Suýt ôm hận sau những lời có cánh
Nhiều người không am hiểu về thị trường đất nền bị các môi giới bất động sản thuyết phục bằng những lời hứa có cánh rồi ngậm "trái đắng"
Ngày 10-8, kể về câu chuyện ký hợp đồng đặt cọc 1 tỉ đồng mua 2 lô đất nền ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, hai mẹ con bà N.M (quận 7, TP HCM) vẫn không giấu nổi sự hồi hộp.
Kế hoạch "mật ngọt"
Tháng 3-2022, bà M. nhận được điện thoại của nam nhân viên công ty bất động sản H., người này nói lời chia sẻ, động viên cũng như thăm hỏi về tình hình buôn bán sau dịch Covid-19 của bà. Cuối tháng 6-2022, nhân viên môi giới mời mẹ con bà M. đi tham quan dự án đất nền "tiềm năng" ở TP Bảo Lộc và nói nếu thích thì bà đầu tư sinh lời, không mua cũng không sao.
Thấy xuôi tai, bà M. cùng con gái tên H. "đi thử cho biết". Từ lúc khởi hành, hai mẹ con được chăm sóc rất tận tình. Suốt đoạn đường từ TP HCM đi Bảo Lộc, các nhân viên liên tục giới thiệu tới mẹ con bà dự án có khả năng sinh lời lên đến gấp nhiều lần.
"Đây là dự án sôi động nhất thị trường đất nền ở Lâm Đồng, quanh dự án là các đồi chè do nước ngoài đầu tư. Sắp tới, hàng loạt siêu thị, khu vui chơi giải trí đẳng cấp sẽ mọc lên. Nếu quý khách đầu tư từ bây giờ sẽ nhận được chiết khấu cao, giá còn hời… Công ty cam kết khả năng sinh lời đáng mơ ước, nếu sau một năm không bán được thì công ty sẽ thu lại các nền với giá chênh lệch 20%. Quý khách cứ an tâm xuống tiền, không lo sợ bị lỗ" - nhân viên công ty giới thiệu.
Đến nơi, sau khi ăn trưa, mẹ con bà M. được dẫn đến khu vực dự án. "Thấy nhiều người ký mua nền đất, mẹ con tôi cũng nôn nao khi thấy người thì mua 2 nền, người thì mua 4 nền. Chỉ khoảng 1 giờ sau, nhân viên nói chỉ còn vài nền, nếu không mua sẽ hết, sau này mà mua lại thì giá chênh lệch vài trăm triệu đồng. Thấy vậy tôi và mẹ cũng làm liều ký cọc rồi chuyển khoản 1 tỉ đồng mua 2 nền đất trị giá 3,3 tỉ đồng" - chị H., con gái bà M., cho biết.
Sau đó, nhân viên công ty bất động sản đã lo mọi thủ tục, đồng thời làm khống bảng lương cho chị H. thành 35 triệu/tháng để chị làm hồ sơ vay ngân hàng. Khi về nhà, nghe theo lời cảnh báo từ nhiều người, gia đình chị H. đã tức tốc liên hệ ngân hàng nhờ can thiệp. Rất may, từ những giấy tờ và hồ sơ gia đình cung cấp, ngân hàng đã xác minh và từ chối cho vay. Chị H. đã ủy quyền cho dì ruột tên Minh Loan đứng ra trao đổi với công ty để hủy hợp đồng đặt cọc, lấy lại 1 tỉ đồng thành công.
Không may mắn như trường hợp trên, bà Ngọc K. (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) đã "ngậm trái đắng" khi mất ngay 200 triệu đồng vì thay đổi ý định mua đất nền. Bà K. cho biết sau khi ký cọc thì nhận thấy công ty bán đất nền có dấu hiệu gian dối nên không đồng ý mua. "Nhưng họ căn cứ vào những điều khoản mập mờ trong hợp đồng đặt cọc để ép tôi. Tôi đành chấp nhận mất 200 triệu đồng và phải im lặng, không được chia sẻ thông tin lên mạng xã hội cũng như khiếu nại đến các cơ quan chức năng... Thôi thì mất 200 triệu để lấy lại 1,5 tỉ còn hơn mua các nền đất rồi ôm nợ" - bà K. chua xót.
Chị H. suýt ký khoản vay mà bản thân chị khẳng định không có khả năng trả nợ
"Treo đầu dê bán thịt chó"
Nhiều năm tham gia xét xử các vụ án lừa đảo liên quan tới mua bán đất nền, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM - cho biết có rất nhiều người vì quá tin tưởng nhân viên môi giới, chỉ mới nghe giới thiệu và những lời hứa đã bỏ tiền tỉ ra mua đất. Không ít các nạn nhân tán gia bại sản khi bỏ hết tiền của tích lũy cả đời để mua dự án ma. "Tiền đã trao nhưng đất nền không thấy, có chăng là những dự án nằm sâu trong rừng, những lô đất trồng keo lá tràm, những quả đồi không được chuyển mục đích sử dụng đất lên đất ở" - bà Nhuệ nói.
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ cũng không loại trừ một số trường hợp nhân viên ngân hàng thông đồng với công ty bất động sản "nhắm mắt" lập hồ sơ cho vay đối với những khách hàng không có khả năng tài chính, không có phương án trả nợ cũng như tài sản bảo đảm.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho hay một số công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó". Đã có nhiều trường hợp lấy hình ảnh, thông tin dự án của tập đoàn uy tín để quảng cáo, tổ chức hội nghị chào mời khách hàng. Khi khách hàng đến nơi thì họ đưa lên xe chở đi Bình Dương, Đồng Nai bán các dự án hẻo lánh, ít người biết đến.
"Mua bán bất động sản cần có một quyết định thận trọng vì đó là tài sản lớn của chúng ta. Người dân cần chọn những tập đoàn, công ty có uy tín, có thương hiệu qua những dự án họ đã triển khai. Bên cạnh đó, cần xem tính pháp lý, vị trí của dự án cũng như khả năng tài chính của mình có phù hợp hay không trước khi ký hợp đồng" - bà Hương nhắn gửi và nói thêm rằng để an toàn thì tốt nhất chỉ nên vay ngân hàng một nửa số tiền trên giá trị bất động sản.
Cháu tôi là người đứng ra ký hàng loạt giấy tờ với ngân hàng để vay 2,3 tỉ đồng mua 2 nền đất. Biết được thông tin động trời này, tôi đã tức tốc liên hệ với ngân hàng để nhờ can thiệp vì cháu tôi thu nhập mỗi tháng có 6 triệu làm sao trả nợ?” - bà Minh Loan nói. |
Gọi nhiều như tra tấn Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Quỳnh Lan, Viện trưởng VKSND quận Gò Vấp (TP HCM), cho biết có ngày bà nhận hàng chục cuộc điện thoại chào mời đất nền, dự án nhà phố, chung cư... Bà Lan kể mình bị gọi từ sáng tới chiều như tra tấn. Theo bà Lan, bây giờ mua dữ liệu khách hàng quá dễ nên cứ có danh sách là gọi. Thế nào cũng có người nhẹ dạ cả tin đi xem đất và bị "rót mật vào tai", mua những lô đất nền với giá cao chót vót. "Nếu không có kiến thức, không rành về thị trường bất động sản thì nên tránh xa những lời mời chào mua đất với những lời hứa suông. Một khi đã bỏ tiền, hợp đồng đã ký thì họ phủi trách nhiệm rất nhanh" - bà Quỳnh Lan nói. |
Nguồn: [Link nguồn]
Gia đình muốn nộp tiền khắc phục hậu quả nhưng cựu chủ tịch trung tâm hỗ người nghèo lập tức phản đối vì “đang kêu oan mà, sao bồi thường được”.