Thảm án ở Hà Giang: Người tâm thần gây án, ai chịu trách nhiệm?

Người giám hộ người mắc bệnh tâm thần gây ra án mạng nếu không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Thảm án ở Hà Giang: Người tâm thần gây án, ai chịu trách nhiệm? - 1

Đối tượng Phù Minh Tuấn, nghi can gây thảm án 4 người chết ở Hà Giang có tiền sử mắc bệnh tâm thần.

Hạn chế nhận thức… vẫn phải ngồi tù

Vừa qua, Công an tỉnh Hà Giang đã bắt giữ đối tượng Phù Minh Tuấn (sinh năm 1984), nghi phạm gây ra vụ án làm 5 người thương vong, trong đó 4 người đã chết, 1 người bị thương.

Thông tin ban đầu từ Công an tỉnh Hà Giang, Tuấn có tiền sử bị bệnh tâm thần nặng, Tuấn bị bắt buộc đưa đi chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương, mới được về nhà tháng 7.2016.

Vụ án đau lòng khiến dư luận bức xúc, đau lòng hơn khi nghi phạm và nạn nhân là người thân trong gia đình. Tuy nhiên, Tuấn lại có biểu hiện mắc bệnh tâm thần.

Một số bạn đọc đặt câu hỏi, nếu bị tâm thần, Tuấn có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) cho biết: Theo Luật Tố tụng Hình sự, khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can khi có đủ căn cứ xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội.

Đối với trường hợp Phù Minh Tuấn, sau khi đủ căn cứ xác định vụ án giết người thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội “Giết người” đối với Tuấn.

Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ xác định Tuấn từng bị bệnh tâm thần hoặc có dấu hiệu bất ổn về tâm lý mà cơ quan điều tra có nghi ngờ về năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra cho bị can đi giám định tâm thần và quyết định trưng cầu giám định theo Luật Tố tụng Hình sự để xác định năng lực trách nhiệm hình sự.

“Kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ quyết định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của bị can. Kết luận giám định sẽ xảy ra 2 trường hợp.

Thứ nhất, nếu bị can bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”.

Tuy nhiên hành vi phạm tội của bị can sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt do bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức điều khiển hành vi.

Thứ hai, nếu bị can bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức và năng lực điều khiển hành vi thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Sau khi đã được Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ vụ án. Khi đó, cơ quan điều tra sẽ đưa họ đi chữa trị cho đến khi ổn định, rồi bàn giao cho gia đình và địa phương.

Như vậy, nếu Tuấn bị tâm thần nhưng hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước trong sau khi phạm tội thì vẫn phải chịu trạch nhiệm hình sự về tội “Giết người””, luật sư Thơm nói.

Thảm án ở Hà Giang: Người tâm thần gây án, ai chịu trách nhiệm? - 2

4 người vô tội đã chết do nghi phạm có tiền sử mắc tâm thần gây ra.

Người giám hộ sẽ chịu trách nhiệm bồi thường

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, qua công tác tham gia bào chữa, ông gặp nhiều trường hợp các bị can, bị cáo là người bị bệnh tâm thần hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, gây ra hậu quả giết người hết sức đau lòng và thương tâm.

Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cá nhân, cơ quan nào có trách nhiệm đưa người mắc bệnh tâm thần đến cơ sở khám, chữa bệnh điều trị khi người bệnh chưa phạm tội.

“Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Việc bắt buộc chữa bệnh này chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Như vậy trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần khi khám điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình. Nó còn phải phụ thuộc vào đều kiện hoàn cảnh kinh tế, sự e ngại không muốn cho mọi người biết có người nhà bị bệnh…

Điều này khiến nhiều người sức lo lắng về việc quản lý người bị bệnh tâm thần trong xã hội, đặc biệt sau các vụ trọng án gần đây”, luật sư Thơm nói.

Tuy nhiên, theo luật sư Thơm, Bộ Luật Dân sự đã quy định rõ, khi người bị mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì phải được Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Khi đó thì cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con của người đó mới trở thành người giám hộ đương nhiên.

Trường hợp không có người giám hộ đương nhiên thì UBND xã, phường, thị trấn nơi người bệnh cư trú có trách nhiệm cử hoặc đề nghị người giám hộ. Như vậy, kể cả trong trường hợp nếu người bị bệnh tâm thần được miễn trách nhiệm hình sự thì người giám hộ nếu không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra theo Điều 606, Bộ Luật dân sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Thảm án 4 người chết ở Hà Giang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN