Tham gia trò chơi đổi thưởng tiền mặt, coi chừng phải ngồi tù
Hiện trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều trò chơi (game) đổi thưởng tiền mặt, thu hút thanh - thiếu niên tham gia. Theo đó, người chơi có quyền đổi điểm thắng trong game ra thẻ điện thoại, hoặc rút tiền về, còn nếu đánh thua hết sẽ phải nạp thêm tiền. Nhiều người đặt câu hỏi, những trò chơi này có vi phạm pháp luật?
Phản ánh tới Đường dây nóng ANTĐ, anh L.N.B ở phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, “Em trai tôi đang chơi một game mới có đổi thưởng. Khi đăng nhập vào game này, người chơi được tặng 500 xu và nếu đăng nhập liên tục 30 ngày, có thể đổi được 1 thẻ điện thoại 20.000 đồng. Do vậy, em tôi đã rủ thêm bạn sử dụng nhiều nick ảo “cày” game cả ngày lẫn đêm để săn thưởng. Theo tôi, hình thức game này chả khác nào đánh bạc. Vậy, người chơi có vi phạm pháp luật”?
Dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, về bản chất, game đổi thưởng là một hình thức cờ bạc được “ngụy trang” tinh vi duới vỏ bọc các trò chơi đánh bài đổi thưởng, với mô hình quen thuộc nhất là "Nhà cái cá độ, các thể loại game bài, quay hũ và bắn cá đổi thưởng".
Các hình thức phổ biến để người chơi có thể sát phạt trong game như “nổ hũ”, “tài xỉu”, “tiến lên”, “xóc đĩa”… Điều đáng nói là trong quá trình chơi, người chơi có quyền đổi ngược điểm thắng trong game ra thẻ điện thoại, hoặc rút tiền về tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử. Nếu thua hết, người chơi phải nạp thêm tiền để tiếp tục chơi và mỗi lần nạp tiền vào tài khoản sẽ được nhận thêm chiết khấu hay điểm thưởng.
Chơi game đổi thưởng tiền mặt được quảng cáo khá nhiều trên mạng
Về các quy định liên quan đến game đổi tiền thưởng, Điều 7 Thông tư 24/2014/TT - BTT-TT quy định, vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi điện tử và theo đúng mục đích mà doanh nghiệp đã báo cáo. Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng…
Bên cạnh đó, Nghị định 72/2013/NĐ-CP cũng quy định không được lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy, việc tham gia chơi game đổi thưởng tiền thật, thực hiện việc gửi tiền và rút tiền với số lượng bất kỳ đều bị coi là hành vi phạm pháp. Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà người chơi có thể bị phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự - Luật sư Thu nhấn mạnh.
Về xử phạt hành chính, theo Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, đá gà, tài xỉu… với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản; Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người chơi game đổi tiền thưởng có thể bị xử lý về tội Đánh bạc. Điều 321 BLHS 2015 quy định, người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào, được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.
Trường hợp tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên; Sử dụng mạng internet, phương tiện điện tử để phạm tội… thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm.
Về phía doanh nghiệp cá nhân tổ chức, cung cấp các game đổi thưởng tiền mặt, Luật sư Thu cho biết, Điều 37 Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định, không được lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thể bị phạt từ 70 - 100 triệu đồng nếu không thực hiện đúng cam kết đối với cơ quan cấp phép.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tổ chức, cá nhân cung cấp game đổi thưởng tiền mặt có thể bị xử lý hình sự về tội Tổ chức đánh bạc theo Điều 322 BLHS 2015, với mức hình phạt cao nhất lên tới 10 năm tù.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau cú điện thoại từ một đối tượng giả danh công an, một cụ bà 82 tuổi đã chuyển 1,2 tỉ đồng theo yêu cầu của đối tượng.