Tám ngân hàng bị lừa 1.072 tỉ đồng

Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C48) vừa chuyển hồ sơ sang VKS Tối cao, đề nghị truy tố 27 bị can trong vụ án lừa đảo tại Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam, phường 7, TP Sóc Trăng (Phương Nam).

Điều đáng nói là trong 27 bị can thì có đến 25 bị can của tám ngân hàng tại vùng ĐBSCL bị đề nghị truy tố tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và họ dễ dàng bị người của Phương Nam “xỏ mũi”, cuỗm mất 1.072 tỉ đồng.

Từ năm 2006, để khuyến khích phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, Chính phủ có nhiều chính sách giải quyết các khó khăn về vốn cho doanh nghiệp để mở rộng sản xuất kinh doanh, thu mua nguyên liệu…. Tuy nhiên, việc cho vay bị khống chế theo tỉ lệ tài sản, hàng tồn, hạng mức…

Để nâng hạng mức tín dụng, ông Lâm Ngọc Khuân, giám đốc Phương Nam, chỉ đạo báo cáo tài chính khống; có một khai mười; cam kết khống; lỗ nặng nhưng báo lãi khủng. Theo C48, từ năm 2008 đến 2010, Phương Nam toàn lỗ (đến hàng trăm tỉ đồng) nhưng trong 19 báo cáo tài chính, Phương Nam báo lãi. Lượng hàng tồn kho chỉ có hơn 120 tỉ đồng, ông Khuân chỉ đạo nâng khống lên gần 750 tỉ đồng thế chấp để vay nhiều lần tại nhiều ngân hàng khác nhau.

Theo C48, từ năm 2008 đến 2012, Công ty Phương Nam đã vay tại tám ngân hàng với số tiền hơn 16.000 tỉ đồng. Trong số này, gần 10.000 tỉ đồng sử dụng sai mục đích, chủ yếu để đáo nợ ngân hàng và chiếm hưởng cá nhân.

C48 cho rằng nếu cán bộ ngân hàng công tâm, làm hết trách nhiệm thì họ không dễ dàng bị “xỏ mũi”. Nhiều bị can là cán bộ ngân hàng “ngây thơ” khai: Thấy Phương Nam làm ăn lớn nên tin tưởng vào hồ sơ tự lập của họ. Điển hình là phi vụ vay vốn tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Chi nhánh giao dịch Hậu Giang (LPB Hậu Giang) vào tháng 4-2011. Trong phi vụ này, Phương Nam chỉ có hơn 580 tấn tôm tồn kho, trị giá khoảng 150 tỉ đồng nhưng ông Khuân chỉ đạo khai khống lên… năm lần để xin vay 250 tỉ đồng. Hai tháng sau, Phương Nam được vay 250 tỉ đồng. Cán bộ thẩm định trong vụ này khai nhận là “dựa vào hồ sơ tự lập của Phương Nam là chính. Còn việc kiểm tra lượng hàng tồn kho chỉ là ước lượng. Những vụ cho vay tương tự cũng diễn ra ở bảy ngân hàng khác tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang và đã gây thiệt hại cho tám ngân hàng 1.072 tỉ đồng. (C48 lấy nợ gốc của Phương Nam trừ đi tổng tài sản thế chấp ra con số trên)”.

Trong vụ án trên, hai người bị quy kết chủ mưu lừa đảo các ngân hàng là giám đốc Lâm Ngọc Khuân và con gái Lâm Ngọc Hân đã bỏ trốn ra nước ngoài, đang bị công an truy nã và bị đề nghị truy nã quốc tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Vũ (Pháp Luật Tp.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN