Sự thật nhói lòng sau kỳ án “mất tích” của một đại gia đình

Sự kiện: Tin pháp luật

Người trong gia đình đột ngột biến mất sau một đêm khiến dư luận hoảng hốt. Những trình báo của người chồng đều dẫn đến các nghi vấn kinh hoàng về một điều bí ẩn. Nhưng rồi…

Khác với chuyện tầm nã tội phạm luôn rình rập hiểm nguy, công tác tìm kiếm người mất tích có phần thâm trầm hơn. Nhưng, tiếp nhận một hồ sơ là bao tâm tư, hy vọng thậm chí cả những giọt nước mắt ngóng trông của mọi người dân đặt lên vai các anh. Từ lời tâm sự của các trinh sát, chúng tôi sẽ hé lộ những góc khuất đặc biệt này.

Chuyện động trời!

2017 là năm ghi dấu ấn thành công đối với tập thể phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh Quảng Nam. Người dân yêu quý các anh bởi những dấu chân dãi nắng dầm mưa tầm nã đã khép lại chặng đường trốn chạy của biết bao tội phạm ranh mãnh. Ở một lĩnh vực khác âm thầm hơn là tìm người mất tích, các anh cũng đã trở thành cầu nối cho biết bao cuộc đoàn viên. Mỗi hồ sơ mất tích là thêm một lần các anh dốc hết tâm huyết tìm ra sự thật. Nhưng cũng có khi, sự thật vừa hé lộ cũng là lúc người trinh sát lại đau đáu bởi những nỗi niềm của người trong cuộc.

Một ngày tháng 8/2016, anh Nguyễn Văn Ph. (SN 1980), trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam hớt hả báo công an rằng vợ là Trần Thị V. (SN 1980), mẹ vợ Trần Thị H. (SN 1957), cùng 2 cô con gái là Nguyễn Thị Thùy Tr. (SN 2005) và Nguyễn Thị Thùy L. (SN 2007) đã “mất tích” (?!). Sự việc xảy ra cũng đã gần một tuần nay, bất chấp anh chạy đôn chạy đáo khắp nơi để truy tìm.

Theo anh Ph., 4 người thân của anh như “bốc hơi” chỉ sau một đêm anh đi làm về nhà muộn. Kỳ lạ là ngoài khoản tiền 50 triệu đồng, mọi tài sản trong gia đình vẫn còn y nguyên. Anh Ph. khẳng định, trong cuộc sống gia đình anh cũng chỉ làm ăn buôn bán nhỏ, nào có xích mích với ai đâu mà xảy ra cơ sự này?

“Mất” vợ con, ngày ngày người đàn ông này ôm điện thoại với hy vọng có người gọi về báo tin. Thế rồi, đùng một ngày, chiếc máy đổ chuông liên hồi bởi một số thuê bao lạ. Bên kia đầu dây là tiếng hét thất thanh của vợ anh. Sau đôi ba giây thì điện thoại im bặt. Những ngày tiếp theo, cũng từ số lạ này, anh nghe rõ ràng được giọng vợ mình. Rằng, vợ anh đã bán con sang Campuchia rồi, vợ yêu cầu anh phải đưa thêm 15 triệu đồng nếu không sẽ bán nốt đứa con còn lại.

Thông tin đặc biệt nghiêm được công an địa phương chuyển lên cho PC52 Công an tỉnh Quảng Nam cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc. Cùng lúc này, dư luận huyện Thăng Bình xôn xao, bàn tán. Nhiều nghi vấn, đồn thổi của người dân thể hiện chị V. đã bị kẻ gian uy hiếp, đòi tiền chuộc từ chồng hay đang có những âm mưu bắt cóc, buôn bán người liên quan đến 4 nạn nhân (?!). Cũng có người hoài nghi rằng, anh Ph. đang che giấu chuyện động trời.

Lo lắng cho sự an nguy của người dân cũng như nhằm giải đáp những xôn xao dư luận, trinh sát PC52 tức tốc vào cuộc xác minh. Ngoài những thông tin do anh Ph. cung cấp, việc bà H. và 3 mẹ con chị V. “biến mất” không một ai kể cả những người thân khác tường tận. Mọi manh mối đều dẫn đến những ngõ cụt. Nhiều giả thuyết được lực lượng chức năng đưa ra để bóc tách. Bốn con người đồng loạt mất tích, hơn nữa trong đó có 2 cháu nhỏ đang độ tuổi ăn học càng khiến các anh vô cùng nóng lòng tìm đáp án.

Bi kịch và cuộc trốn chạy

Kiên trì, nỗ lực cùng các biện pháp nghiệp vụ, cuối cùng vào đầu 2/1017, trinh sát vỡ òa khi xác định được vị trí của 4 người thân anh Ph.. Họ sinh sống trong một căn nhà trọ trên địa bàn TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Họ không bị bắt cóc, không bị bán sang Campuchia, thậm chí không chịu một sự ép buộc nào. Nhưng sao ngần ấy thời gian họ bỏ đi khỏi gia đình để người thân tìm kiếm, ngóng trông đến mòn mỏi, vô vọng?

Sự thật nhói lòng sau kỳ án “mất tích” của một đại gia đình - 1

Thời điểm cảnh sát tìm ra 4 bà cháu. Phải mất rất nhiều thời gian, các anh mới đưa được họ trở về gia đình, hàn gắn những vết nứt... Ảnh: Nam Phương.

Nhắc đến câu chuyện này, những người lính PC52 tham gia chuyên án lại một lần nữa ngậm ngùi, xót xa. Ngày đó, các anh phát hiện ra 2 đứa trẻ đầu tiên. Các em tự nhốt mình trong căn trọ. Thấy người lạ, 2 em thậm chí không dám nhận tên họ thật của mình mà chỉ ú ớ, bộ dạng sợ sệt. Chỉ khi được lực lượng chức năng an ủi, vỗ về những đứa trẻ tội nghiệp mới òa khóc, nức nở. Chúng kể ở với bà trong nhà trọ này. Ngày ngày, bà em đi lượm ve chai chăm lo cho 2 em. Còn chị V. thì lặn lội ra tận Đà Nẵng làm thuê, ki cóp được đồng nào chị gửi về cho 3 bà cháu.

Chị V., bà H. được lực lượng chức năng gọi về ngay sau đó. Trong căn trọ cũ, cả 4 con người đều bật khóc. Những gọt nước mắt tức tưởi, mặn chát của họ khiến người đối diện nao lòng, xót xa. Hóa ra, 4 con người tội nghiệp ấy bỏ nhà đi vì không chịu nổi sự hành hạ của anh Ph.

Theo lời chị, hơn chục năm trước, chị được người thân gá ghép rồi nên vợ nên chồng với Ph., về ở rể nhà chị cùng với bà H.. Cuộc sống cứ thế trôi đi trong êm ả rồi 2 cô con gái kháu kỉnh lần lượt ra đời. Hạnh phúc tưởng chừng như chắp dài thêm. Nhưng không, cho rằng chị không biết sinh, biết đẻ, Ph. tỏ ra là gã vũ phu, thường đánh đập tàn nhẫn. Đau lòng hơn, gã còn bất kính, chửi mắng với mẹ vợ và dọa nạt các con.

Có hôm, Ph. rượt đánh vợ lúc giữa khuya. Chị V. bỏ chạy khỏi nhà. Thế là hắn bắt mẹ vợ phải đạp xe đi tìm. Rồi cũng có hôm 2, 3h sáng bà H. lếch thếch đi tìm con gái. Lạnh quá, bà ra trụ sở UBND xã nằm co ro đến sáng.

Thương mẹ, thương con, thương cho bản thân mình, chị V. quyết định rời bỏ chính căn nhà của mình. Tối đó, 4 bà cháu đến một nhà trọ ở xã Bình An, huyện Thăng Bình trú qua đêm. Ngay tờ mờ sáng sớm hôm sau, họ dắt nhau vào TP.Tam Kỳ thuê trọ. Chị V. đành xa con ra Đà Nẵng làm thuê. Hằng ngày, bà H. đi lượm ve chai kiếm sống. Xót xa hơn, 2 đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học phải quanh quẩn trong căn phòng. Tất cả họ sống trong nỗi sợ hãi, nơm nớp lo Ph. phát hiện ra.

Đại tá Trần Văn Xuân, Trưởng Công an huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam kể lại với chúng tôi rằng, thời điểm đó, 4 bà cháu nhất mực không chịu quay trở về nhà. Cảnh sát đã mời Ph. và “những người mất tích” đến làm việc. Chuyện trong gia đình nên mỗi người một ý. Ph. thì cho rằng chị V. cũng có nhiều điểm sai trái. Nhưng sau cùng, người chồng này khóc lóc và hứa sống tốt hơn, nhưng chị V. vẫn cương quyết không quay về chốn xưa. “Chúng tôi đã phải khuyên giải, giúp đỡ và tổ chức hòa giải rất nhiều lần nhưng cô vợ không chịu quay về. Chuyện gia đình thì có khi lục đục nhưng điều khiến chúng tôi lo lắng hơn là 2 đứa trẻ đi theo bà và mẹ có nguy cơ thất học, do vậy anh em nỗ lực rất nhiều để giải quyết sao cho thấu tình đạt lý”, đại tá Xuân chia sẻ.

Thế rồi, một ngày giữa tháng 1/2018, chúng tôi đi ngang qua huyện Thăng Bình. Thời gian đưa thoi, lúc này cũng gần tròn 1 năm kể từ ngày trinh sát PC52 tìm ra 4 bà cháu. Hạnh phúc hơn họ đã về nhà, Ph. cũng đã bớt rượu chè, không còn đánh đập vợ con. Nụ cười quay trở lại nơi mái ấm tưởng chừng như đã rạn nứt. 2 đứa trẻ đã quay lại với học đường. Nhìn mái ấm này, người dân địa phương vui mừng và chúng tôi tin rằng, các cán bộ phòng PC52 hay Công an huyện Thăng Bình cũng sẽ nở nụ cười hạnh phúc. Rằng sự kiên trì, thầm lặng năm đó của các anh giờ đã ra quả ngọt.

Những hậu quả đau lòng từ... cuồng yêu

Sau những cuộc tình dang dở, thay vì chọn cách cư xử với bạn gái lịch sự tử tế, các bị cáo đã biến tình yêu thành...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Nhâm Thân (Người đưa tin)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN