét cho bị các các tình tiết giảm nhẹ như bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, có 3/9 bị hại có đơn giảm nhẹ hình phạt… Sau khi xem xét toàn diện vụ án, Tòa án Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Hải Anh mức án trên.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 14-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với 9 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng”.