Tác hại lâu dài của chất ma túy được tẩm vào sợi thảo mộc, tinh dầu thuốc lá điện tử

Sự kiện: Tội phạm ma túy

Hiện nay tại Việt Nam, đã xuất hiện chất ma túy được phun, tẩm vào sợi lá cây, thảo mộc sấy khô, tinh dầu thuốc lá điện tử để người dùng hút… dẫn đến nguy hiểm cho người sử dụng như gây ảo giác, kích thích, tạo sự lệ thuộc. Để hiểu hơn về vấn đề này, Thượng tá, TS Đặng Văn Đoàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã chia sẻ, phân tích về ma tuý loại này và tác hại khi sử dụng.

Trong tháng 9/2022, một đường dây sản xuất, mua bán chất ma túy với quy mô lớn, ngụy trang dưới vỏ bọc là sản phẩm đông y, tăng cường sinh lực nam giới được Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội triệt phá và phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh truy bắt các đối tượng liên quan. Đáng chú ý, trong đường dây này, các đối tượng sử dụng dạng thực vật khô cắt nhỏ (cành lá cây, thảo mộc sấy khô) sau đó phun, tẩm các dung dịch chứa chất ma tuý (chủ yếu là cần sa tổng hợp), đưa ra thị trường gọi dưới nhiều tên khác nhau như “Tobaco”, “cỏ Mỹ”... Cơ quan Công an đã thu giữ tang vật và giám định, xác định thảo mộc, chất bột, thuốc lá điện tử dạng Pod, chất lỏng… thu được trong vụ án có chứa ma túy loại ADB - BUTINACA.

Các đối tượng trong đường dây ma túy vừa bị Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) bắt giữ cùng tang vật.

Các đối tượng trong đường dây ma túy vừa bị Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) bắt giữ cùng tang vật.

Chất ADB-BUTINACA thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp

Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, Thượng tá, TS Đặng Văn Đoàn cho biết, chất ADB - BUTINACA trước đây ở Việt Nam chưa được coi là chất ma túy, vì không nằm trong danh mục của Chính phủ quy định, nhưng từ ngày 25/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ban hành danh mục các chất ma túy và tiền chất đã bổ sung chất ADB - BUTINACA vào trong danh mục các chất ma túy ở Việt Nam. Do đó, ADB - BUTINACA là chất ma túy được kiểm soát tại Việt Nam từ ngày 25/8/2022.

Chất ADB - BUTINACA thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp vì tác dụng của nó gây ra ảo giác, cũng như kích thích thần kinh trung ương giống như hoạt chất THC có trong cần sa. Tuy nhiên, nó khác ma túy cần sa là ADB –BUTINACA được tổng hợp ra từ các hóa chất, các đối tượng điều chế để tạo ra chất này, có tác dụng tương tự như hoạt chất ma túy cần sa. Hay nói cách khác nhóm ma tuý cần sa tổng hợp nói chung và chất ma tuý ADB - BUTINACA nói riêng được tạo ra bằng cách dùng các chất hóa học tổng hợp được mà các chất này có tính năng tác dụng tương tự như hoạt chất Delta 9 - THC có trong cần sa thực vật, sau đó pha thành dung dịch rồi phun, tẩm vào các loại cây cỏ, các mẫu thảo mộc khô,… (không phải là cây, thảo mộc khô,… chứa chất ma túy mà đây chỉ là loại vật mang chất ma tuý), sau đó sấy khô tạo thành sản phẩm gọi là “cỏ Mỹ”.

Cũng theo Thượng tá, TS Đặng Văn Đoàn, thực tế hiện nay nhóm cần sa tổng hợp chứa hàng trăm chất khác nhau và ADB- BUTINACA là một trong số các chất như vậy.

Giới trẻ ngoài xã hội thường rủ nhau đi “hút cần”, “cỏ thơm”, “cỏ Mỹ”,... Thực ra chính là sử dụng cần sa, cần sa tổng hợp. Ngoài ra khi chế tạo người ta còn cho thêm một số chất tạo mùi, tạo màu vào để tạo sự hấp dẫn cho người sử dụng. Khi sử dụng các chất ma tuý nhóm cần sa tổng hợp này nhiệt hóa hơi sẽ theo khói vào phổi, thực hiện quá trình hấp thụ vào trong cơ thể bằng con đường hút giống như hút thuốc lá, thuốc lào…

Khó phân biệt thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy

Theo Thượng tá, TS Đặng Văn Đoàn, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện vụ việc các đối tượng sử dụng chất ma túy pha vào các loại tinh dầu của thuốc lá điện tử. Thực tế trong tinh dầu của thuốc lá điện tử có chất Nicotin và một số các chất thơm. Tuy nhiên, khi chế tạo đối tượng đã “thả” thêm chất ma túy nhóm cần sa tổng hợp này vào và khi người sử dụng thuốc lá điện tử  thì vô hình trung ngoài sử dụng chất tinh dầu thuốc lá điện tử thì người ta đã đưa thêm vào cơ thể các chất ma túy khác.

Một số chất ma túy mới được thêm vào danh mục kiểm soát.

Một số chất ma túy mới được thêm vào danh mục kiểm soát.

Cũng theo đồng chí Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, ngoài thị trường người thường rất khó phân biệt thuốc lá điện tử có tinh dầu nguyên chất hay đã được pha thêm chất ma túy vào, vì chất ma túy này không màu, không mùi và do lẫn mùi của tinh dầu nên bằng cảm quan khó có thể nhận biết được, chỉ có người bán và đối tượng sử dụng có thể biết được thuốc lá điện tử có chất ma túy (từ nguồn mua, giá cả…).

Các đối tượng cho chất ma túy vào tinh dầu thuốc lá điện tử có thủ đoạn tinh vi, gây nguy hiểm cho cộng đồng xã hội, đặc biệt là lôi kéo người sử dụng. Ban đầu, có thể bọn chúng cho người sử dụng dùng thử và người hút nghĩ rằng đây là thuốc lá điện tử nhưng thực chất các đối tượng đã pha chất ma túy vào tinh dầu để người mua sử dụng, từ đó nó tạo như một thói quen, sức hút,… dẫn đến dần dần sẽ lệ thuộc vào ma túy. Và lúc này, khi có nhu cầu dùng bọn chúng sẽ bán với giá thành cao hơn.

Thượng tá, TS Đặng Văn Đoàn cho biết thêm, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện chất ma túy được phun, tẩm vào những sợi thuốc lá, thuốc lào. Có vụ việc người sử dụng thuốc lào, sau khi hút thì thấy có biểu hiện say, hoa mắt, chóng mặt, có người ngất xỉu, sùi bọt mép… Lúc bấy giờ là do tác động chất ma túy bám vào sợi thuốc lào mà người hút không biết, khi cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện ra có chất ma tuý nhóm cần sa tổng hợp. Đáng chú ý, quá trình phun tẩm chất ma túy, đối tượng không xác định được liều lượng (hàm lượng) phun ít hay nhiều, chỉ phun có chủ đích mà không có liều lượng… Do đó rất nguy hiểm cho người sử dụng nó, đặc biệt có thể bị ngộ độc, nặng có thể gây tử vong.

Tác hại của loại ma túy cần sa tổng hợp

Thượng tá, TS Đặng Văn Đoàn cho biết, chất ADB-BUTINACA là một trong nhiều loại “cỏ Mỹ”. Gọi là “cỏ Mỹ” bởi nó có xuất xứ ban đầu từ các du học sinh tại Mỹ mang về Việt Nam. Hầu hết mọi người hút “cỏ Mỹ” bằng cách cuốn nó vào giấy bọc (như các loại thuốc lá cuốn tay) và đôi khi “cỏ Mỹ” còn được dùng kết hợp với cần sa. Một số người lại dùng “cỏ Mỹ” ngụy trang dưới dạng một loại trà thảo mộc. Một số khác lại mua “cỏ Mỹ” ở dạng lỏng để dùng cho thuốc lá điện tử,… Đây là những chất có tác dụng kích thích thần kinh trung ương, gây ảo giác. Tuy nhiên, thành phần trong “cỏ Mỹ” thay đổi tùy thuộc vào thị trường mà người sản xuất muốn nhắm đến. Nếu thị trường là một quốc gia ngăn cấm cần sa thì thảo mộc được thay thế bằng một loại thực vật được phun, tẩm cần sa tổng hợp. Theo các chuyên gia, có thể xem “cỏ Mỹ” là hỗn hợp ma túy và có tác động dược lý giống cần sa nhưng mạnh hơn cần sa nhiều lần, ngoài ra còn có tác dụng giống ma túy đá nên rất nguy hiểm.

Thượng tá, TS Đặng Văn Đoàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.

Thượng tá, TS Đặng Văn Đoàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.

Một số người dùng “cỏ Mỹ” nói rằng họ trải qua trạng thái lo âu tột độ, họ cảm thấy như có ai đó đang cố hãm hại mình (hoang tưởng) và nghe, nhìn thấy những thứ không có thật (ảo giác). Đôi khi, người dùng lại có cảm giác thư thái và chỉ có những thay đổi rất nhỏ trong nhận thức. Các tác động khác bao gồm bị kích động nghiêm trọng, suy nghĩ vô tổ chức, ảo tưởng, hoang tưởng và bạo lực sau khi sử dụng “cỏ Mỹ”.

Theo Viện Khoa học hình sự, ở Việt Nam, “cỏ Mỹ” mới chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây và các nghiên cứu về tác động của “cỏ Mỹ” đến não bộ mới chỉ ở giai đoạn đầu. Những người có phản ứng tiêu cực với “cỏ Mỹ” có các triệu chứng như: Tim đập nhanh; nôn mửa; hồi hộp, lo lắng; cảm giác mơ hồ, lú lẫn; có các hành vi bạo lực; có ý định tự tử. “Cỏ Mỹ” cũng có thể làm tăng huyết áp và làm giảm lượng máu bơm về tim. “Cỏ Mỹ” cũng có liên quan trong một số ít các trường hợp suy tim và tử vong.

Thượng tá, TS Đặng Văn Đoàn cho hay, chúng ta vẫn không biết hết về những ảnh hưởng của “cỏ Mỹ” lên cơ thể con người cũng như mức độ độc hại của nó. Ngày càng có nhiều những ca cấp cứu và tử vong có liên quan đến “cỏ Mỹ” trên thế giới. Tại Mỹ có nhiều báo cáo rằng một số bệnh nhân có sử dụng “cỏ Mỹ” cần phải nhập viện và lọc máu do bị tổn thương thận cấp tính. Nếu không sử dụng “cỏ Mỹ”, người nghiện có thể gặp các triệu chứng như đau đầu, lo âu, trầm cảm, khó chịu, bứt rứt.

Ngày 25/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57 quy định các danh mục ma túy và tiền chất thay thế Nghị định 73 (ngày 15/5/2018) và Nghị định 60 (ngày 19/5/2020).

Nghị định 57 đã bổ sung thêm 17 chất ma túy và 3 tiền chất, nâng tổng số chất cần kiểm soát ở Việt Nam là 557 chất ma túy và 60 tiền chất.

Trong đó,  bổ sung 14 chất ma túy vào Mục IIC, Danh mục II gồm: các chất nhóm cần sa tổng hợp: ADB –BUTINACA, 4F-ABUTINACA, 4F-MDMB-BICA, MDMB-4en-PINACA, CUMYL PEGACLONE; các chất nhóm ATS – 2FMA, 3-FEA; các chất nhóm cathinone tổng hợp – 3-MMC và N-methyl ethylone; các chất opioid tổng hợp: Brorphine, Isotonitazene, Metonitazene; chất nhóm LSD: 1Cp-LSD; chất nhóm PCP: Diphenidine.

Bổ sung 3 chất ma túy vào Danh mục III gồm:  Các chất nhóm Benzodiazepine: Clonazolam, Diclazepam, Flubromazolam. Bổ sung 3 tiền chất vào Mục IVA, Danh mục IV gồm: Các tiền chất của fentanyl: 1-boc-4-AP, 4-AP, Norfentanyl.

Công nghệ điều chế 'Cỏ Mỹ', thuốc lá điện tử chứa ma túy của đường dây vừa bị triệt phá

Kết quả điều tra bước đầu đã dần sáng tỏ quy trình, công nghệ “điều chế” ma tuý thảo mộc, thuốc lá điện tử chứa chất ma túy của đường dây vừa bị Công an quận...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hiền ([Tên nguồn])
Tội phạm ma túy Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN