Thảm sát 4 người: Đắng cay người ở lại

Người thân nạn nhân, người thân hung thủ- tất cả đều sống lay lắt sau cơn bão dông của số phận.

Gần hai năm sau ngày Nguyễn Công Dụng gây ra vụ thảm sát đốt nhà giết 4 bốn mạng người ở xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh, Tỉnh Phú Thọ gây chấn động dư luận, chúng tôi trở lại vùng quê ấy.

Vẫn con đê dài nằm dọc sông Lô, vẫn con đường nhỏ buồn hiu hắt dẫn xuống bãi ngô xanh mướt. Dường như không khí đau thương vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong căn nhà nhỏ của ba mẹ con chị Nguyễn Thị Liên - vợ Nguyễn Công Dụng. Khi thấy chúng tôi bước vào, chị òa khóc như một đứa trẻ …

Thảm sát 4 người: Đắng cay người ở lại - 1

Chị Liên sau cơn giông bão của số phận

Sau dông bão của số phận

Căn nhà cấp 4 với đủ mọi loại đồ đạc. Người ta bảo, trong nhà này, thứ quý giá nhất có lẽ là mấy mẹ con chị, những nạn nhân đang sống lay lắt sau cơn bão dông của số phận. Đêm nào chị cũng ngồi vắt bột sắn dây để thêm thu nhập nuôi các con. Mỗi khi mân mê chậu sắn chị lại nhớ đến Dụng với những ký ức gia đình đầm ấm thuở nào. Toàn bộ số sắn dây này là do anh ấy trồng từ trước còn sót lại, đó là món quà duy nhất còn lại anh dành cho vợ con.

Kể từ ngày chồng chị mang án, thời gian trôi qua thật nặng nề, nhưng giờ mọi thứ cũng đã khác, trên nền căn nhà hàng xóm mà Dụng đốt, hiện trường của vụ thảm sát giờ đã mọc lên một ngôi nhà nhỏ. Trong ngôi nhà ấy, hai đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn lầm lũi bước qua những ngày tháng không mẹ cha. Mỗi khi đi qua lối ấy, chị lại ôm mặt lặng lẽ khóc. Cách hàng rào nhỏ là căn nhà của chị Cao Thị Thơm - một nạn nhân khác của chồng chị. Sau khi mẹ và em trai bị giết tức tưởi, cậu bé Đức trở thành bơ vơ. Chỉ vì suy nghĩ nông nổi, Nguyễn Công Dụng đã khiến cho hai gia đình tan hoang chỉ trong một ngày. Hai năm dù chưa lâu nhưng cũng đủ để những ngôi mộ kịp xanh cỏ, song nỗi đau thì như vẫn hiển hiện hàng ngày ngay trước mắt chị.

Từng có một tình yêu lãng mạn

Nhìn chị Liên bây giờ, nhiều người không tưởng tượng được chị từng là con gái một gia đình khá giả. Ngoài việc học hành, chị luôn sống trong những câu chuyện tình ngọt ngào của mấy cuốn tiểu thuyết. Mỗi khi gấp một cuốn sách, chị thường nhắm mắt tưởng tượng về tương lai. Đúng trong thời gian này, Dụng xuất hiện. Mặc cho gia đình chê “thằng ấy hót giỏi chưa chắc đã tốt” nhưng với cô gái mộng mơ, chị lại tin đó là tình yêu tuyệt vời và lao vào như con thiêu thân. Gia đình chị không có ai ưa người yêu dẻo mồm của con gái. Thậm chí những người trong nhà chị còn tỏ thái độ ghét đến mức, cứ thấy mặt là mọi người đuổi, có khi còn dọa báo công an đến bắt. Vốn tính lỳ lợm, Dụng càng trây ì, và cái vẻ trây ỳ ấy càng hấp dẫn một cô gái mới lớn như chị. Chị lại ưa cái chất bụi phủi, bất cần của người đàn ông, khi đó chị thấy Dụng có sức hấp dẫn khủng khiếp. Tình yêu đến với một người nhiều mơ mộng như chị đẹp biết nhường nào.

Dụng bảo anh là con trai của một gia đình danh gia vọng tộc. Chị thì chẳng quan tâm bởi với chị, được yêu và sống bên người đàn ông mình yêu là hạnh phúc rồi, gia thế chẳng có gì quan trọng. Nhưng sau này khi đi lại thân quen, chị mới biết những bộ quần áo Dụng mặc trên người đều đi mượn vì Dụng không có công ăn việc làm. Dù rất sốc trước sự thật nhưng chị lại tự huyễn hoặc mình và cho rằng “vì quá yêu mình nên anh ấy mới nói dối”. Gia đình chị biết chuyện, kịch liệt phản đối nhưng chị bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Và một đám cưới đã diễn ra.

Lúc bấy giờ, chị làm văn thư cho một trường Tiểu học. Cuộc sống của một gia đình mới cưới vô cùng chật vật, nhưng bố mẹ chị không giúp vì giận cô con gái không chịu nghe lời. Nhưng chị lại nghĩ “chỉ cần hai đứa có chí, lo gì không có tương lai”.

Từ một tiểu thư, chị lao vào làm việc để lo cho cuộc sống của mình. Có lúc, chị phải làm việc như nông dân thật sự. Những bỡ ngỡ ấy qua dần theo từng ngày, và đó là khoảng thời gian mà chị cho rằng hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình.

Hạnh phúc càng nhân lên khi chị sinh con trai đầu lòng và đặt tên là Linh. Yêu và trân trọng người vợ dám bỏ gia đình để theo mình, Dụng rất nể vợ. Anh ta làm đủ việc để kiếm tiền. Ngoài công việc đồng áng, Dụng còn chạy đi làm thuê hoặc theo bạn đi buôn.

Bi kịch mối tình tay tư

Mấy năm sau, bé Cúc ra đời. Niềm vui chưa kịp đến cũng là khi chị Liên phát hiện chồng có người đàn bà khác. Lúc này Dụng bộc lộ rõ là một kẻ trăng hoa, Dụng bỏ mặc vợ con, lao vào mối tình vụng trộm. Cứ mỗi lần chị khuyên bảo, anh lại tỉ tê xin lỗi. Mối quan hệ của Dụng chỉ bị phát hiện khi người thân trong gia đình cô ấy lên tiếng. Ở xã Bình Bộ, ai cũng bảo, chưa có người đàn bà nào như chị, dù chồng quan hệ bất chính nhưng chưa một lần to tiếng. Chị bảo với tôi rằng, nếu như đó là một người xa lạ chị cũng chẳng màng nhưng đó là người hàng xóm nhà chị, và người ấy cũng đang có một gia đình êm ấm với hai đứa con đang tuổi ăn học như gia đình chị. Dẫu biết chồng không còn chung thủy với mình nhưng mỗi khi có ai nói về anh, chị lại xua tay “đó chỉ là tin đồn thôi, đừng làm các con tôi nghĩ xấu về bố”.

Chị từng hy vọng, với những việc mình làm, anh ấy sẽ suy nghĩ và sớm trở về với gia đình. Nhưng có ai ngờ, người đàn ông khi đã sa chân vào mối tình vụng trộm ấy càng ngày càng dấn sâu vào tội lỗi. Rồi Dụng và người đàn bà kia còn bàn nhau chuyển ra sống chung trong cái lán nhỏ cuối làng. Trong giờ phút quyết định ấy, bi kịch đã xảy ra… Chị kể đến đây, mắt ướt nhòe. Nỗi đau trong của cái ngày định mệnh ấy dường như luôn ám ảnh chị hàng ngày hàng đêm…

Ngày định mệnh

Hôm ấy, đang chuẩn bị bữa trưa, chị nghe tiếng thét thất thanh từ hàng xóm “cháy rồi, dập lửa đi” rồi có người gọi to “Dụng vừa giết bốn mạng người”. Mâm cơm trên tay chị rớt xuống sàn nhà, chị lao ra cổng, bước chân vội vã vấp phải đá tóe máu. Lên đến đê, chị nghe loáng thoáng ai đó nói “Dụng đã đâm chết vợ chồng Chính - Chi, cộng thêm mẹ con cô Thơm nữa”, không kịp nghe hết câu, chị ngã chúi về phía trước. Ruột gan chị lúc đó như thắt lại, một nỗi đau không thể diễn tả nổi.

Tại cơ quan điều tra, Dụng khai rằng, vốn có tình ý với nạn nhân Chi, hai người đã bàn nhau dọn về sống chung trong căn lán nhỏ cuối làng. Khi sang nhà tìm Chi để bàn kế hoạch thì bắt gặp cô ấy đang nói chuyện thân mật với chồng nên hai bên cãi nhau. Dụng lấy con dao đâm trọng thương anh Chính. Chị Chi lao ra ôm Dụng, trong một phút lỡ tay, hắn đã đâm vào mạch máu của người tình. Chưa hả cơn giận, Dụng quay sang châm lửa đốt cháy luôn cả căn nhà. Trong cái nắng chói chang của tháng 6 cộng với từng đợt gió thổi mạnh từ Sông Lô, căn nhà nhỏ bỗng chốc bốc cháy nghi ngút. Dụng quay đầu bỏ đi. Ai cũng nghĩ anh ta sợ quá chạy trốn nhưng lúc ấy Dụng lại chạy sang đâm chết hai mẹ con chị Thơm, người hàng xóm vốn có xích mích với Dụng từ trước trong chuyện xây dựng bờ rào. Bốn mạng người chết trong một cơn tức giận, để lại nỗi đau cho cả một ngôi làng vốn xưa nay yên bình bên dòng sông.

Sợ bị trả thù, chị chờ mấy hôm rồi mới dám dắt các con sang nhà nạn nhân, quỳ gối trước vong linh người đã chết để mong cầu một sự tha thứ dù tội ác ấy chị và các con không gây ra. Đó là những lời xin lỗi chân thành nhưng đầy nước mắt.

Nỗi đau còn lại

Cuộc sống của ba mẹ con chị từ đó là chuỗi những ngày dài cay đắng. Linh, con trai lớn của chị đang học dở đại học phải bỏ. Thời gian ấy, hình ảnh bố xuất hiện liên tục trên mặt báo là một nỗi ám ảnh khôn cùng nên Linh không đủ can đảm để đến giảng đường.

Còn Cúc, cô con gái bé bỏng của chị cũng không đủ can đảm để đối diện với sự ghẻ lạnh của các bạn. Con bé trốn chui trốn lủi trong góc nhà khiến chị phải năn nỉ đến cạn nước mắt. Thấy mẹ khóc nhiều quá, Cúc chịu trở lại trường học nhưng lúc nào cũng ngồi riêng trong xó lớp, phần vì xấu hổ với tội ác của bố, phần vì sợ bị trả thù.

Sau khi Dụng giết người, hàng xóm lên án mẹ con chị rất nhiều. Người ta bảo tại chị nhu nhược quá nên mới để xảy ra bi kịch. Giá như chị làm ầm lên khi phát hiện mối quan hệ không trong sáng của chồng mình với hàng xóm thì có lẽ, mọi chuyện đã sớm trở lại nếp xưa. Thế nhưng, mọi giả thiết giờ đây đều không còn giá trị khi bi kịch đã xảy ra, người chết đã chết, người sống thì chịu vô vàn đắng cay. Gia đình các nạn nhân còn đòi lấy mạng tất cả những người thân trong gia đình chị để đền bù tội ác mà Dụng gây ra.

Ngày tòa xử chồng, chị đến dự để được nhìn chồng lần nữa bởi chị biết, tội ác mà chồng gây ra sẽ không có mức án nào nhẹ hơn cả. Dẫu biết rằng, giết người thì phải đền mạng nhưng khi nghe tòa tuyên Dụng mức án tử hình, chị vẫn thấy đau đớn vô cùng.

Chị bảo rằng, trong phiên tòa xử sơ thẩm, Dụng lạnh lùng nhìn những người dự khán. Nhưng khi thấy chị bước vào, mắt anh rớm lệ. Dụng quay về phía vợ nói như van xin “tội của anh không ai cứu được đâu. Em cố gắng dạy con nên người và hãy tha thứ cho anh”. Còn chị, chị vẫn cố gắng nghĩ về chồng với những ký ức đẹp đẽ. Giống như vạt sắn dây ngoài kia, luôn là khoảng lặng để mẹ con chị nhớ về anh. Chính những kỷ niệm ấy nên vào mùa sắn dây, chị luôn dành một khoảnh khắc để nhắc mình nhớ về anh.

Vụ án Nguyễn Công Dụng được xem là một vụ thảm sát đẫm máu với bốn mạng người ở xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ vào ngày 23-6-2010. Ngày 20-9, TAND tỉnh Phú Thọ đã mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Công Dụng tử hình và bồi thường cho những người bị hại 250 triệu đồng. Bốn nạn nhân của Dụng bao gồm: Nguyễn Công Chính (SN 1965, em họ Dụng), Hán Thị Chi (SN 1968, là vợ Chính), Cao Thị Thơm (SN 1974) và cậu con trai Ngô Đức Thịnh (SN 1996).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiểu Linh ([Tên nguồn])
Vụ thảm sát 4 người ở Phú Thọ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN