Thảm án tình tay ba của cô nữ sinh
Vụ án là những bi kịch đau lòng về mối tình tay ba giữa hai bị cáo và nạn nhân.
Phiên tòa ngày 15/05 vừa qua tại Đà Nẵng đã tuyên án Phan Văn Sử và Phạm Thị Thanh Tuyền tù chung thân về tội giết người. Tình bạn đẹp nhưng nhiều uẩn khúc của hai cô gái Tây Nguyên đã kết thúc bằng một án mạng đau lòng tại Đà Nẵng khi cả hai cùng có quan hệ tình cảm với một chàng trai.
Nghi vấn mối tình đồng tính của bị cáo và nạn nhân
Ngày 15/05 vừa qua, TAND TP. Đà Nẵng đã xét xử vụ án giết người. Nạn nhân là Hồ Thị Lý (SN 1993, ngụ tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đã bị Phạm Thị Thanh Tuyền (sinh năm 1993, ngụ cùng tại huyện Lắk) và Phan Văn Sử (ngụ ở huyện Yên Thành, Nghệ An).
Hai bị cáo một người là bạn thân, một người là người yêu cũ của nạn nhân
Trước khi phiên tòa diễn ra, ở hàng ghế dưới phiên tòa, ba mẹ nạn nhân Hồ Thị Lý ánh mắt thất thần cầm theo di ảnh con gái. Bên cạnh là người thân, họ hàng của nạn nhân.
Tất cả đều khóc đỏ mắt tiếc thương cho đứa con, đứa cháu đã sớm lìa đời khi còn quá trẻ chỉ vì những mâu thuẫn tình cảm tuổi mới lớn.
Khi bị cáo Phạm Thị Thanh Tuyền và Phan Văn Sử được đưa vào, những tiếng khóc nấc lên từ hàng ghế gia đình bị cáo. Tuyền và Sử cúi gằm mặt, nhưng ánh mắt không có vẻ gì là ân hận về tội lỗi gây ra cho nạn nhân.
Ba bị cáo Tuyền, Tuấn và Sử tại tòa
Những người tham dự phiên tòa đã nhiều lần nén tiếng thở dài khi nghe những bi kịch về mối tình tay ba giữa hai bị cáo và nạn nhân được hé lộ.
Bị cáo Phạm Thị Thanh Tuyền và Hồ Thị Lý vốn là bạn học chơi thân thiết từ thời phổ thông. Tuy nhà Tuyền ở thị trấn, nhà Lý ở xã vùng xa, đi lại thị trấn không mấy tiện lợi nhưng cả hai chơi rất thân với nhau.
Hầu như ngày nào, Tuyền cũng đạp xe xuống nhà Lý chơi cả chiều, có hôm ở lại cả tối. Thấy Tuyền và Lý thân nhau, cho rằng đó là tình cảm bạn gái thân thiết bình thường, ba mẹ Lý không hề ngăn cấm Lý chơi với Tuyền.
Nhưng những dấu hiệu bất thường về mối quan hệ này bắt đầu gây ra những nghi vấn cho bạn bè của Lý và Tuyền ở lớp và gia đình Lý.
Có lần bố mẹ Lý bắt gặp Lý và Tuyền đóng cửa ở trong phòng cả tiếng đồng hồ, khóa chặt cửa đùa vui với nhau, không cho ai vào. Đi đâu Lý với Tuyền cũng như hình với bóng. Tuyền lại không chơi với con trai và tỏ ý ghen tức khi bất cứ bạn nam hay bạn nữ nào tỏ ý tán tỉnh hay thân thiết với Lý.
Những lời xì xào về mối quan hệ trên mức bạn gái bình thường giữa Lý và Tuyền đến tai ba mẹ Lý. Ba mẹ Lý đã cấm không cho Lý kết bạn với Tuyền vì “không chấp nhận được những mối quan hệ tình cảm lệch lạc”.
