Tài xế xe cứu hộ bị lừa lấy ô tô khi đang cứu hộ?

Công an huyện Bình Chánh TP.HCM đang xác minh làm rõ vụ việc tài xế xe cứu hộ trình báo bị lừa lấy mất xe ôtô trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Ngày 23/1, trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Bé Năm - Giám đốc Công ty Cứu hộ giao thông 118 TG, cho biết: Có sự việc tài xế xe cứu hộ của công ty bị lừa lấy mất xe ô tô khi đang cứu hộ trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Mất ô tô khi đang cứu hộ xe cho khách

Theo đó, chiều 17/1, anh N. (ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đi ô tô mang biển số 62A - 217.31 (xe anh N. thuê) đến tỉnh Tiền Giang thì xe bị hỏng. Anh liên hệ xe cứu hộ của Công ty Cứu hộ giao thông 118 TG (do anh Th. ngụ tỉnh Tiền Giang làm tài xế) mang xe về garage ở tỉnh Tiền Giang để sửa chữa. Tuy nhiên, do garage không nhận nên anh N. yêu cầu đưa xe về tỉnh Đồng Nai.

Khi anh Th. lái xe cứu hộ chở ô tô trên về đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (thuộc thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh), có một số người (chưa rõ lai lịch) đi trên một ô tô đến và nói là bạn của anh N. đến lấy xe tự lái về. Anh Th. Đã giao xe cho nhóm người này.

Chiếc ôtô mang biển số 62A - 217.31 mà tài xế xe cứu hộ trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt

Chiếc ôtô mang biển số 62A - 217.31 mà tài xế xe cứu hộ trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt

Đến tối cùng ngày, anh N. điện thoại hỏi tình trạng xe thì tài xế Th. mới phát hiện bị lừa lấy mất xe nên đến Công an thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh) trình báo.

Nhìn nhận về vụ việc, ông Nguyễn Văn Bé Năm - Giám đốc Công ty cứu hộ giao thông 118 TG nói: Trong ngành cứu hộ thì phương thức “lấy xe” như trên là lần đầu tiên xảy ra. Việc thuê cứu hộ trộm xe lâu nay vẫn xảy ra. Các đối tượng thuê xe cứu hộ tới nơi rồi nói “xe tôi đó, chở về đi!” nhưng vụ việc mà tài xế Th. gặp phải vào ngày 17/1 quả là lần đầu.

Ông Năm cho hay hiện tài xế Th. vẫn ở công ty làm việc bình thường. “Chúng tôi đã báo với cơ quan công an và phối hợp với cơ quan công an để làm rõ vụ việc, bên nào sai thì bên đó sẽ chịu trách nhiệm. Chỗ tài xế Th., phía công ty tin tưởng 100%, bởi tài tài xế Th. lâu nay không rượu chè, cờ bạc, Th. chỉ biết đi làm thôi!”, ông Năm nói.

Ông Năm cho biết quy trình tiếp nhận để cứu hộ xe như sau: Khi khách hàng có nhu cầu cần cứu hộ thì gọi về tổng đài, công ty tiếp nhận thông tin. Sau đó, khách hàng gửi vị trí và hình ảnh phương tiện cần cứu hộ. Khi giao xe được cứu hộ, thường có phiếu thu hoặc chụp hình ảnh lúc giao lại.

“Riêng vụ việc này thì có 3 giai đoạn khiến cho tài xế Th. tin và giao xe: một là họ nói đúng tên chủ xe, hai là biết địa chỉ giao, thứ 3 là có chìa khóa xe. Với loại xe này thì chỉ có chủ mới có chìa khóa thôi! Nếu người bình thường thì sẽ không biết địa điểm giao xe, không thể có chìa khóa xe vì thường với những loại xe này thì chỉ nhận diện được 2 chìa khóa mà thôi. Do đó chỉ có chủ xe mới có chìa khóa”, ông Năm nói.

Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Nhìn nhận về vụ việc, Luật sư Trương Hồng Điền, Trưởng Văn phòng Luật sư Xuân Phú (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho rằng: Sau khi garage ở Tiền Giang không chịu nhận xe, anh N. giao xe cho tài xế xe cứu hộ (tên Th.) chở xe về garage ở Đồng Nai. Như vậy, từ thời điểm nhận vận chuyển, xe ô tô do anh N. thuê thuộc quyền quản lý của tài xế xe cứu hộ.

Theo luật sư Điền, việc có nhóm người có chìa khóa xe, biết người yêu cầu vận chuyển là anh N., biết lộ trình xe cứu hộ đang đi về Đồng Nai, để đưa ra thông tin gian dối là bạn của N., được nhờ đến nhận xe để lấy tài sản từ người đang có trách nhiệm quản lý là tài xế xe cứu hộ, là có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Tài xế xe cứu hộ bị thủ đoạn lừa dối của nhóm người này, khi thấy họ có chìa khóa xe, biết anh N. nhờ và biết xe đang về đâu, đi đến đâu, nên đã giao xe cho các đối tượng. Thời điểm hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoàn thành khi nhóm người trên nhận được xe ô tô từ tài xế xe cứu hộ giao. Trong sự việc này, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ lời khai từ phía anh N., để xem có hay không việc dàn cảnh, giao tài sản là xe ô tô cho tài xế xe cứu hộ quản lý. Sau đó, họ có chiêu trò lừa dối để chiếm đoạt. Từ đó, quy trách nhiệm cho tài xế xe cứu hộ vì làm mất tài sản. Kể cả trong trường hợp có sự thông đồng, giàn cảnh thì vẫn cấu thành hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, luật sư Điền nói.

Hiện Công an huyện Bình Chánh đang điều tra, xác minh vụ việc.

Chiếc xe đã bị thế chấp qua tay nhiều người...

Chiếc xe đã bị thế chấp qua tay nhiều người...

Ô tô bị chiếm đoạt trên cao tốc đã thế chấp cho nhiều người

Chiếc ô tô bị chiếm đoạt trên cao tốc đã qua tay nhiều người ở Tây Ninh, TP.HCM và Đồng Nai bằng hình thức ký giấy thế chấp cầm đồ.

Qua xác minh truy xét ban đầu cho thấy, chiếc xe nói trên thuộc sở hữu một phụ nữ tại Long An. Vào ngày 3/1/2022, em trai chủ xe là anh Hồ Bảo Ngọc (SN 1995, ngụ Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) có ký giấy thế chấp cho Trần Thiện Thanh (SN 1999, ngụ Tây Ninh) với số tiền 120 triệu đồng.

Chiếc xe sau đó được Thanh gửi tại một bãi xe ở TP.HCM. Từ đây, chiếc xe tiếp tục được thế chấp cho ông Lập ở huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai). Sau đó, Lập lấy xe thế chấp cho ông Việt (ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Ông Việt sau đó cho Nghĩa thuê xe sử dụng thì xảy ra vụ chiếm đoạt xe trên cao tốc.

Hiện, cơ quan cảnh sát điều tra đang tiếp tục triệu tập nhiều người liên quan trong vụ việc để truy xét mở rộng.

Màn dàn cảnh “siêu đẳng” chiếm đoạt chiếc Iphone 13 Pro Max ở Sài Gòn

Ngày 20-1, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thủ Đức, TP.HCM cho biết, đang tạm giữ hình sự Văn Võ Long (SN 1983, ngụ  phường Phước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Phương - Bùi Tư ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN