Tà đạo 'Thiên triều Nam Quốc' ở Bình Thuận - Bài 1: Gia đình tan nát vì u mê theo tà đạo
Chỉ sau một năm tham gia tà đạo 'Thiên triều Nam Quốc', bốn người trong gia đình trí thức của bà Lan đều ly hôn để chú tâm vào việc cúng bái theo chỉ dụ của “đức vua”.
LTS: Từ việc gia đình cầu cứu, công an phát hiện một gia đình tham gia nhóm tà đạo “Thiên triều Nam Quốc” có hành vi vi phạm pháp luật nên đã khởi tố những người liên quan để điều tra.
Tà giáo này nhắm đến gia đình khá giả, trí thức, dùng nhiều thủ đoạn để khống chế các thành viên.
Theo tìm hiểu, nhóm tà đạo này mới nhen nhóm ở Bình Thuận, do một phụ nữ đơn thân 37 tuổi xưng là “đức vua” điều hành…
Ngày 9-6-2024, sau gần hai tháng nỗ lực điều tra với vô vàn khó khăn trước nhiều thủ đoạn đối phó của các thành viên nhóm tà đạo “Thiên triều Nam Quốc”, Công an TP Phan Thiết (Bình Thuận) đã ra quyết định khởi tố bốn bị can ở xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết về tội giữ người trái pháp luật.
Trong đó, công an bắt tạm giam bốn tháng đối với hai bị can Nguyễn Thị Ngọc Lan (35 tuổi, cựu giáo viên Trường THPT Phan Bội Châu, TP Phan Thiết); Nguyễn Thị Hoài Diễm (41 tuổi, cựu giáo viên, chị ruột bà Lan).
Tan nát một gia đình thành đạt
Việc bắt giữ hai chị em bà Lan khiến không ít người ở TP Phan Thiết và giáo viên, học sinh Trường THPT Phan Bội Châu không khỏi bàng hoàng bởi đây là gia đình trí thức, thành đạt ở địa phương.
Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt tạm giam Nguyễn Thị Ngọc Lan. Ảnh:PHÚ NHUẬN
Theo tài liệu thu thập của chúng tôi, đại gia đình bà Lan mới tham gia giáo phái tự xưng “Thiên triều Nam Quốc” từ đầu tháng 2-2023 đến nay và chỉ sau hơn một năm đã tan nát, ly tán cả gia đình.
Ba chị em gái bà Lan và em trai đều là giáo viên, cán bộ nhà nước lần lượt xin nghỉ việc và tất cả đều ly hôn, chú tâm vào việc lập đàn cúng bái.
Đại gia đình bà Lan thường tổ chức cúng bái tại biệt thự 241 Bàu Me và khu đất biệt lập 29 Trần Bình Trọng, xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết trong khung giờ từ 23 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau.
Ngoài việc đốt lửa, đọc, hô to những câu thần chú kỳ quặc, gia đình này còn lập ra “pháp trường” gọi tên hành hình các hình nộm bằng cách ném vô chảo lửa.
Bắt giam bà Nguyễn Thị Hoài Diễm, bên cạnh là các chảo dùng để đốt lửa hành hình các hình nộm. Ảnh:PHÚ NHUẬN
Do tin rằng trong biệt thự 241 Bàu Me có tà ma, có người “theo ám” nên lúc cúng bái, họ luôn gọi tên tổ tiên, ông bà của mình rồi dùng dao đâm, rạch các hình nộm và còn dùng búa tạ đập phá sân biệt thự để “trục xuất tà ma”.
Toàn bộ đại gia đình bà Lan đều tham gia những bữa cúng “trừ tà” quái dị này với đèn đuốc sáng rực cả khu vực.
Nhiều người dân địa phương cho biết họ thường xuyên thấy gia đình bà Lan tổ chức những đêm cúng bái kỳ dị này nhưng không dám phản ánh.
Phong tước phẩm, cúng bái kỳ dị
Theo điều tra của chúng tôi, lúc đầu tà đạo “Thiên triều Nam Quốc” chỉ “ban tặng” cờ, con dấu, tượng thờ cho các thành viên tham gia.
Cơ quan điều tra khám xét biệt thự nơi thường xuyên diễn ra những buổi cúng bái kỳ dị.
Sau “thời gian thử thách” khoảng hai tháng, những người trong gia đình bà Lan được “đức vua” của “Thiên triều Nam Quốc” phong chức, tước phẩm; trang phục… với lời thề phải có trách nhiệm, nghĩa vụ trung thành tuyệt đối với “Thiên triều Nam Quốc”.
Theo tuyên truyền của tà đạo, gia đình bà Lan là một trong 40 nhóm được phong tước phẩm và được gọi là nhóm 32.
Cha ruột bà Lan, cựu chủ tịch UBND xã, được phong là Bảo Dương Thanh Đề; mẹ bà Lan có bí danh Bạch Linh; Nguyễn Thị Hoài Diễm, người vừa bị bắt giam, được phong là Thủy thần Tịnh Tứ; bà K (chị ruột bà Lan, ngụ xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) tham gia với bí danh Liêu Kiều Thanh.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan được “đức vua” ban tặng là Thần tướng Mộc Lan, Nguyễn Hồng Tâm được phong là Vương Đại Hiếu và ban tặng cờ, còn các thành viên tà giáo đều xăm chữ phía sau cổ. Ảnh: PHÚ NHUẬN
Con ruột bà Nguyễn Thị Hoài Diễm, một sinh viên có bí danh là Bao Chủng; Nguyễn Hồng Tâm (ngụ xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình), người vừa bị khởi tố (được tại ngoại) là Vương Đại Hiếu và được phong tướng. Trần Hữu Tình, lái xe cho gia đình bà Lan, cũng vừa bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú, tham gia với bí danh Ngư Hữu Tình…
Chị TTBD, bị hại trong vụ án giữ người trái pháp luật, cũng bị ép vào tà đạo “Thiên triều Nam Quốc” với bí danh Tiểu Di; NTT (chồng chị D) có đến hai bí danh Triệu Vân, Trắc Trân Quân và được phong là tướng quân.
Riêng bà Nguyễn Thị Ngọc Lan được phong là Thần tướng Mộc Lan, được giao nhiệm vụ quản lý chung nhóm 32.
“Thần linh lục cậu” được thờ trong biệt thự. Ảnh: PHÚ NHUẬN
Những người được phong tước phẩm đều được phát một lá cờ màu vàng có thêu hình bông sen và một khánh vàng hoặc khung gỗ có nội dung 'Thiên triều Nam Quốc' “quốc phong hoàn thành thiên lệnh…”.
Tất cả vật phẩm trên sau khi ban tặng, “đức vua” của “Thiên triều Nam Quốc” đều yêu cầu các thành viên đặt ở nơi trang trọng, các thành viên phải tuân lệnh tuyệt đối chỉ lệnh của vua!…
Những người tham gia tà đạo này còn buộc phải xăm hai dòng chữ Phạn và Việt sau cổ có nội dung “Án ma ni bát di hồng”. Nhiều đứa trẻ trong nhóm 32 như con chị D, con bà Lan do không chịu đau nên được ban lệnh bỏ qua!
Sau một thời gian tham gia “Thiên triều Nam Quốc”, anh K (chồng bà Lan) và chị D (vợ của NTT, em bà Lan) đều nhận ra những vô lý của tà đạo này cùng với việc tốn quá nhiều tiền bạc cho “Thiên triều Nam Quốc” nên có ý định rời khỏi tổ chức này.
Theo anh K, gia đình vợ anh đều bị buộc cúng bái từ 23 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau nên tinh thần của mọi người luôn mệt mỏi và dễ dàng bị tà đạo này thao túng, làm theo mệnh lệnh.
Khi biết được ý định rời khỏi tà đạo của hai người dâu, rể này, một kịch bản vu khống và bạo hành dã man như thời Trung cổ được sắp xếp cho “soái tướng Mộc Lan” thực hiện vì cho rằng chị D là mầm họa.
Ngày 9-6-2024, quá trình khám xét biệt thự 241 Bàu Me, xã Thiện Nghiệp, Công an TP Phan Thiết đã phát hiện, thu giữ rất nhiều tài liệu liên quan đến tà đạo này…
(Kỳ sau: Thu thập thông tin để thao túng tâm lý người trong “tà đạo”)
Nhóm “Thiên triều Nam Quốc” ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội Đến nay, tỉnh Bình Thuận có tám tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận. Các tổ chức tôn giáo trên đã triển khai các hoạt động, lễ nghi tôn giáo theo đúng hiến chương, điều lệ, giáo lý, giáo luật, đường hướng, phương châm của từng tổ chức và quy định của pháp luật. Qua đó, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số hội, nhóm không khai báo và đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, đã lén lút hoạt động để mời gọi, lôi kéo người dân tham gia những hoạt động lệch chuẩn, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, vi phạm quy định của pháp luật. Gần đây nhất, tại xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết xuất hiện nhóm “Thiên triều Nam Quốc”, mặc trang phục cổ trang, đọc lời khấn diệt tà ma, khua tay múa chân, sử dụng nhiều vật dụng cổ quái như hình nhân, cung tên, búa, chảo lửa… để thực hiện các hoạt động, hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Hoạt động của nhóm này gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, gây mâu thuẫn trong gia đình, chia rẽ, mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Hành vi, hoạt động của những người tham gia nhóm này đã vi phạm pháp luật và các ngành chức năng đang xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Qua sự việc này, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không để bị lôi kéo tham gia các tổ chức chưa được cơ quan có thầm quyền công nhận, chấp thuận. Khi phát hiện các hành vi, hoạt động đáng ngờ phải báo ngay cho cơ quan công an gần nhất hoặc chính quyền địa phương để kịp thời xử lý, đồng thời khuyến cáo người thân và nhân dân nơi cư trú không tham gia bất cứ hội, nhóm nào khi chưa rõ nguồn gốc, lai lịch. Ông NGUYỄN THANH MINH, Trưởng ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận |
Công an đã làm việc với gia đình chồng cũ nạn nhân nhưng những người này không thừa nhận và cho rằng chị D tự gây thương tích cho mình.
Nguồn: [Link nguồn]