Để phản kháng lại sự cấm đoán này của gia đình Lý, Tuyền rủ Lý xuống TP.HCM ở mấy tháng, cho đến khi gia đình Lý xuống bắt Lý về, cả hai mới chịu về.
Ở nhà Lý là con ngoan, hiền lành, nghe lời ba mẹ. Thấy ba mẹ cấm cản dữ quá, ngày đêm khuyên bảo, mẹ Lý khóc hết nước mắt, Lý nghe lời ba mẹ không chơi với Tuyền nữa. Lý tránh mặt Tuyền và tỏ rõ sự lạnh nhạt với Tuyền khiến Tuyền cảm thấy tổn thương nặng nề.
“Kẻ thứ ba” châm ngòi những bi kịch tình yêu
Rồi Lý cũng quên đi tình cảm với Tuyền. Những lời đồn về mối quan hệ đồng giới đặc biệt của Lý và Tuyền cũng không còn ì xèo ở huyện Lắk. Ba mẹ Lý rất vui khi thấy Lý đã chịu khó chơi với các bạn nam và có người yêu.
Người yêu Lý là Phan Văn Sử (quê ở Yên Thành – Nghệ An). Sau khi đi nghĩa vụ quân sự, vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, vùng quê Yên Thành khó làm ăn, Phan Văn Sử vào Tây Nguyên học nghề mộc.
Thời gian học nghề ở xưởng mộc tại huyện Lắk, Sử gặp và yêu Lý. Thấy con gái có người yêu, ba mẹ Lý mừng rỡ, cố sức tạo điều kiện cho cả hai đi lại. Nhưng sau một thời gian ngắn, chuyện tình của Lý và Sử tan vỡ vì một “kẻ thứ ba”. “Kẻ thứ ba” đó không ai khác chính là Phạm Thị Thanh Tuyền.
Thấy Lý có người yêu, Tuyền vô cùng căm hờn, tức giận vì bị “phụ bạc” tình cảm. Tuyền đã lên kế hoạch trả thù Lý bằng cách cướp Sử khỏi tay Lý. Tuyền là con gái nhưng mạnh bạo, không ngại tiếp cận Sử. Không lâu sau, Sử đã quay lưng với Lý để đi theo tiếng gọi tình yêu với Tuyền.
Chuyện Tuyền cướp người yêu của Lý khiến Lý và gia đình vô cùng tức giận. Ba mẹ Lý không ngớt lời mắng Tuyền dám làm những việc trái đạo đức. Còn Lý thì không thèm nhìn mặt Tuyền. Vì giận Tuyền cướp bạn trai, nên khi ba Tuyền bị bệnh qua đời, Lý đã không đến dự đám tang.
Chưa đầy tháng sau đó, mẹ Tuyền lại bị tai nạn giao thông. Tức giận về những hành động mà Tuyền cho là “bạc bẽo” của Lý, Tuyền như người bị đổ thêm dầu vào lửa.
Thấy mẹ bị tai nạn giao thông, dù không có bằng chứng, Tuyền vẫn đinh ninh đó là do gia đình Lý đã thuê người gây ra tai họa cho nhà mình.
Tuyền đã nói những lời ngon ngọt với Sử, kích động Sử, nhờ Sử ra tay nghĩa hiệp, trả thù cho gia đình Tuyền. Sử và Tuyền đã âm mưu đưa em trai của Lý là Hồ Văn Trung ra chỗ vắng để giết, nhưng âm mưu không thành. Sử và Tuyền lại quay sang thực hiện âm mưu giết Lý, quyết không từ bỏ oán thù.
Tháng 10/2011, nghe tin Lý xuống Đà Nẵng trọ học, Sử và Tuyền đã bắt xe xuống Đà Nẵng tìm Lý. Sử nhờ một người bạn đang làm thuê ở Đà Nẵng là Tuấn lấy xe máy đưa đi tìm Lý.
