“Thánh lừa đảo” từ miền Trung đến miền Tây sa lưới

Theo cơ quan công an, Phương rất giỏi ăn nói và có biệt tài giả giọng, đối tượng này cũng giả danh lãnh đạo cấp cao các tỉnh từ Nam Trung Bộ tới miền Tây để gây ra hàng loạt vụ lừa đảo.

“Thánh lừa đảo” từ miền Trung đến miền Tây sa lưới - 1

Đối tượng Trịnh Duy Phương

Tối 4/5, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) cho biết, vừa bắt giữ Trịnh Duy Phương (27 tuổi, quê Cà Mau) để điều tra về nhiều vụ lừa đảo mà nghi can này thực hiện.

Cùng ngày, khi Phương và đồng bọn đang làm thủ tục nhận chiếc xe máy Z1000 giá trị hơn 300 triệu đồng từ một cửa hàng ở Vĩnh Long thì công an ập đến bắt giữ. Đây là một trong vô số vụ lừa đảo mà nghi can này thực hiện từ năm 2015 đến nay.

Theo cơ quan công an Phương ăn nói rất giỏi và có biệt tài giả giọng, đối tượng này cũng giả danh lãnh đạo cấp cao các tỉnh từ Nam Trung Bộ tới miền Tây để gây ra hàng loạt vụ lừa đảo.

Theo cơ quan điều tra, sau thời gian thụ án về tội trộm cắp, Phương ra tù và rời khỏi địa phương đi lang bạt khắp nơi để “hành nghề” lừa đảo. Để tránh bị phát hiện, Phương liên tục di chuyển đến nhiều tỉnh, thành và thường thuê ở tại các nhà nghỉ, khách sạng hạng sang. “Mỗi ngày, người này thực hiện trung bình khoảng 400 cuộc điện thoại, thường xưng danh là cán bộ cấp cao, sư trụ trì, chức sắc tôn giáo, người nổi tiếng trong giới nghệ sĩ để thực hiện hành vi lừa đảo”, cán bộ công an thông tin.

Đối với trường hợp mạo danh lãnh đạo cấp cao tại các tỉnh, Phương tìm hiểu rất kỹ nhân thân, cách ăn nói, đi đứng và các mối quan hệ của các vị lãnh đạo này. Sau đó, nam thanh niên gọi điện đến các công ty, chủ cơ sở kinh doanh, nhà hàng… để mạo danh nhằm lừa đảo. Cũng có trường hợp, Phương giả là lãnh đạo tỉnh có người thân bị tai nạn ở các tỉnh lân cận gọi điện nhờ giúp đỡ bằng cách cho vay tiền hoặc lừa nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của các cửa hàng kinh doanh lớn sau đó Phương tới lấy hàng rồi bán tiêu xài.

Ngoài ra, Phương còn giả là người nổi tiếng, chức sắc tôn giáo… để vận động từ thiện sau đó chiếm đoạt số tiền đó.

“Biệt tài của người này là giả giọng và cách ăn nói phù hợp với từng tình huống. Có những đoạn ghi âm qua điện thoại mà các nạn nhân cung cấp cho thấy đối tượng rất giỏi trong việc tạo niềm tin cho đối phương”, cán bộ điều tra nói.

Các nạn nhân đa phần vì cả tin, thậm chí là “vinh dự” khi lãnh đạo cấp cao của tỉnh nhờ nên đã không ngần ngại đưa số tiền lớn. Nhiều người vì nể nên cũng không hỏi lại và chính người bị mạo danh cũng không hay biết.

Đại diện C50 cho biết, hiện tại vẫn chưa thể xác định được Phương lừa đảo chính xác bao nhiêu vụ, số tiền bao nhiêu nhưng ước đoán có thể lên đến hàng trăm vụ với số tiền lừa đảo hàng chục tỷ đồng.

Hiện vụ việc đang được công an điều tra, làm rõ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thanh ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN