Tăng thẩm quyền điều tra cho công an xã: Vẫn nhiều lo ngại
Khi cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 27.2, nhiều ý kiến đã tỏ ra không đồng tình khi dự luật bổ sung quy định lực lượng công an xã được tiến hành một số hoạt động điều tra.
Tham gia bước đầu hoạt động điều tra
Điểm bổ sung của dự luật cụ thể như sau: Khi công an xã thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự mà phát hiện bắt giữ hoặc tiếp nhận người phạm tội quả tang thì lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, lấy lời khai, vẽ sơ đồ hoặc bảo vệ hiện trường, khám người, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu có liên quan theo quy định của pháp luật, dẫn giải người bị bắt lên cơ quan công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Cụ thể, tại Điều 28 quy định: "Trường hợp tiếp nhận người phạm tội quả tang do nhân dân giải đến thì tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, cử người vẽ sơ đồ hoặc bảo vệ hiện trường, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết; đồng thời, báo ngay cho cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện. Trường hợp tiếp nhận người đang bị truy nã do nhân dân bắt, giải đến thì tiến hành lập biên bản bắt người đang bị truy nã, lấy lời khai; đồng thời, báo ngay cho cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện...".
Có thể thấy khi cụ thể hoá vấn đề này vào dự thảo luật, một số nội dung đã được lược bớt.
Nhìn ra xa hơn, việc trao quyền điều tra cho công an xã vốn không phải bây giờ mới có. Nó đã được cân nhắc và quy định khá cụ thể trong Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Nghị định 73/2009 của Chính phủ và Thông tư 2010 của Bộ Công an.
Đồng tình với dự thảo luật, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng: Pháp lệnh Công an xã đã ghi nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng này. Trong công việc, lực lượng công an xã đã làm một số nhiệm vụ điều tra như bảo vệ hiện trường, lấy lời khai ban đầu của nhân chứng, nạn nhân khi cơ quan điều tra chưa đến, hoặc có người phạm tội ra đầu thú tại công an xã thì họ phải lập biên bản, đó cũng là hoạt động điều tra.
Theo ông Ksor Phước, quy định điều tra của công an xã nên đưa vào dự Luật vì nó không trái với pháp lệnh. Vấn đề là quy định cụ thể công an xã được làm đến mức nào mà thôi.
Nhiều lo lắng, tâm tư
Theo nhìn nhận của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án luật trên thì công an xã chỉ là lực lượng bán chuyên trách, trình độ của công an cấp xã ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra.
"Việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho công an xã sẽ vượt quá khả năng của công an xã, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho cơ quan điều tra chuyên trách hoặc làm bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội" - ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Chính bản thân lực lượng công an xã cũng không mấy mặn mà với điều này. Trao đổi với NTNN, đại úy Chung Văn Dự – Trưởng công an xã Hòa Thành, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau đánh giá: Nếu được giao thêm quyền như trong dự thảo luật thì đội ngũ công an xã cần phải được đào tạo chính quy mới có khả năng đáp ứng được.
“Còn hiện tại lực lượng công an xã còn nhiều hạn chế, chủ yếu là nguồn nhân lực hợp đồng (là người tại địa phương) không thông qua các khóa đào tạo về chuyên ngành điều tra. Điều này đỏi hỏi lực lượng phải chính quy mới đảm nhiệm được” - đại uý Dự phân tích.
Ông Phạm Thanh Khiết – Trưởng công an xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) cũng đồng tình khi cho biết, nhân lực ở cấp xã đang thiếu trầm trọng, thiếu cả phương tiện phục vụ cho công tác điều tra.
“Theo Pháp lệnh Công an xã, tại xã có 2 lực lượng: Công an chính quy đưa về giữ các chức danh trưởng, phó công an xã, hai là công an viên hợp đồng tại chỗ. Hiện tại xã Đất Mũi có 7 người (1 trưởng, 2 phó và 4 công an viên), trong khi địa bàn quản lý rộng, phức tạp do là xã bãi ngang. Do đó nếu tăng thẩm quyền điều tra thì công an xã không thể đáp ứng được”.