“Siêu trộm” vô hiệu hóa cửa cuốn điện, camera

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm “siêu trộm” đã “ăn” trót lọt 3 vụ với tổng giá trị tài sản lên tới hàng tỷ đồng.

Các công ty, cửa hàng đều được trang bị nhiều lớp cửa khóa kỹ cùng hệ thống camera giám sát, song không hiểu bằng cách nào, hàng chục chiếc máy tính xách tay bỗng nhiên “bốc hơi” chỉ trong một đêm.

“Siêu trộm” vô hiệu hóa cửa cuốn điện, camera - 1

Chỉ bằng vài dụng cụ đơn giản, hàng chục máy tính đã bị kẻ gian lấy đi

Nhóm “siêu trộm” chuyên “ăn” máy tính

Sự việc đầu tiên xảy ra vào cuối tháng 11-2012, bị hại là anh Nguyễn Đăng Khu, ở ngõ 68 đường Cầu Giấy, phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội. Như thường lệ, buổi sáng hôm đó anh Khu đến công ty máy tính khá sớm để làm việc. Vừa dựng chiếc xe máy ngoài cửa, anh Khu hoảng hốt khi thấy cánh cửa cuốn của công ty bị bật lên. Vội vã mở cửa vào trong, anh phát hiện dãy tủ kính bị đập vỡ, mảnh vụn vãi khắp sàn nhà. Bên trong quầy, toàn bộ hơn 50 chiếc máy tính xách tay các loại có tổng trị giá lên tới hơn 400 triệu đồng đã không cánh mà bay. Khi đến CAQ Cầu Giấy trình báo, anh Khu vẫn còn chưa hết bàng hoàng, không hiểu bằng cách nào mà hệ thống cửa cuốn bằng điện được xem là rất chắc chắn, an toàn đã bị đối tượng vô hiệu hóa. Qua camera được trang bị tại cửa hàng có thể thấy, nhóm trộm cắp trên còn khá quỷ quyệt, trước khi đột nhập vào trong cửa hàng đã dùng khẩu trang bị mặt để tránh bị nhận diện. Chỉ trong vòng chưa đầy 15 phút, toàn bộ số máy tính xách tay đã được lấy đi.

Trong khi CAQ Cầu Giấy đang phối hợp với các phòng nghiệp vụ của CATP khẩn trương xác minh, điều tra truy bắt nhóm đối tượng gây ra vụ án trên thì chỉ một tuần sau đó, một cửa hàng máy tính nằm trên phố Chùa Láng cũng bị kẻ gian lấy đi khoảng hơn 20 chiếc máy tính xách tay. Điều trùng hợp giữa hai vụ án trên đó là, thủ đoạn gây án giống nhau. Cánh cửa cuốn chịu lực bằng thép của cửa hàng này cũng có dấu vết bị cạy phá trước khi chúng đột nhập vào bên trong. Hệ thống camera giám sát cũng chỉ ghi lại được hình ảnh khá mờ về một vài thanh niên bịt khẩu trang kín mặt đi lại trong phòng vài phút. Chưa dừng lại ở đó, vài ngày sau vụ trộm trên, một cửa hàng máy tính nằm trên đường Lê Thanh Nghị thuộc phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng cũng bị kẻ gian đưa vào tầm ngắm. Thời gian gây án vẫn vào ban đêm. Thủ đoạn đột nhập vẫn giống hai vụ án trước. Và lần này, khoảng 40 chiếc máy tính xách tay đủ loại cũng biến mất một cách khó hiểu.

Bài học về sự cảnh giác

Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra 3 vụ trộm cắp lớn. Dù không cùng trên một địa bàn, song căn cứ vào thời gian, phương thức, thủ đoạn gây án và các dấu vết để lại tại hiện trường, Cơ quan CSĐT CAQ Cầu Giấy nhận định, rất có thể “tác giả” của cả 3 vụ trộm cắp trên chỉ là một ổ nhóm. Hiện trường trong cả 3 vụ án đều giống nhau. Ngoài những vết cạy phá phải rất chú ý mới nhận biết được trên cửa cuốn, ổ nhóm trộm cắp hầu như không để lại bất cứ dấu vết nào. Hơn nữa, các đối tượng này cũng không gây án cố định tại một địa bàn, mà hễ nơi nào có cửa hàng máy tính sơ hở trong khâu bảo vệ cũng có thể là miếng mồi ngon của chúng.

Giữa lúc các hướng điều tra chưa thu được kết quả nào khả dĩ thì lúc này, các trinh sát phát hiện 4 nam thanh niên gồm Lê Thế Thông (SN 1991); Nguyễn Bá Quy (SN 1988); Lê Trọng Chính (SN 1992) và Lê Văn Tuấn (SN 1997) đều ở thôn 5, Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa, thuê trọ tại một nhà dân trên địa bàn huyện Từ Liêm có những dấu hiệu bất minh, biểu hiện của trộm cắp và tiêu thụ tài sản. Ban ngày cả 4 đối tượng thường ở lỳ trong phòng trọ, vùi đầu vào các trò chơi điện tử qua 4 máy tính xách tay. Chỉ đến khi đêm xuống, chúng mới rủ nhau ra ngoài, lên xe taxi chạy quanh thành phố, và chỉ dừng lại ở những khu vực, tuyến phố nào tập trung nhiều cửa hàng máy tính. Qua nhiều ngày bí mật theo dõi đồng thời củng cố hồ sơ trinh sát, CAQ Cầu Giấy đã có đủ tài liệu, chứng cứ xác định: 4 thanh niên trên chính là ổ nhóm đã gây ra các vụ trộm cắp này. Đúng lúc này, cả 4 đối tượng đột ngột thu dọn đồ đạc, bỏ trốn về quê. Ngày 18-12-2012, CAQ Cầu Giấy đã tiến hành bắt giữ được cả 4 tên khi đang lẩn trốn tại địa bàn huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.

Khi được đưa về trụ sở CAQ Cầu Giấy, ban đầu cả 4 đối tượng đều một mực nói mới ra Hà Nội tìm việc làm, không hề biết đến trộm cắp là gì. Tuy nhiên, chỉ sau nửa giờ đấu tranh, cả 4 tên đã phải thừa nhận chính là thủ phạm trong cả 3 vụ trộm cắp táo tợn trên. Không có nghề nghiệp nhưng lại thích ăn chơi, cả 4 tên rủ nhau lên Hà Nội thuê trọ rồi lang thang trên địa bàn thành phố, nắm bắt quy luật hoạt động của các cửa hàng buôn bán máy tính để lên phương án trộm cắp.

Sau khi đã xác định được “con mồi”, ban đêm cả bọn thuê xe taxi chở tới địa điểm đã định sẵn. Với chiếc xà cầy loại lớn, chúng nhét dưới cửa cuốn rồi cả bọn dùng sức bẩy cửa lên. Cứ mỗi khi cửa cuốn bị đẩy lên cao một chút, cả bọn dùng gạch kê phía dưới và tiếp tục bẩy cho đến khi người có thể chui lọt được vào trong. Khi lấy được tài sản ra ngoài cả nhóm lại thuê xe taxi khác rời khỏi hiện trường. Toàn bộ số tang vật trộm cắp đều được chúng đưa cho Lê Văn Tuấn vốn có nghề sửa chữa máy tính xách tay mang bán cho các cửa hàng sửa chữa máy tính hoặc hiệu cầm đồ để lấy tiền ăn chơi.

Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn – Đội trưởng Đội CSHS CAQ Cầu Giấy cảnh báo. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn thành phố xảy ra hàng loạt các vụ trộm cắp máy tính với số lượng lớn, cùng thủ đoạn. Hầu hết các bị hại trong vụ án đều mất cảnh giác, ỷ lại vào hệ thống cửa cuốn điện chịu lực nên không có người bảo vệ, trông giữ cửa hàng. Chính tâm lý chủ quan đó đã khiến tội phạm dễ dàng vô hiệu hóa hệ thống cửa điện, cửa cuốn này chỉ bằng những dụng cụ hết sức đơn giản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phong (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN