Thâu đêm đứng đợi trước nhà "nữ giảng viên đại học” để đòi tiền

Nộp hàng trăm triệu đồng cho người tự xưng là giảng viên đại học để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhưng chờ đợi mỏi mòn nhiều tháng không có kết quả, các nạn nhân đã cùng nhau đến trước nhà "nữ giảng viên" để đòi lại tiền.

Khuya 15/11, hàng chục người dân vẫn kiên nhẫn đứng trước cửa ngôi nhà số 269A Trần Phú - TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) chờ chủ nhà về để đòi lại số tiền chi phí xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã nộp cách đây nhiều tháng. Tuy nhiên, ngôi nhà 3 tầng khang trang vẫn im lìm, cửa đóng then cài suốt nhiều tiếng đồng hồ.

Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Ánh Dương (SN 1988), trú xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, vào tháng 4/2018, thông qua lời giới thiệu của một người bạn là bộ đội, chị gặp chị Nguyễn Thị Kim Liên (SN 1988), trú tại số nhà 269A Trần Phú - TX Hồng Lĩnh để đặt vấn đề đi XKLĐ Nhật Bản.

Thâu đêm đứng đợi trước nhà "nữ giảng viên đại học” để đòi tiền - 1

Ngôi nhà số 269A Trần Phú (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) của Liên luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, điện tắt 

“Chị Liên giới thiệu là giảng viên đại học, chồng là bộ đội nên tôi đã tin tưởng và đưa cho chị ấy 190 triệu đồng, có biên nhận đầy đủ. Sau đó, Liên giới thiệu tôi ra một đơn vị ở Hà Nội để học tiếng và thi đơn hàng. Kết quả tôi đã đạt yêu cầu trong kỳ thi đó”, chị Dương nói.

Thâu đêm đứng đợi trước nhà "nữ giảng viên đại học” để đòi tiền - 2

Nhiều nạn nhân thức trắng đêm để chờ đòi lại tiền.

“Chị Liên còn gửi cho xem ảnh visa Nhật Bản mang tên tôi là Nguyễn Thị Thùy Dương nên gia đình tôi hết sức vui mừng và yên tâm. Nghĩ rằng gần đi nên tôi đã chuẩn bị rất nhiều đồ dùng thiết yếu để sử dụng trong thời gian ở nơi xứ người.

Tuy nhiên, lần lữa mãi, tôi vẫn không thể xuất cảnh. Đại diện một Công ty XKLĐ ở Hà Nội cho biết đơn hàng của tôi đã bị hủy vì người môi giới không nộp tiền cho Công ty. Nhờ bạn bè kiểm tra ảnh visa thì tôi được biết có dấu hiệu giả mạo”, chị Dương cho biết.

Thâu đêm đứng đợi trước nhà "nữ giảng viên đại học” để đòi tiền - 3

Giấy cam kết chứng minh Liên nhận của chị Nguyễn Thị Thùy Dương số tiền 190 triệu đồng.

Thâu đêm đứng đợi trước nhà "nữ giảng viên đại học” để đòi tiền - 4

Visa Nhật Bản được cho là có dấu hiệu giả mạo.

Cho rằng bị lừa, chị Dương đã gặp Liên để đòi tiền nhưng người này cứ khất lần không trả. Ngày 2/11/2018, Nguyễn Thị Kim Liên viết giấy, thừa nhận có nhận hồ sơ và 190 triệu đồng của chị Dương, cam kết đến ngày 8/11/2018 sẽ trả, cộng thêm 20 triệu chi phí đi lại.

Tuy nhiên, đến ngày 15/11, chị Dương vẫn không nhận được tiền. Nhiều ngày nay, chị Dương xin việc làm ở Hồng Lĩnh, cứ rảnh là đến trước cổng nhà Liên để chờ đòi nợ: “Tôi đã khánh kiệt, bán xe máy, vay nóng lãi suất cao, mòn mỏi đòi tiền nhưng chị Liên không trả”, chị Dương bức xúc.

Thâu đêm đứng đợi trước nhà "nữ giảng viên đại học” để đòi tiền - 5

Thông qua Ngân hàng Agribank, anh Nguyễn Bá Trung đã nhiều lần chuyển cho Liên số tiền rất lớn.

Cùng chung cảnh ngộ với chị Dương là anh Nguyễn Bá Trung (SN 1977) và em vợ là Đặng Văn Chinh (SN 1988), cùng trú xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Tin lời Liên giới thiệu đi du học, XKLĐ, hai anh em đã nộp cho cô gái này tổng số tiền hơn 400 triệu đồng. Anh Chinh còn ra Phúc Yên học tiếng Hàn Quốc trong 2 tháng, chi phí hết 25 triệu đồng.

Ngày 23/7/2018, Liên viết giấy nhận của anh Chinh 170 triệu đồng tiền mặt để “làm hồ sơ du học nghề”, dự kiến bay trong tháng 9/2018, cam kết nếu không bay được sẽ hoàn tiền. Nhưng đến nay đã hơn 3 tháng, lịch bay không có, tiền cũng không đòi lại được.

Thâu đêm đứng đợi trước nhà "nữ giảng viên đại học” để đòi tiền - 6

Giấy biên nhận chứng minh Liên đã nhận của anh Đặng Văn Chinh số tiền 170 triệu đồng.

Cả tháng nay, hai anh em liên tục chở nhau đi trong đêm ra nhà Liên để chờ đòi tiền: “Chúng tôi đã bán tài sản, vay mượn cầm cố để đưa tiền cho chị Liên, bây giờ hết sức khó khăn”, anh Trung nói.

Một nạn nhân nữa là chị Thiều Thị Thư, quê huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Chị Thư cũng đã nộp cho Liên 160 triệu để đi XKLĐ, nhưng không thể đi. Nay chị Thư cũng lặn lội ra chờ trước nhà Liên để đòi tiền.

Thâu đêm đứng đợi trước nhà "nữ giảng viên đại học” để đòi tiền - 7

Nguyễn Thị Kim Liên nhận của chị Thiều Thị Thư tổng số tiền 160 triệu đồng nhưng hứa nhiều lần mà không trả.

Nhiều người đã nộp tiền cho Liên nhưng không đi XKLĐ được đã nhiều ngày nay tập trung tới cổng nhà người phụ nữ này để đòi tiền. Một người dân cho biết, Liên là người địa phương, làm nghề gì không rõ, có chồng là bộ đội.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Thương, Phó trưởng Công an phường Bắc Hồng, trường hợp này có hộ khẩu tại phường Bắc Hồng nhưng nhà ở lại thuộc địa bàn phường Đức Thuận, vì thế không thuộc quản lý của Công an phường Bắc Hồng.

Đại úy Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Công an phường Đức Thuận cho biết: "Cái này họ phải có đơn, thông tin thì tôi chưa nắm được, có gì tôi sẽ trao đổi thêm".

Để xác minh thông tin sự việc, PV đã gọi điện cho chị Liên theo số 0966.366.xxx nhưng người này không bắt máy.

Cán bộ trại giam và chiêu giả danh “cháu thứ trưởng”

Ông Phan Huy Diễn (sinh năm 1978, nguyên đại úy Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) bị kết tội lừa đảo và phải nhận 14 năm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Hoàn ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN