"Siêu trộm" làm 47 container "bốc hơi"
Lợi dụng sơ hở trong khâu thủ tục giao nhận container của các hãng tàu, gã lái xe container sử dụng nhiều thủ thuật trộm trót lọt 47 chiếc container mang đi bán, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Container không cánh mà bay
Những năm gần đây, trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM xảy ra hàng trăm vụ trộm hàng hóa trong container. Lợi dụng trên đường vận chuyển hàng ra cảng để xuất đi nước ngoài, một số tài xế biến chất đã cấu kết với các đối tượng làm ăn bất chính rút ruột container lấy trộm tài sản. Mặc dù công an các địa phương ra tay trấn áp bắt giữ hàng chục băng nhóm trộm, nhưng vấn nạn này vẫn không thuyên giảm mà ngày càng gia tăng.
Một container của Công ty Tiếp Vận Xanh được tìm thấy ở quận 12
Trong lúc các cơ quan chức năng tìm mọi cách để đối phó với nạn trộm hàng trong container, thì giữa năm 2008, Công an quận Thủ Đức, TPHCM tiếp nhận đơn của các doanh nghiệp cầu cứu khi hàng chục chiếc container khổng lồ để ở các kho bãi lại “không cánh mà bay”. Mặc dù các kho bãi luôn cẩn thận khi chuyển giao container cho các hãng tàu, nhưng không hiểu vì lý do gì những container to đùng nặng từ 3 đến 5 tấn lại bị “bốc hơi” rất khó hiểu. Các doanh nghiệp phải bỏ tiền bồi thường container cho hãng tàu mỗi chiếc từ 4 đến 6 ngàn USD.
Trong lúc Công an quận Thủ Đức đang điều tra thì ngày 18/8/2008 tiếp nhận thêm hồ sơ vụ án có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tranh chấp giữa Công ty Tiếp Vận Xanh ở khu phố 4, phường Linh Trung, quận Thủ Đức và hãng tàu T.S tại TPHCM. Công ty Tiếp Vận Xanh có hợp đồng với hãng tàu T.S thuê bãi để chứa container rỗng, Công ty Tiếp Vận Xanh bảo quản và cấp container khi có lệnh của hãng tàu T.S. Tổng số lượng container mà Công ty Tiếp Vận Xanh giữ của hãng tàu T.S là 80 chiếc.
Ngày 2/8/2008, Công ty vận tải Nguyên Vũ được hãng tàu T.S thuê đến Công ty Tiếp Vận Xanh chở 80 container về Tây Ninh đóng hàng xuất đi nước ngồi.
Nhận nhiệm vụ làm theo yêu cầu của đối tác, đến ngày 6/8/2008, Công ty Tiếp Vận Xanh đã cấp đủ 80 chiếc container cho Công ty Nguyên Vũ. Thế nhưng tranh chấp lại xảy ra. Ngày 7/8, đoàn xe của Nguyên Vũ tiếp tục đến chở container thì Tiếp Vận Xanh thông báo đã cấp đủ toàn bộ số container mà hãng tàu T.S gửi, trong khi xe của Nguyên Vũ chưa chở hết 80 container(!). Người nói đủ, bên nói chưa khiến công việc kinh doanh của các doanh nghiệp bị gián đoạn, gây thiệt hại bởi những lô hàng chậm trễ với đối tác ở nước ngoài.
Các dụng cụ để làm giả giấy tờ
Điều tra viên lấy các lệnh cấp container để kiểm tra thì phát hiện ba đầu kéo không phải là đoàn xe của Công ty Nguyên Vũ đã chở ra khỏi kho 16 container loại 20 feet.
Đến ngày 19/8, nhóm trinh sát phát hiện hai container của hãng tàu T.S để dưới chân cầu An Lạc, huyện Bình Chánh, TPHCM. Xác minh được biết chủ hai chiếc container này là ông Trịnh Văn Minh (sinh năm 1966, ngụ quận 11, TPHCM). Ông Minh cho biết đã mua hai container của một thanh niên tên Nam (không rõ lai lịch) với giá 28 triệu đồng, người bán chỉ để lại số điện thoại di động. Nhưng khi các điều tra viên gọi vào số máy này thì tổng đài thông báo “thuê bao quý khách không liên lạc được”.
"Xẻ thịt" container bán ve chai
Điều tra viên nắm được danh sách một số tài xế lái xe đầu kéo đã chở những chiếc container ra khỏi Công ty Tiếp Vận Xanh. Thế nhưng những tài xế này lại rất mù mờ, chỉ biết một thanh niên tự xưng là Định đã tìm gặp rồi thuê họ chở container mang đi để ở rất nhiều nơi khác nhau trên địa bàn TPHCM và một số địa phương lân cận.
Bình gió đá dùng để rã container
Đến lúc này, vụ án dần hé mở. Công an quận Thủ Đức xác định người bán những chiếc container cho ông Trịnh Văn Minh có tên thật là Trần Duy Khánh (sinh năm 1982, ngụ đường Đoàn Văn Bơ, phường 14, quận 4, TPHCM). Sau khi cơ quan điều tra thông báo cho gia đình Khánh biết thì Khánh bỏ trốn. Biết cố trốn chạy cũng không thể thoát được, gia đình Khánh đã vận động Khánh ra đầu thú tại Công an phường 14, quận 4. Trên đường đi đầu thú, Khánh vẫn không hiểu sao công an tìm ra mình.
Trong những ngày bị giam tại trại giam Công an quận Thủ Đức, nhiều lần Khánh trần tình kể lại con đường phạm tội của mình khiến các điều tra viên phải “khâm phục” tài trộm cắp có một không hai của một tài xế xe tải.
Trước khi phạm tội, Khánh từng có thời gian làm tài xế xe đầu kéo cho các công ty vận tải. Mặc dù cật lực làm việc suốt mấy năm trời mà cuộc sống của Khánh vẫn khó khăn. Trong quá trình làm việc, Khánh am hiểu tường tận những thủ tục, quy trình để lấy container ra khỏi kho, bãi. Quy trình xuất container là mỗi khi các hãng tàu cần lấy container rỗng để đóng hàng, hãng tàu gửi lệnh xuất công qua máy fax được đặt tại cảng Cát Lái, quận 2, TPHCM. Người nhận không cần phải xuất trình giấy tờ nào mà chỉ tốn 5.000 đồng để lấy bản fax. Trên bản fax có ghi tên của hãng tàu, người nhận đến gặp người điều độ của hãng tàu gửi lại bản fax và lấy lệnh nhận container. Biết thủ tục quá đơn giản để lấy một chiếc container, Khánh bắt đầu lên kế hoạch trộm container đem bán lấy tiền tiêu xài và hy vọng cuộc sống sẽ khá hơn với những chiếc container trị giá hàng nghìn đô la.
Khánh đến ngồi chờ ở máy fax để tha hồ lựa chọn hãng tàu mà hắn “ưng ý” để lấy lệnh nhận container. Sau mỗi lần có lệnh cấp container của hãng tàu nào đó, Khánh tìm thuê các tài xế xe đến kho có chứa container của hãng tàu đó làm thủ tục nhận một cách dễ dàng. Với thủ đoạn này, Khánh đã lấy tổng cộng 47 chiếc container trong 13 kho trên các địa bàn quận 2, quận 9, quận Thủ Đức (TPHCM) và tỉnh Bình Dương. Sau mỗi lần trộm được container, Khánh dùng con dấu làm giấy tờ giả mang bán cho nhiều người giá từ 16 đến 34 triệu đồng/container, như ông Nguyễn Văn Hoa (ngụ quận Thủ Đức) mua 6 container loại 40 feet; ông Trịnh Văn Minh (ngụ huyện Bình Chánh) mua 20 container, ông Minh đã “xẻ thịt” 18 container để bán phế liệu; ông Nguyễn Đình Đại (ngụ ngã tư Bình Phước) mua 7 container...