Thấy bắt cóc, người dân có nên tự ý giải cứu con tin?

Việc quá khích hoặc ồ ạt xông vào đòi đánh, đe dọa sẽ khiến đối tượng càng manh động hơn, có thể gây nguy hiểm cho chính con tin.

Khoảng 17 giờ chiều ngày 12-6, tại khu vực hồ Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội), người dân thấy một người đàn ông mặc áo trắng bất ngờ xuất hiện rồi dùng dao kề vào cổ một người phụ nữ và dẫn đi trên một quãng đường dài.

Chứng kiến, nhiều người đã chạy tới theo dõi. Khi người đàn ông kề dao vào cổ nạn nhân và ép di chuyển đến một quán bia trên đường Đền Lừ, lo sợ anh này sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng của người phụ nữ, nhiều người đã cùng nhau xông vào giải cứu con tin, đồng thời đánh trọng thương người đàn ông.

Kết quả, người phụ nữ được giải thoát, còn người đàn ông phải nhập viện do thương tích nặng.

Quan sát sự việc trên, nhiều ý kiến băn khoăn về việc người dân trong trường hợp này có nên tự ý đánh đối tượng để giải cứu con tin hay không; bởi việc giải cứu con tin là chuyên môn của các đơn vị nghiệp vụ, nếu người dân tự ý hành động rất có thể khiến đối tượng manh động hơn, gây nguy hiểm cho chính con tin,...

----------------------------

Để làm rõ những câu hỏi này, Pháp luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi cùng Đại úy Đinh Đức Thắng, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Một trong những chức năng nhiệm vụ chính của đơn vị này là đánh bắt khủng bố, giải cứu con tin.

Thấy bắt cóc, người dân có nên tự ý giải cứu con tin? - 1

Vụ việc chồng kề dao vào cổ vợ xảy ra vào ngày 12-6 vừa qua

Theo Đại úy Thắng, hành động của người dân trong vụ việc trên là không sai, bởi trong mọi cuộc giải cứu con tin, khi điều kiện cho phép ngăn chặn việc gây nguy hiểm của đối tượng với con tin mà có thể khẳng định nó an toàn thì nên thực hiện. Trong trường hợp không còn cách nào khác thì người dân phải nhanh chóng báo đến cơ quan chức năng để xử lý.

“Nếu có cơ hội tiếp cận khống chế được đối tượng, đảm bảo an toàn cho con tin thì nên làm, đó có thể là thời cơ duy nhất, nếu bỏ qua sẽ khó có cơ hội nào khác tiếp cận gần hơn đối với đối tượng” – Đại úy Thắng nói.

Đại úy Thắng lấy một ví dụ về việc giải cứu con tin mà người dân đóng vai trò quan trọng. Đó là một vụ trộm cắp tài sản, khi đối tượng bị mọi người truy đuổi đã chạy vào một nhà dân để lẩn trốn. Tại đây, đối tượng phát hiện trong nhà có một bà cụ và một em bé nên đã dùng dao để khống chế em bé này. Trước tình huống trên, bà cụ này đã nhanh chóng thương thuyết, vận động và thuyết phục thành công đối tượng buông dao, thả cháu bé ra an toàn.

“Trong trường hợp trên, người dân đã nhanh trí giải quyết được tình huống, giả sử khi đó mà họ báo cơ quan chức năng, lực lượng cảnh sát bao vây dẫn đến đối tượng hoảng loạn thì kết quả chưa chắc đã đạt được như vậy” – Đại úy Thắng nhận định.

Thấy bắt cóc, người dân có nên tự ý giải cứu con tin? - 2

Theo Đại úy Đinh Đức Thắng (bìa trái), nếu có cơ hội khống chế đối tượng mà vẫn đảm bảo cho con tin thì nên làm

Cũng theo vị Tiểu đoàn phó này, để đối phó với các đối tượng bắt cóc hoặc khống chế con tin, bất cứ người dân nào cũng cần lựa chọn việc thương thuyết, vận động thuyết phục đầu tiên. Người giải cứu con tin có thể giả đáp ứng những yêu cầu nhất định của đối tượng để ngăn chặn hành vi phạm tội, bởi khi được đáp ứng các yêu cầu ban đầu, đối tượng sẽ không có suy nghĩ manh động, tránh gây nguy hiểm cho con tin từ đó tạo điều kiện, thời cơ tiếp cận đánh bắt đối tượng, giải cứu con tin.

“Nếu lực lượng chức năng bao vây, đối tượng sẽ bị chuyển từ thế chủ động sang bị động, lúc này, mục đích cao nhất của đối tượng sẽ là làm sao để bảo đảm an toàn tính mạng cho mình, đồng nghĩa với việc buộc phải sử dụng con tin để làm tấm bình phong. Khi đó, đối tượng bắt cóc có thể không còn cần đến yêu sách lợi nhuận hay yêu cầu gì khác ngoài mục đích bản thân họ được an toàn” – Đại úy Thắng cho hay.

Đối với các trường hợp mà điều kiện không cho phép thực hiện các tình huống nói trên, khi đó người dân bắt buộc phải báo cho cơ quan chức năng, phải thực hiện theo từng bước trong nguyên tắc giải cứu con tin.

Theo đó, bước đầu tiên của việc giải cứu con tin là phải thương thuyết và vận động đối tượng bỏ vũ khí đầu hàng để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, đồng thời ngăn chặn sự kích động của người dân, vì sự kích động này có thể làm cho đối tượng manh động hơn.

Đại úy Thắng cũng chia sẻ khi chưa có sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng, người dân không nên quá khích hoặc ồ ạt xông vào đòi đánh, đe dọa, bởi việc này sẽ khiến đối tượng càng manh động hơn, có thể gây nguy hiểm cho chính con tin.

“Việc phong tỏa hiện trường ngoài phục vụ công tác tiếp cận giải cứu con tin còn để ngăn chặn người dân quá khích xông vào, gây ảnh hưởng đến quá tình giải cứu” – Đại úy Thắng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyến Phan (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN