Thế chấp sổ đỏ giả, lừa tiền tỉ
Trước chiêu thế chấp giấy tờ nhà đất với giá trị thấp, hứa hẹn bán nhà giá hời, nhiều người cho vay tiền thiếu cảnh giác đã bị mất tiền tỉ...
Cầm xấp hồ sơ với đủ đơn khiếu nại, tố cáo cầu cứu gửi nhiều nơi, ông P.V.H (ngụ đường Bông Sao, quận 8, TP HCM) buồn bã cho biết vợ chồng ông ky cóp được 600 triệu đồng định sửa căn nhà đang xuống cấp trầm trọng, không ngờ bị bà Ðặng Hoàng Lan Hương và bà Nguyễn Thị Kim Loan (ngụ ấp Ðông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP HCM) lừa lấy hết.
Miếng mồi hấp dẫn
Giữa năm 2011, qua giới thiệu, vợ chồng ông P.V.H biết bà Ðặng Hoàng Lan Hương và bà Nguyễn Thị Kim Loan có nhu cầu thế chấp căn nhà trên đường Cống Lở, quận Tân Bình. Sau khi xem nhà và các loại giấy tờ, thấy hợp lệ, ông H. đồng ý ra Văn phòng Công chứng Ðất Việt (huyện Hóc Môn) làm hợp đồng thế chấp. Theo đó, bà Hương thế chấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (QSHNƠ) và quyền sử dụng đất ở (QSDÐƠ) căn nhà trên với giá 600 triệu đồng, sau 6 tháng nếu bà Hương không chuộc thì chuyển quyền sở hữu cho ông H.
Ông P.V.H thẫn thờ với xấp giấy chứng nhận nhà đất giả
Cùng bị dính giấy chứng nhận QSHNƠ và QSDÐƠ giả của bà Loan, ông N.V.Ð (ngụ đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, TP HCM) bị lừa mất 2 tỉ đồng. Qua môi giới, vợ chồng ông nhận thế chấp căn nhà và xưởng là Công ty T.K.D của bà Loan với giá 2 tỉ đồng. Trước khi ra một văn phòng công chứng ở quận Thủ Ðức làm hợp đồng, ông Ð. đi cùng bà Loan đến khu nhà xưởng để thực địa. Thấy cơ ngơi bề thế, ông Ð. chấp thuận. Sau khi nhận được hơn 100 triệu đồng từ bà Loan, ông Ð. phát hiện các loại giấy tờ đều giả, còn bà Loan thì bặt vô âm tín.
Với thủ đoạn tương tự, bà Loan đã lừa bà T.T.H (ngụ quận 1) 900 triệu đồng, ông P.V.H (ngụ quận Tân Bình) 450 triệu đồng, ông T.P.A (ngụ quận 3) 2,2 tỉ đồng.
Công chứng liên đới trách nhiệm?
Trước hàng loạt đơn tố cáo liên quan đến "siêu lừa" Nguyễn Thị Kim Loan, thượng tá Lâm Văn Minh, Phó trưởng Công an huyện Hóc Môn, cho biết do mức độ thiệt hại lớn, vụ việc đã được công an huyện chuyển lên Công an TP HCM thụ lý. Theo ông Minh, trên địa bàn huyện Hóc Môn thời gian vừa qua xuất hiện nhiều chiêu lừa sổ đỏ giả tương tự như vậy, có trường hợp dì ruột lừa cả cháu. Vì vậy, người trong cuộc cần phải đến cơ quan có thẩm quyền là UBND quận, huyện để xác minh rõ nguồn gốc căn nhà, khu đất trước khi đặt bút ký tên giao dịch.
Về việc ông P.V.H (ngụ quận 8) khởi kiện Văn phòng Công chứng Ðất Việt ra tòa, đại diện Văn phòng Công chứng Ðất Việt cho rằng công chứng viên căn cứ trên giấy tờ 2 bên cung cấp, cam kết giấy tờ là thật và bản chính; khách hàng không có yêu cầu văn phòng công chứng xác minh lại nguồn gốc khu đất nên không thể đổ lỗi cho công chứng. Khi xảy ra vụ việc, Văn phòng Công chứng Ðất Việt đã hỗ trợ Công an xã Thới Tam Thôn bắt bà Nguyễn Thị Kim Loan nhưng không hiểu vì sao sau đó bà này được thả. Văn phòng Công chứng Ðất Việt cũng đã báo cáo Sở Tư pháp và có đoàn cán bộ xuống văn phòng kiểm tra, kết quả bình thường. Vì vậy, việc ông H. khởi kiện là không có căn cứ.
Theo luật sư Hà Hải (Ðoàn Luật sư TP HCM), hành vi của bà Nguyễn Thị Kim Loan có dấu hiệu vi phạm pháp luật, do đó cơ quan điều tra khi hội đủ điều kiện đương nhiên sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều tra làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức vi phạm, trong đó có cả cơ quan công chứng. Riêng người bị hại, nếu có đủ cơ sở chứng minh trong quá trình công chứng, công chứng viên đã làm sai quy trình hoặc tắc trách thì có thể khởi kiện văn phòng công chứng ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Bị lừa vì công chứng tư Công an TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đang điều tra làm rõ đơn tố cáo của ông Nguyễn Hà Phú (SN 1980, ngụ đường Lò Siêu, phường 16, quận 11, TP HCM) về việc Văn phòng Công chứng Cửu Long tiếp tay bà Tăng Nương (SN 1947, ngụ đường Lê Ðại Hành, phường 1, TP Mỹ Tho) lừa đảo. Theo đó, ngày 19-4-2012, bà Nương gặp ông Phú xin vay 500 triệu đồng dưới hình thức thế chấp căn nhà trên đường Lê Ðại Hành (TP Mỹ Tho) do ông Nguyễn Hoàng Sơn (con bà Nương) đứng tên giấy nhà và đất nhưng có hợp đồng ủy quyền cho bà toàn quyền định đoạt bán, thế chấp... căn nhà. Hợp đồng này do công chứng viên Bạch Văn Hùng (Văn phòng Công chứng Cửu Long) công chứng, đồng thời trực tiếp xác nhận với ông Phú hợp đồng hoàn toàn hợp pháp. Sau đó cũng chính ông Hùng ký công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho ông Phú. Tuy nhiên, ngày 23-7-2012, ông Hùng ký một văn bản gửi nhiều cơ quan cho rằng "hợp đồng ủy quyền từ ông Sơn cho bà Nương là giả mạo, không có giá trị pháp lý". Từ đó, bà Nương không trả lại tiền cho ông Phú. Ngoài ra, Công an tỉnh Tiền Giang đang điều tra làm rõ Phạm Thị Ngọc Ánh và Phạm Hữu Tiến (cùng ngụ TP Mỹ Tho) lừa đảo hơn 7 tỉ đồng bằng thủ đoạn bán một thửa đất cho nhiều người. Theo báo cáo của UBND xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho, ngày 11-8-2010, bà Ánh và ông Tiến bán cho ông N.K.N một thửa đất có diện tích 3.410 m2, được Văn phòng Công chứng Mỹ Tho lập hợp đồng chuyển nhượng và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ) cho ông N.K.N. Sau đó, bà Ánh phân lô bán nền, đưa 60 nạn nhân (nhiều đợt) đến gặp công chứng viên Văn phòng Công chứng Cửu Long lập hợp đồng chuyển nhượng dù GCNQSDÐ ông N.K.N đang giữ. Một điều tra viên cho biết, theo quy định của pháp luật, phòng công chứng chứng thực cho bà Ánh bán đất phải có bản chính GCNQSDÐ. Bà Ánh không có bản chính mà phòng công chứng vẫn lập hợp đồng mua bán là trái quy định của pháp luật, tiếp tay lừa đảo. "Cơ quan điều tra sẽ điều tra các đối tượng có hành vi lừa đảo. Tuy nhiên, nạn nhân cũng cần khởi kiện phòng công chứng ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại vì công chứng trái pháp luật" - điều tra viên này nói. Minh Sơn |