Tết của những người bị hàm oan

Sự kiện: Tin pháp luật

Cuộc sống mưu sinh, học tập của những người bị oan sai còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên trong những ngày Tết, họ đón nhận được những tin vui khiến nhiều người cũng vui theo.

Chàng khờ lấy vợ 3

Mùng 1 Tết, ngôi nhà nhỏ của ông Phạm Văn Lến (42 tuổi, ngụ khóm Biển Dưới, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) lúc nào cũng rộn vang tiếng cười của ông Lến và người vợ trẻ mới cưới. Bà con lối xóm đến chúc phúc cho đôi vợ chồng son và mong cho ông Lến lần này không còn phải ‘đứt gánh’ giữa đường. Bởi lẽ trước khi ông Lến cùng anh ruột là Phạm Văn Lé (55 tuổi) và bà Thạch Thị Xem (vợ ông Lé) vướng vào vòng lao lý do các cơ quan tiến hành tố tụng ở Sóc Trăng gây ra oan sai, ông Lến từng có 2 đời vợ nhưng sau đó sớm… đường ai nấy đi. Bản thân ông Lến từ bị ‘tin tin’ (bị tâm thần nhẹ từ nhỏ) nên sau khi chia tay 2 người vợ đầu, chẳng một ai ở xứ biển Biển Dưới có thể ngờ người đàn ông này tiếp tục ‘lọt vào mắt xanh’ của một cô gái nào đó. Vậy mà mới đây, một cô gái trẻ (cũng ‘tin tin’ như ông Lến) cùng quê đã gật đầu về sống chung với ông Lến trong căn nhà nhỏ được sửa chữa lại từ số tiền bồi thường oan sai mà VKSND tỉnh Sóc Trăng đã chi trả cho ông.

Tết của những người bị hàm oan - 1

Tết của những người bị hàm oan - 2

Vợ chồng ông Lến lúc nào cũng rộn vang tiếng cười

Sát vách nhà ông Lến, căn nhà của vợ chồng ông Lé cũng được ‘tân trang’ để chào đón năm mới. Kể từ ngày được minh oan, ông Lé vẫn chưa tìm được việc làm ổn định. Tuy nhiên mỗi khi ở lối xóm, ai cần phụ giúp việc gì thì ông cũng đều có mặt.

Tết của những người bị hàm oan - 3

2 căn nhà nhỏ của ông Lến và ông Lé

Sở dĩ cả 3 người trong gia đình ông Lé bị bắt oan là vì theo cáo trạng của VKSND tỉnh Sóc Trăng: Vào khoảng 0 giờ ngày 3- 8- 2012, sau khi nhậu say, ông Lâm Tài Mấu và Trần Đức Minh tìm đường về nhà. Khi đi ngang qua nhà ông Lé, Mến bất ngờ dừng lại chửi và đập cửa nhà ông Lé. Vừa mở cửa ra, ông Lé phát hiện Mấu định nhào đến nên đã đẩy ra, sau đó tát một cái làm Mấu ngã xuống sân. Bà Xem cũng dùng cây đánh vào chân Mấu 2- 3 cái. Thấy vậy, Minh chạy đến kéo Mấu đứng dậy để về. Khoảng 15 phút sau, Mấu tiếp tục quay lại chửi và đe dọa ông Lé bằng những lời lẽ thô tục. Tức giận, ông Lé chạy ra sau nhà lấy cây gài cửa đánh vào đầu Mấu 2 cái. Sau khi nằm bất động khoảng 8 phút thì Mấu tự động đứng dậy đi về, Minh đi theo sau. Đi chung được một đoạn trên con lộ đan nông thôn, Minh quay lại nhà người thân của mình ngủ vì không thấy Mấu đâu. Đến 2 giờ 45 phút cùng ngày, người dân phát hiện Mấu nằm chết ở ven lộ Nam Sông Hậu, cách nhà ông Lé gần 1,5 km. Kết luận của giám định pháp y cho thấy, nạn nhân tử vong do chấn thương sọ não.

Tết của những người bị hàm oan - 4

Ông Lé trong một lần bị áp giải ra tòa

Trong cáo trạng cũng thể hiện, trong lúc xảy ra sự việc, do ở sát vách nhà anh mình nên Lến cũng mở cửa ra xem nhưng chỉ… quấn mền ngồi nhìn, sau đó đóng cửa lại và chui vào mùng ngủ tiếp vì… sợ liên lụy. Vài ngày sau khi xảy ra cái chết của ông Mấu, ông Lến cũng đến cơ quan điều tra ‘đầu thú’ để khai báo hành vi phạm tội của anh mình. Từ đây, cả 2 cùng bị khởi tố, bắt giam về tội ‘giết người’. Bà Xem cũng bị khởi tố về tội ‘không tố giác tội phạm’ nhưng được cho tại ngoại. Sau nhiều lần đưa ra xét xử, từ cuối tháng 7- 2014, ông Lến và ông Lé lần lượt được trao trả tự do vì Bà Đào Thị Quới (mẹ của ông Lé và ông Lến), cho biết ông Lến từ khi sinh ra đã mắc bệnh khù khờ. Hàng ngày, Lến cứ vui đùa với những đứa trẻ trong xóm. Đã 2 lần đám cưới nhưng vợ Lến chỉ ở được vài ba ngày rồi cuốn gói ra đi. Hôm xảy ra vụ việc, bà ngủ chung nhà với ông Lến và xác nhận cả 2 mẹ con không hay biết gì. Đến trưa cùng ngày, Lến mới thức dậy thì không thể nói là đã chứng kiến toàn bộ vụ việc.

Cuối tháng 10- 2015, VKSND tỉnh Sóc Trăng đã bồi thường gần nửa tỷ đồng cho ông Lé, ông Lến và bà Xem.

Cậu học trò nghèo tiếp tục đến trường

Những ngày cận Tết, anh Lê Minh Nhựt (19 tuổi, ngụ huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) cũng nhận được tin vui là vì một trường THPT ở TP Cà Mau đã đồng ý nhận Nhựt vào học tiếp học kỳ 2 lớp 10. Khoảng một tháng trước Tết, Nhựt phải rời TP Cần Thơ do bị nhóm bạn học chung trường tư thục thường xuyên gây sự và đánh.

Tết của những người bị hàm oan - 5

Tết của những người bị hàm oan - 6

Nhựt (giữa), Ca và Khang lúc bị đưa ra xét xử và lúc được minh oan cho về nhà

Ông Lê Văn Mỹ (cha của Nhựt) cho biết Nhựt học tại Cà Mau sẽ giúp cho vợ chồng ông cảm thấy an tâm hơn khi phải học xa nhà. Tết năm nay, dù sống trong nhà trọ nhưng vợ chồng ông cũng cảm thấy vui trước tin con trai được tiếp tục đến trường.

Tết của những người bị hàm oan - 7

Nhựt trở về Cà Mau học tiếp lớp 10

Trước đó, sau khi được trả tự do, Nhựt xin học tiếp lớp 10 tại Cà Mau nhưng bị gây khó dễ nên một mạnh thường quân ở TP HCM đã hỗ trợ Nhựt khoản tiền để lên TP Cần Thơ học. Một trong những nguyên nhân khiến Nhựt cùng Nguyễn Vũ Ca và Nguyễn Hoàng Khang bị bắt giam oan hơn một năm trời trong vụ án cướp tài sản là vì bị hại có quá nhiều lời khai mâu thuẫn nhưng cơ quan điều tra và VKSND huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau không nhận ra. Tới khi cả 3 phiên tòa sơ thẩm diễn ra, HĐXX của TAND huyện Cái Nước đều quyết định tạm hoãn do xác định vụ án còn thiếu chứng cứ buộc tội, lời khai của bị hại lúc vầy lúc khác, trong khi cả 3 bị cáo đều kêu oan và cho rằng bị một phó công an xã đánh, ép nhận tội chứ bản thân họ không biết gì về vụ án.

Đầu tháng 1- 2017, cả 3 thanh niên này đã làm đơn khởi kiện ra tòa đối với VKSND huyện Cái Nước sau khi thương lượng số tiền bồi thường oan sai bất thành. Nhựt, Khang và Ca không đồng ý nhận số tiền khoảng 100- 150 triệu đồng cho hơn một năm bị bắt giam oan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Tuấn (Người lao động)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN