Thân phận ê chề, tủi nhục của "người đẹp nhậu thuê"
Người đẹp nhậu thuê, dấn thân vào nghề là chấp nhận những tủi nhục, ê chề nhiều "đào" thành con nợ, bị siết cổ bởi những tay anh chị, không tìm được lối thoát, chết mòn trong những giấc mơ hoang.
Giá của... bỗng chốc được thành “sao”
Có lẽ, trong số các “đào” rượu mà Huế vốt-ka (nhân vật được nói ở những kỳ trước) giới thiệu, PV quan tâm nhất đến số phận của một cô gái có tên Hằng “trăn” quê ở Hà Tĩnh. Hằng vốn là sinh viên một trường đại học khá danh tiếng ở Hà Nội.
Huế vốt-ka rỉ tai PV: “Hằng “trăn” cũng được giới “đào” rượu phong làm “đệ nhất tửu nữ”. Bởi, trong một ngày, Hằng có thể chạy sô 4 “cuốc” nhậu mà vẫn tỉnh như sáo. Khác với nhiều “đào” rượu” khác, Hằng “trăn” xuất thân từ gia đình khá giả. Hầu như, trong những năm học ở đại học, Hằng “trăn” không phải lo lắng chuyện cơm áo, gạo tiền”.
Hằng “trăn” tại một quán hát (ảnh cắt từ clip).
Ấy vậy mà, Hằng “trăn” lại bày tỏ rằng, “chỉ cần một phút sa chân, ân hận cả đời”! Theo chuỗi câu chuyện, Hằng “trăn” được đánh giá là hoa khôi tại ngôi trường cô theo học và tất nhiên cũng có khá nhiều chàng trai theo đuổi trong những năm học đại học.
Song chuỗi ngày êm đềm qua đi nhanh chóng và khởi sự “mọi chuyện” của Hằng được tính từ năm thứ ba đại học. Hằng “trăn” cầm ly rượu rót đầy, vân vân trên đầu ngón tay, đưa lên miệng, nháy một cái đã cạn ly rồi nói tiếp: “Ở thời điểm đó, em có kết bạn với nhiều đàn anh, đàn chị trong trường thuộc nhóm con nhà giàu nên ngoài việc lên giảng đường, thì mỗi buổi sáng, phần lớn thời gian còn lại em có mặt ở các vũ trường, quán nhậu hạng sang.
Lúc đầu em còn bỡ ngỡ, sau rồi quen dần và “nghiện” thứ ánh sáng laze, tiếng nhạc sàn, men rượu mạnh ở vũ trường lúc nào không hay. Tất nhiên, cái khoản uống rượu của em cũng khá lên từng ngày. Song, việc học hành vì thế cũng sa sút, em nợ gần 8 môn học. Chán chường, em lại tụ tập nhậu nhẹt, rồi hút hít đến nghiện ngập, nợ nần chồng chất.
Ban đầu, em còn nói dối được “ông bà già” (tức bố mẹ-PV) ở nhà, gửi tiền với lý do sắm máy móc, rồi sách vở, học chứng chỉ nọ chứng chỉ kia... để tiêu pha. Mãi rồi, em cũng hết lý do. Mấy người bạn đều rơi chung vào cảnh đó nên đói “thuốc”, thèm nhậu... đành phải vay tiền của ông trùm.
Lúc đầu, em chỉ vay vài trăm nghìn đồng, rồi tăng lên vài triệu đồng. Với con số đó, em vẫn có khả năng trả. Nhưng, khi vay tới vài chục triệu đồng, không cần thế chấp, chủ vũ trường vẫn... OK thì em biết mình đã “dính” bẫy nhưng không còn lối thoát. Rồi cái gì đến cũng đến, những khoản tiền vay cùng lãi suất kiểu “chợ đen” khiến món nợ của em lên tới hơn 100 triệu đồng.
Thời điểm này, công việc kinh doanh của “ông bà già” cũng gặp khó khăn nên em không dám mở miệng xin. Trốn nợ được 3 tuần, hôm đó, đang trên giảng đường, em nhận được tin nhắn của đàn em ông trùm hẹn gặp ở quán đối diện cổng trường. Ra quán gặp ngay một đội quân “vằn vện, xăm trổ đầy mình”, em biết là họ đến đòi tiền.
Chưa kịp mở miệng nói câu gì, một người đàn ông trong nhóm tiến tới tát em “bốp” một cái, giọng “gầm gè”: “Mày định quỵt tiền sao, con em!?”. Lúc đó em chỉ lắc đầu, miệng lí nhí: “Em đang xoay tiền để trả”. Gã này nói tiếp: “Trưa mai đến vũ trường gặp anh Ng. nói chuyện (Ng. là ông trùm cho em vay tiền), rồi cả đội đó lên xe, rồ ga phóng đi”.
PV hỏi tiếp, “sau đó thì sao?”, Hằng “trăn” tiếp lời, “thì em phải đến đó thôi, dù chưa biết phải tính thế nào. Vậy mà khi đến nơi, ông trùm tỏ thái độ khá mềm mỏng, nói: “Em muốn có tiền trả nợ thì phải chấp nhận làm... quản lý vũ trường cho anh!””. Kể đến đây, không chỉ PV mà bản thân Hằng “trăn” cũng giữ vẻ mặt ngỡ ngàng, Hằng cười nói: “Ban đầu, em tưởng anh Ng. đùa nhưng sau nghe giao kèo, em chỉ còn nước... gật đầu. Theo giao kèo, thì số tiền nợ của em sẽ được xóa trong 1 năm rưỡi. Thời gian này, em phải quản lý vũ trường gồm cả về sổ sách, thu chi. Song, “nhiệm vụ” chính vẫn là tổ chức và trực tiếp “nhậu” cùng “khách đặc biệt” trong giới làm ăn”.
Nói đến đây, Hằng “trăn” lắc lắc ly rượu đã cạn, ý muốn PV rót thêm. PV rót đầy 2 ly rượu, Hằng “trăn” nhấc ly nói: “Bắc Cạn!” (tức là uống hết). Tôi hỏi, “vậy sau đó, em có trả hết nợ không?”. Hằng “trăn” cười, “hết sao được anh, em còn nợ... thêm án nữa ấy”. “Thế là sao” - tôi hỏi? “Thì sau cuộc giao kèo đó, em xin tạm bảo lưu các môn học vì lý do gia đình, rồi “đầu quân” tham gia quản lý vũ trường.
Vũ trường - vốn là thế giới của em nên em tiếp nhận công việc nhanh chóng. Em tổ chức suôn sẻ nhiều bữa nhậu lớn của các đại gia, “sếp” doanh nghiệp. Những bữa tiệc lớn, em đều làm chủ cuộc nhậu và “quẩy” tới bến. Trong tay em khi đó có tới cả chục “đào” nhậu thuê, rồi “chân dài” trong giới showbiz, hoa khôi của một số trường... Em có thể điều họ đi tour dài ngày với đại gia được”, Hằng nói.
“Làm ăn phát thế còn gì”, PV nói. Hằng “trăn” lắc đầu: “Phát gì anh, trong một lần cơ quan chức năng kiểm tra vũ trường, nhiều nhân viên của em và bản thân em lúc đó có chất gây nghiện trong người, số thuốc lắc không kịp tẩu tán nên bị bắt. Em bị bắt vì hành vi tổ chức sử dụng các chất gây nghiện trong vũ trường; môi giới tổ chức múa thoát y tại quán... Chủ vũ trường thì vô can!? Cuộc đời em xuống dốc kể từ đó anh ạ!”.
Và những “đào” rượu... “cắm bản”
Góc khuất của “nghề” này được một tuyến điều tra khác của PV đã tiếp cận và ghi nhận.
Chiến “lắp”, quản lý quán karaoke ở đường Nguyễn Khánh Toàn (TP.Hà Nội) đã lý giải về những góc khuất, ngón nghề hút khách phía sau hậu trường của những quán karaoke Hà thành. Theo Chiến “lắp”, thời điểm này, các quán karaoke “mọc lên” san sát nhau nhưng không phải quán nào cũng “hút” được khách.
Phòng âm, ánh sáng, thiết bị điện tử bây giờ tại các quán hát không khác nhau là mấy nên để khẳng định “thương hiệu” thì các quán phải sở hữu đội “đào” rượu kiêm “đào” hát hùng hậu và “có nghề” để vừa hát, vừa uống, lại vừa trò chuyện được với khách. Cũng theo lý giải của Chiến “lắp”, khách đến quán karaoke mục đích là giải trí, vì vậy ngoài hát, họ còn nhảy nhót nên buộc phải có tiếp viên.
Cũng theo Chiến “lắp”, các “chân dài” phục vụ ở quán karaoke được chia thành 2 loại là "cắm bản" và "dạo". “Chân dài cắm bản” là chỉ những nhân viên, “làm việc” cố định tại một quán karaoke. Đây là những quán karaoke thuộc hàng cao cấp, có quy mô hoành tráng và có sẵn các tiếp viên để phục vụ khách. Bởi, không phải chủ quán nào cũng có thể học theo mô hình này được.
“Đào” rượu “cắm bản” thường được tuyển chọn khá kỹ lưỡng và đồng đều. Thông thường, các tiếp viên sẽ có mặt ở quán từ khoảng 12h trưa và sẽ kết thúc ca “làm việc” vào 12h đêm. Tầng trên cùng của quán là nơi ở và nghỉ ngơi của họ. Mỗi khi có khách hát, các tiếp viên sẽ được “điều” xuống để khách chọn lựa. Nếu không vừa ý, phục vụ sẽ thay bằng một loạt nhân viên mới.
Với những khách hát có kinh nghiệm thì, họ thường bỏ qua loạt “hàng” đầu; bởi “hàng đẹp” bao giờ cũng được “ông trùm” đưa ra sau. Thông thường, “đào” rượu “cắm bản” ở quán nào sẽ chỉ phục vụ cho quán đó. Các nhân viên đều phải tuân thủ theo sự chỉ đạo của quản lý quán. Chiến “lắp” bật mí: “Trung bình, mỗi quán “cắm” 5-7 “đào” rượu. Nhiều quán lớn, có thể “cắm” lên đến gần 20 “đào”. Mỗi quán karaoke đều có những mối ruột là các chủ dịch vụ, khi nhận được điện thoại từ quản lý của quán, các chủ dịch vụ này lập tức điều “đào” đến tận nơi. Đối với các “đào dạo”, họ đều phải đóng “thuế” hàng ngày mới được hoạt động tại quán”.
Đối với các “đào dạo”, theo quy định bất thành văn trong “nghề” này, thì tính từ khi lên phòng với khách, sau 10 phút chưa xuống, nhân viên chạy “xe ôm” được phép tính là một bàn. Khoản tiền mà “đào” phải đóng cho chủ dịch vụ dao động trên dưới 50.000 đồng/lần ngồi bàn với khách. Số tiền này, nhân với tổng số bàn ngồi được trong ngày, “đào dạo” sẽ phải nộp lại cho chủ dịch vụ vào cuối buổi “làm việc”. |