Tại sao bị trộm cắp, cướp giật phải đi báo công an?
Chính sự bất hợp tác giữa người dân với lực lượng công an là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng cướp giật ở Sài Gòn ngày càng manh động như hiện nay.
Báo công an khi bị cướp giật tài sản không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của công dân.
Bị cướp giật nhưng lười đi báo công an
Có một điều lạ lùng là khi bị trộm cắp, cướp giật tài sản thay vì đến công an trình báo, nhiều người dân lại chọn cách im lặng hoặc lên Facebook than thở ỉ ôi trách đời, trách số phận. Trong khi, nhiều vụ án công an đã bắt được nghi phạm, thu hồi được tài sản rồi lại không biết trả ai.
Đến ngày 20-3, nạn nhân vụ cướp giật tối 7-3 vẫn chưa đến trình báo cơ quan công an
Mới đây, báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin: “Tìm cô gái bị cướp điện thoại tối 7-3”. Cụ thể, vào 19 giờ tối 7-3, hiệp sĩ Nguyễn Việt Sin (thành viên của Đội Hiệp sĩ TP.HCM), phát hiện một nam thanh niên giật điện thoại của cô gái tại giao lộ đường Ngô Thời Nhiệm - Bà Huyện Thanh Quan (phường 6, quận 3). Nạn nhân là một cô gái, đi xe tay ga, mặc váy, đi một mình. Khi bị cướp giật, cô gái hoảng hốt chạy xe đi luôn chứ không lên cơ quan công an trình báo. Nên dù hiệp sĩ đã bắt được đối tượng nghi vấn bàn giao công an xử lý nhưng lại không có nạn nhân.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Trung tá Lê Minh Lê - Đội trưởng Đội Tổng hợp - Công an quận 3 cho biết đến ngày 20-3, nạn nhân vụ cướp giật trên vẫn chưa đến trình báo cơ quan công an.
“Tội phạm ngày càng hung hãn, manh động, chỉ vì chiếc điện thoại, sợi dây chuyền mấy trăm ngàn mà khi bị nạn nhân chống trả, chúng có thể quay lại hành hung, chém người. Bảo vệ người dân là trách nhiệm của công an song chúng tôi cũng rất cần sự hỗ trợ của người dân. Có những trường hợp, công an đã bắt được tội phạm trộm cắp nhưng do không có nạn nhân, mức định giá của tài sản lại nhỏ (dưới 2 triệu đồng), nên chỉ có thể xử phạt hành chính, thả về. Chính điều này là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tội phạm trộm cắp nhờn luật, bất chấp. Nếu có nhiều nạn nhân cùng tố cáo và nghi phạm đã có tiền án, tiền sự thì dù giá trị tài sản nhỏ, khung hình phạt dành cho tội phạm này sẽ nghiêm khắc hơn, có tính răn đe hơn!” - ông Lê Minh Lê cho biết.
Lực lượng Công an quận 3, TP.HCM áp giải một nghi phạm cướp giật điện thoại vào tối 7-3. Ảnh: Lê Phong
Tương tự, Cơ quan CSĐT Công an quận 4 hiện đang tìm chủ nhân của 10 xe máy, xe đạp bị cướp ở quận 4, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10-2015. Những vụ án này được phát hiện là do quá trình thụ lý điều tra vụ cướp tài sản xảy ra ngày 29-9-2015 tại bờ kè kênh Tàu Hủ (quận 4) do Nguyễn Văn Thiện, Nguyễn Ngọc Long và Trần Minh Thành thực hiện. Bằng nghiệp vụ điều tra các chiến sĩ công an đã khiến những nghi phạm này khai nhận ra chín vụ chiếm đoạt tài sản khác trên địa bàn quận 4, cụ thể là 10 chiếc xe máy, xe đạp điện kể trên…
Trong một cuộc trao đổi gần đây với PV báo Pháp Luật TP.HCM, Thượng tá Phạm Xuân Thao, Phó Trưởng Công an quận 4, TP.HCM, chia sẻ lại có trường hợp mất tài sản người dân đến báo công an nhưng khi tự tìm được tài sản rồi, thay vì tiếp tục hợp tác củng cố hồ sơ xử lý, họ lại im lặng không phối hợp nữa vì sợ rắc rối. “Chúng tôi đã xác định được đối tượng, có những đối tượng thực hiện hàng loạt hành vi nhưng vì người bị hại không hợp tác nên không thể xử lý nghiêm khắc những đối tượng này".
Lắp camera cùng công an phá án
Thượng tá Phạm Xuân Thao cho biết camera là một trong những phương tiện hỗ trợ đắc lực cho công an trong hành trình phá án. Ngoài ra đó còn là bằng chứng chứng minh hành vi phạm tội của bọn cướp (nếu chúng cố tình chối tội).
Thượng tá Phạm Xuân Thao, Phó Trưởng Công an quận 4. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
“Những gia đình, cơ quan, trường học, điểm giữ xe… nếu có điều kiện nên lắp đặt camera và nên đầu tư lắp đặt của những hãng có thương hiệu. Công an quận 4 cũng đã từng nhận được đơn trình báo người dân bị mất tài sản kèm clip do camera quay lại. Từ những tư liệu đó, đôi khi chỉ là một hình bóng xẹt qua mấy giây, bằng nghiệp vụ điều tra, chúng tôi dễ dàng xác minh được đối tượng. Qua đó chúng tôi sẽ đấu tranh, thu hồi tài sản trả lại người dân, tránh trường hợp tài sản bị tẩu tán. Rất nhiều trường hợp đối tượng trộm cắp là kẻ đã có tiền án, tiền sự được công an lưu lại hồ sơ” -Thượng tá Phạm Xuân Thao chia sẻ.
Cùng quan điểm trên, Trung tá Lê Minh Lê - Đội trưởng Đội tổng hợp - Công an quận 3 cho biết bằng nghiệp vụ điều tra và sự hỗ trợ hình ảnh từ camera, nhiều vụ án cướp giật xảy ra trên địa bàn đã nhanh chóng được giải quyết. Như vụ cướp giật diễn ra tại hẻm 443 Điện Biên Phủ (quận 3, TP.HCM) ghi lại ngày 19-2. Từ hình ảnh này, Công an quận 3 đã phát hiện, bắt giữ hai đối tượng có liên quan.
“Trong thời gian qua, Công an quận 3 đã tham mưu cho UBND quận triển khai mô hình xã hội hóa camera an ninh trên các tuyến đường, khu vực trọng điểm để giữ gìn an ninh trật tự. Tuy nhiên, xã hội có nhiều tầng lớp với mức thu nhập khác nhau, không phải ai cũng đủ tiền để lắp đặt camera. Quan trọng hơn là đơn vị nào đứng ra kiểm duyệt, đảm bảo chất lượng camera để công cụ này phát huy tác dụng chứ không phải vật trưng bày. Bởi vậy, thiết nghĩ Nhà nước cần có nguồn ngân sách riêng hỗ trợ lắp đặt camera công cộng. Tất nhiên, camera chỉ là phương tiện hỗ trợ nghiệp vụ điều tra cho công an, sớm bắt được tội phạm, hoàn trả tài sản cho người dân" - Trung tá Lê Minh Lê chia sẻ. |