Tâm sự của mẹ kẻ giết bạn gái mang thai
Chỉ qua 1 năm yêu nhau mà Hằng đã 2 lần mang trong mình giọt máu của Ánh. Nhưng khi nghe người yêu báo tin có bầu, Ánh đã bắt người yêu đi phá, lần đầu Hằng nghe lời, lén lút đi phá thai.
Đến lần thứ hai tiếp tục mang thai, lần này Hằng kiên quyết giữ đứa bé và yêu cầu Ánh phải cưới. Bị dồn ép, hắn đã thủ sẵn một con dao, hẹn người yêu ra bờ biển để “tâm sự”, sau khi quan hệ tình dục xong, Ánh đã nhẫn tâm ra tay giết người yêu một cách dã man.
Vụ án mạng đau lòng trên người dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định thương xót cho số phận của nạn nhân Cao Thị Hằng bao nhiêu, thì lại càng thương cảm cho hoàn cảnh của gia đình anh Phạm Văn Tiến và chị Lê Thị Hương, bố mẹ nuôi của hung thủ Phạm Tuấn Ánh, bấy nhiêu.
Với gương mặt hốc hác, mắt thâm quầng vì nhiều đêm thức trắng, anh Tiến kể lại cho chúng tôi nghe về thời gian hơn 17 năm kể từ ngày vợ chồng anh xin Ánh trong trại trẻ mồ côi TP Nam Định đem về nuôi nấng, chăm sóc.
Năm 1990, anh Tiến và chị Hương tổ chức đám cưới, từ tình yêu thương, anh chị đã nên đôi vợ chồng, sống hạnh phúc với nhau. Dù cuộc sống khó khăn, chỉ trông chờ vào vài sào ruộng và đồng tiền ít ỏi khi anh đi làm thợ xây. Rồi hạnh phúc nhân đôi, sau khi cưới chị Hương thông báo có tin vui, nhưng hạnh phúc ngắn ngủi khi đi BV khám, bác sỹ kết luận chị bị chửa ngoài dạ con, sau đó phải cắt đi 1 bên buồng trứng. Liên tiếp sau đó, chị hay đau ốm rồi không có khả năng sinh con được nữa. Đến tháng 9-1995, vợ chồng anh lên trại trẻ mồ côi TP Nam Định xin con nuôi, khi đón nhận một bé trai còn đỏ hỏn từ tay cán bộ trại trẻ, vợ chồng anh vui mừng, hạnh phúc khôn xiết. Nhanh chóng làm mọi thủ tục pháp lý để khai sinh và đặt tên cho con là Phạm Tuấn Ánh.
Nói đến quá trình nuôi Ánh lúc còn bé, chị Hương cho biết: “Lúc nhận Ánh từ trại trẻ mồ côi Ánh chỉ mới được 7 ngày tuổi, không ai biết bố mẹ đẻ của Ánh. Khi đưa con về nhà nó luôn quấy khóc vì không có sữa mẹ, chỉ nuôi bằng sữa ngoài, Ánh thường xuyên bị đau bụng đi ngoài, tình trạng đó kéo dài đến khi Ánh lên 5 tuổi. Vợ chồng tôi chạy chữa hết nơi này đến nơi khác, kinh tế gia đình khó khăn con lại đau ốm liên miên, có khi vợ chồng tôi phải nhịn ăn để có tiền mua sữa cho con. Đến khi đi học lớp 1, Ánh bắt đầu khỏe mạnh hơn, học giỏi và rất ngoan ngoãn. Ông bà nội ngoại và các bác, các cô ai cũng thương yêu Ánh như máu mủ ruột thịt. Năm Ánh học lớp 7, trong một lần đi học cõng bạn bị ngã gãy xương, cả gia đình tôi chạy đôn chạy đáo lo lắng cho con hết mức. Dần lớn lên đi học năm nào Ánh cũng là học sinh giỏi của trường, khiến vợ chồng tôi rất vui mừng. Chính vì thế mà khi xảy ra chuyện này, là một cú sốc lớn cho gia đình tôi”.
Anh Tiến tiếp lời vợ: “Từ ngày bé, Ánh nó hiền như bụt, lúc nào cũng nhẹ nhàng, chưa bao giờ cháu to tiếng với ai nên thầy cô và bạn bè đều quý mến. Khi bắt đầu học lên cấp 3, gia đình thấy Ánh học kém hơn và có nghe người ngoài nói là Ánh ham chơi, về nhà tôi cũng theo dõi và khuyên dạy. Mỗi lần bố mẹ nhắc nhở Ánh đều vâng, dạ, rất ngoan, cũng chăm chỉ làm việc vặt cho bố mẹ”. Cho đến ngày 31-1-2013, Ánh nghỉ học bỏ nhà đi mà không nói với ai một câu nào, mọi người chia nhau đi tìm, liên lạc hết người thân quen nhưng không có thông tin gì. Sau 10 ngày thì Ánh trở về có nói chuyện qua loa, lúc đó chúng tôi mới biết Ánh yêu cháu Hằng và cùng Hằng bỏ vào Sài Gòn tìm việc. Ánh nói rằng khi vào Nam 2 đứa xin việc làm ở hai chỗ khác nhau, rồi Ánh bỏ về trước, Hằng vẫn ở lại. Sự việc Hằng gọi điện cho mẹ Hằng nói đang ở Thái Nguyên là để đánh lạc hướng để gia đình không đi tìm nữa. Khi nghe con nói như thế, tôi cũng khuyên nhủ con còn ít tuổi, con trai phải lo sự nghiệp, không nên yêu sớm. Rồi sau đó, thấy Ánh cũng bình thường trở lại.
Tôi vẫn nhớ như in, lúc còn nhỏ cho đến lúc học lớp 7, mỗi lần ai đó hỏi có yêu bố không, thơm bố đi nào, là con lại ôm tôi rất chặt và thơm tôi, tôi không bao giờ quên được những kỷ niệm đó. Giờ con gây ra chuyện, gia đình tôi sốc nặng, vợ tôi không còn nước mắt để khóc nữa.
Nhiều người hàng xóm nói với tôi rằng, nhà tôi vô phúc, nhưng tôi nghĩ vợ chồng tôi đã hy sinh tất cả để nuôi nấng và chăm sóc, dành tất cả tình yêu thương cho Ánh khi nó bị bỏ rơi đó là làm phúc. Từ khi bị bắt, chúng tôi chưa được gặp con, cũng chưa có tin tức gì, thương con muốn đưa chăn gối, áo quần cho con cũng không biết đưa đến đâu. Giờ đang ngồi trong vòng lao lý, Ánh có biết hối hận về những tội lỗi của mình gây ra hay không? Khi nghe được những lời nói xuất phát từ tình yêu thương của người bố không cùng chung huyết thống, Ánh sẽ suy nghĩ được gì?”.
Ánh là con nuôi nhưng vợ chồng tôi yêu thương như con đẻ, chắt chiu dành dụm cho con mọi thứ tốt nhất. Chúng tôi cũng chưa khi nào nói với Ánh là con nuôi, vì trong tâm trí vợ chồng tôi, Ánh không khác gì máu mủ. Chính vì thế mà sau lần bỏ đi trở về Ánh mới biết mình là con nuôi khi làm thủ tục giấy tờ trên UBND xã. Khi biết sự thật, mặc dù Ánh không nói ra, nhưng là người bố nuôi con từ khi còn đỏ hỏn, tôi biết được Ánh rất hạnh phúc và quý trọng cuộc sống hơn khi được ông bà và bố mẹ yêu thương. Bình thường Ánh tình cảm với mẹ hơn bố, tâm sự với mẹ nhiều hơn nhưng nhìn ánh mắt và hành động của con tôi cảm nhận được điều đó.
(Trích lời tâm sự của chị Lê Thị Hương)