Khi đến khu trọ của Lý, thấy bạn bè kêu Lý đi chợ ở trên đường Trưng Nữ Vương, cả ba lại kéo đến đây. Thấy Lý bước ra khỏi khu chợ, Sử đã lao đến, đâm liên tục mấy nhát dao vào người Lý, khiến Lý gục tại chỗ.
Sau khi gây ra vụ án, ám ảnh về cái chết của Lý, lại biết mình khó thoát khỏi tội, Tuyền đã được gia đình vận động đưa ra công an đầu thú. Tên Tuấn – đồng phạm đã giúp đỡ Tuyền và Sử cũng ra đầu thú. Chỉ có Sử là trốn về Nghệ An.
Xác định đây là vụ án nghiêm trọng, PC47 đã cho một tổ công tác ra Nghệ An bắt Sử. Nhưng Sử sau khi biết Tuyền đã đầu thú và thú nhận toàn bộ tội trạng đã đến trụ sở Công an huyện Yên Thành để đầu thú. Sử bị di lý về Đà Nẵng sau đó để phục vụ điều tra.
Trong phiên tòa, bên cạnh nỗi đau của gia đình nạn nhân, gia đình bị cáo cũng có những bi kịch trớ trêu. Dưới hàng ghế, người thân của Sử ánh mắt buồn bã, xót xa, thắc thỏm chờ đợi bản án được tuyên.
Bố mẹ Sử đều là người lương thiện, dạy dỗ Sử cặn kẽ, chỉ mong Sử nên người. Khi Sử gây ra chuyện, gia đình Sử ai cũng bàng hoàng về sự thật phũ phàng. Mẹ của Tuyền cũng đau xót không kém khi vừa mất chồng chưa lâu, nay lại thấy con gái sắp sửa bị kết án vì tội giết người.
Đáng tiếc trong vụ án này có lẽ chính là Tuấn. Trong phiên tòa, Tuấn cho rằng đã bị hai bị cáo kia lợi dụng. Luật sư bảo vệ cho Tuấn cũng nói rằng Tuấn không hề biết được âm mưu giết người của Sử và Tuyền nên đã vô tình tiếp tay cho hai bị cáo trên mà không hề biết.
Khai nhận tại phiên tòa, Sử thừa nhận Sử từng có mối quan hệ tình cảm với nạn nhân, cũng không có bất cứ mâu thuẫn gì với nạn nhân sau khi chia tay, nhưng vì bị Tuyền khích bác, muốn ghi điểm với bạn gái mới, nên Sử đã sẵn lòng tước đoạt sinh mạng của bạn gái cũ.
Đáng trách trong vụ án này chính là Tuyền, người đã kích động, xúi giục người yêu, gây ra vụ án tình tay ba đau lòng.
Mặc dù Tuyền khẳng định đó chỉ là phút giây bồng bột nông nổi, là hành động bột phát, nhưng không ai chấp nhận lời bào chữa của Tuyền, vì Tuyền đã có thời gian chuẩn bị kỹ cho kế hoạch này, nhiều lần nhắn tin kích động Sử gây án và cùng Sử đi từ Đắk Lắk xuống Đà Nẵng.
Nên HĐXX đã bác lời bào chữa của luật sư cho rằng Tuyền gây án trong tình trạng bột phát, bị kích động. Kết thúc phiên tòa, Sử và Tuyền bị tuyên án chung thân, Tuấn bị kết án 9 năm. Cả 3 bị dẫn giải ra khỏi phiên tòa mà không dám quay lại nhìn gia đình nạn nhân một lần.
Chỉ có ba mẹ Lý là cứ ngồi ở hàng ghế dưới phiên tòa khóc và luôn miệng gọi tên Lý. Dù đã ngăn cấm mối quan hệ bất thường của con gái với người bạn thân, ba mẹ Lý vẫn không ngăn được bi kịch xảy ra cho con gái mình.