Thêm án oan ở Gia Lai?

Sau 2 lần xử sơ thẩm bị kết tội, 5 năm bị tạm giam, đến khi TAND Tối cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại thì VKSND tỉnh Gia Lai mới đình chỉ vụ án và thả người.

Mới đây, VKSND tỉnh Gia Lai đã ra quyết định đình chỉ vụ án Lê Thị Tường Vân (SN 1978; trú phường Yên Đỗ, TP Pleiku) can tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Quyết định này trái ngược với kết luận điều tra của Công an tỉnh và 2 bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Gia Lai.

Khép tội

Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, do quen biết từ trước nên năm 2008, bà Lê Thị Tường Vân đã nhiều lần vay tiền của bà Nguyễn Thị Phượng Tường (SN 1968), bà Huỳnh Thị Thúy Vân (SN 1966) và bà Hồ Thị Xuân Dung (SN 1975, cùng trú Pleiku).

Sau nhiều lần vay tiền đã có uy tín, Tường Vân nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của những người nêu trên. Từ ngày 2 đến 4.11.2009, Tường Vân nói cần nhập lô hàng 20 ô tô về cho Công ty Tuấn Tài do Mai Anh Tuấn (chồng Vân) làm giám đốc, bán trong dịp Tết và đặt vấn đề vay tiền của họ. Ngày 6.11.2009, Tường Vân đến nhà 3 bà Tường, Thúy Vân và Dung nhận tổng cộng 15,25 tỷ đồng, hẹn sau 4 ngày sẽ trả.

Thêm án oan ở Gia Lai? - 1

Bà Lê Thị Tường Vân cho biết đã gửi đơn kêu oan đến rất nhiều cơ quan, ban - ngành.

Trước đó, ngày 5.11.2009, vợ chồng Vân - Tuấn đã làm hợp đồng trao tặng 3 căn nhà cho bố mẹ Vân, bán rẻ ô tô và bị cơ quan chức năng kết luận là “hành vi tẩu tán tài sản”. Đến ngày 9.11.2009, Tường Vân không trả tiền theo cam kết nên 3 bị hại làm đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, Tường Vân cũng làm đơn tố cáo Nguyễn Thị Thùy Dương (SN 1980, trú Pleiku) hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng. Trong đó, có cả hơn 15 tỷ đồng Tường Vân đã mượn của các bà Tường, Thúy Vân và Dung.

Đến ngày 5.4.2010, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Tường Vân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Giải oan

Tại bản án sơ thẩm tháng 5.2012, TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt Lê Thị Tường Vân 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bà Tường Vân kháng cáo. TAND Tối cao tại Đà Nẵng xét xử thấy nhiều điểm chưa sáng tỏ nên quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại.

Tại bản án sơ thẩm số 90/2013, mặc dù bà Tường Vân không nhận tội nhưng với những tài liệu, chứng cứ thu thập được, TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt bị cáo này 19 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; buộc hoàn trả số tiền đã mượn của các bị hại, hủy hợp đồng cho tặng 2 căn nhà.

Thêm án oan ở Gia Lai? - 2

Tại bản án phúc thẩm số 275 ngày 29.7.2014, TAND Tối cao tại Đà Nẵng nêu rõ: Cấp sơ thẩm xác định trong một ngày Tường Vân đã vay của 3 bị hại số tiền hơn 15,2 tỷ đồng với thủ đoạn gian dối như: Vay tiền để mua khoảng 20 ô tô cho Công ty TNHH-MTV Tuấn Tài, chuyển dịch tài sản của mình cho người thân trong gia đình trước khi đến vay tiền. Từ nhận định này đã kết tội bị cáo Vân “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là chưa đủ căn cứ vững chắc bởi lẽ có nhiều tình tiết chưa được làm rõ.

“Cấp sơ thẩm chỉ tập trung đánh giá chứng cứ để kết tội đối với bị cáo Tường Vân chủ yếu dựa trên các lời khai của các bà Tường, Thúy Vân, Dung và bà Dương. Không xem xét, đánh giá tài liệu vật chứng do bị cáo Tường Vân cung cấp, không xác định được tính liên quan giữa lời khai của bị cáo Tường Vân, nội dung các tài liệu do bị cáo và ngân hàng cung cấp thể hiện việc chuyển tiền qua tài khoản giữa bị cáo Tường Vân và Dương” - bản án nêu rõ.

Bản án còn cho rằng việc bà Tường Vân mượn tiền của các bị hại và việc bị cáo cho bà Dương vay tiền có liên quan đến nhau. Tách 2 quan hệ này làm cho việc đánh giá, xác định hành vi phạm tội của bị cáo chưa bảo đảm tính khách quan. Vì vậy, cần xem xét đánh giá một cách toàn diện vụ án.

Vì những lý lẽ trên nên TAND Tối cao tại Đà Nẵng tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm số 90/2013 của TAND tỉnh Gia Lai; trả hồ sơ để điều tra lại.

Hình sự hóa quan hệ dân sự?

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Quân, Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai, cho biết, vụ án không có sự đồng thuận giữa VKS và công an, tòa án nên đang xem xét lại. Cả 2 bản án sơ thẩm đều bị TAND Tối cao tuyên hủy vì có nhiều điểm chưa làm rõ, như: Nguồn tiền từ đâu, thời gian vay, việc công chứng trao tặng tài sản.

“VKS đứng giữa, qua phân tích chứng cứ không đủ nên đình chỉ vụ án. Hiện chỉ có chứng cứ là 3 giấy mượn tiền hẹn 4 ngày trả mà không trả và lời khai của bị hại là mượn tiền để mua ô tô” - ông Quân nói. Theo ông, trong vụ việc này có ý kiến cho rằng không bảo vệ quyền lợi của bị hại nhưng không phải như vậy, chỉ cần đưa ra xét xử dân sự là hoàn toàn hợp lý.

Luật sư Nguyễn Danh Hưng - Văn phòng Luật sư Hưng Giang, Đoàn Luật sư Hà Nội, 1 trong 2 luật sư bào chữa cho bị cáo Tường Vân - cho rằng đây là vụ án điển hình cho việc hình sự hóa quan hệ dân sự. Việc thân chủ ông là bà Tường Vân vay mượn tiền của các bị hại chỉ là mối quan hệ dân sự. Trong các phiên xét xử, các luật sư đã đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh bà Tường Vân không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bản thân bà cũng là bị hại nhưng vẫn bị các cấp sơ thẩm kết án.

Trao đổi với phóng viên, bà Tường Vân cho rằng các cơ quan tố tụng đã gạt bỏ nhiều tài liệu, chứng cứ chứng minh việc liên quan đến chuyện vay mượn tiền với bà Dương. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn bênh vực bà Dương một cách vô căn cứ.

Trong khi đó, trung tá Trần Ngọc Anh, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Gia Lai, cho biết đối với vụ án của bà Lê Thị Tường Vân, công an tỉnh đã báo cáo và đang chờ ý kiến của Bộ Công an. “Hai bên cơ quan cùng cấp nhưng một bên bảo có tội, bên bảo không. Vì vậy, VKSND xin ý kiến của VKSND Tối cao, Công an tỉnh sẽ xin ý kiến của Bộ Công an” - trung tá Ngọc Anh giải thích.

Sẽ đòi bồi thường oan sai

Ông Mai Anh Tuấn cho biết trong gần 5 năm vợ ông bị bắt tạm giam (từ ngày 5.4.2010 đến 24.3.2015), ông đã làm đơn gửi rất nhiều cơ quan chức năng đề nghị xem xét giải quyết. Sau khi vụ việc được làm sáng tỏ, gia đình ông sẽ yêu cầu bồi thường oan sai thời gian gần 5 năm bà Tường Vân bị bắt tạm giam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN